Mới đây, Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Đô thị của HĐND TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố tổ chức Hội thảo Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố.
Tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM - một trong những di sản đẹp, giá trị về kiến trúc xây dựng Ảnh: TL.
Thành phố hiện có 172 công trình, địa điểm đã xếp hạng di tích lịch sử, di tích văn hóa cấp quốc gia và thành phố. Theo các đại biểu, danh sách di tích được xếp hạng còn khiêm tốn so với các công trình di sản chưa được xếp hạng dù những công trình này mang dấu ấn đặc trưng của thành phố. Một số công trình trong đó đã được đưa vào một danh sách khác để bảo tồn tạm thời trong khi chờ xếp hạng, nhưng cũng chỉ trong một thời hạn nhất định.
TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP HCM cho biết, tổng quan di sản đô thị Sài Gòn - TP HCM gồm 10 loại hình, như: Cảnh quan đô thị, công trình kiến trúc, công trình tín ngưỡng, tôn giáo; nhà truyền thống và biệt thự; di tích hạ tầng đô thị và công nghiệp… Mỗi loại hình có những nét đặc trưng tiêu biểu, phản ánh quá trình lịch sử, văn hóa và kinh tế của thành phố các thời kỳ. Những năm gần đây, có những thay đổi của thành phố trong quá trình phát triển đã làm mất đi khá nhiều dấu tích xưa cũ là “hồn vía” của Sài Gòn, phá hủy khá nhiều di sản văn hóa thể hiện bản sắc Sài Gòn.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Trình- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, thực tế trong quá trình đô thị hóa, các di sản văn hóa, không gian kiến trúc đô thị của thành phố đã bị biến dạng, biến mất hoặc đang bị đe dọa trước nhiều áp lực như gia tăng dân số, quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…
Nghiên cứu thực tiễn, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ, hiện nay ở nhiều nước trên thế giới có 4 cách ứng xử chính với công trình di sản: Bảo tồn giữ nguyên di sản; cải tạo di sản, cho phép sửa chữa, nâng cấp và bổ sung nhưng phải đảm bảo hài hòa, mỹ thuật; phục hồi di sản, tái lập lại tình trạng ban đầu khi công trình mới được xây dựng; tái thiết di sản - định hướng tái tạo công trình đã bị hủy hoại theo thời gian. Trong khi đó, ở nước ta, các quy định pháp luật về nội dung này còn khá nhiều bất cập, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc. Vì vậy, các quy định pháp luật nước ta cần được bổ sung tạo nền tảng pháp lý cho 4 cách ứng xử nêu trên, không theo hướng bảo tàng hóa toàn bộ di sản trong đô thị, mà chỉ bảo tồn một số di tích tiêu biểu dẫn, có thể cải tạo và mở rộng, đưa vào phục vụ đời sống. Mặt khác, cần khoanh vùng khu trung tâm lịch sử để quy hoạch bảo tồn, chỉnh trang.
Khai thác và phát huy giá trị di sản thông qua du lịch là hướng đi mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện tốt. Chia sẻ về vấn đề này, bà Võ Thị Ngọc Thúy- Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho rằng, di sản tạo động lực cho du lịch, còn du lịch phát huy giá trị di sản. Thực tế, Thành phố có tiềm năng lớn để phát triển du lịch di sản văn hóa hoặc kết hợp du lịch di sản văn hóa với các loại hình du lịch khác. Tuy nhiên, cần phải làm “sống” lại di sản chứ không chỉ bảo tồn nguyên trạng. Song song đó, cảnh quan đô thị xung quanh các công trình cũng cần được xây dựng hài hòa, tạo thành quần thể có sự kết nối với di sản, như thế mới có thể thu hút du khách.
Đồng tình với các ý kiến đề xuất tại hội thảo, ông Phạm Đức Hải- Phó Chủ tịch HĐND TP HCM cũng cho rằng, cần phải xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý về vấn đề bảo tồn di sản. Đồng thời, thành phố phải có chiến lược, quy hoạch chung, trong đó có vấn đề bảo tồn di sản để từ đó có kế hoạch hành động cụ thể. Cùng với việc hoàn thiện chính sách chung, cần phải tăng cường quảng bá, đổi mới hoạt động để ngày càng thu hút nhiều người dân đến với bảo tàng, di tích. Để tăng nguồn lực đầu tư trong điều kiện khó khăn về nguồn kinh phí, cần phải tăng cường hoạt động xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy di tích. Đặc biệt, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn di sản cần được chú trọng hơn nữa.