Sáng 21/7, tại TP Tuy Hòa (Phú Yên), Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đề án Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại 3 tỉnh chủ lực về khai thác cá ngừ là Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa.
Thu mua cá ngừ.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, số lượng tàu tham gia khai thác cá ngừ tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa là 2.826 tàu, sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng và mắt to nửa đầu năm 2015 là 9.807 tấn; sản lượng cá ngừ vằn đạt khoảng 32.650 tấn. Trong đó, chỉ khoảng 70% tàu khai thác đủ chi phí và có lãi, 30% tàu còn lại khai thác không bù đắp đủ chi phí Hiện nay, có 3 chuỗi liên kết chính đang được triển khai là chuỗi liên kết hoàn toàn của doanh nghiệp; chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp - ngư dân; chuỗi liên kết doanh nghiệp – chủ vựa – ngư dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn vấp phải một số khó khăn, vướng mắc.
Tại Bình Định, đã triển khai chuỗi theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và ngư dân; theo đó ngư dân được nhận thiết bị khai thác, được đào tạo và cam kết thực hiện đưa cá lên tàu, sơ chế, bảo quản theo yêu cầu kỹ thuật của công ty, công ty sẽ mua giá cao hơn giá thị trường. trong quá trình triển khai, 4/5 tàu đã không chấp hành theo cam kết.
Theo bà Cao Thị Kim Lan - Giám đốc Công ty CP thủy sản Bình Định, nguyên nhân là do các chủ tàu chưa thực hiện đúng cam kết, bán cho doanh nghiệp nhưng đồng thời vẫn bán cho các chủ vựa vì trước đó các chủ tàu đã vay tiền của các chủ vựa này để mua các trang thiết bị cho tàu nên vẫn phải bán cho họ. Bên cạnh đó, ngư dân vẫn chưa đảm bảo đúng quy trình bảo quản cá nên chất lượng cá cũng chưa đảm bảo, mặt khác khi tham gia chuỗi liên kết doanh nghiệp toàn bù lỗ mà chưa nhận được một sự hỗ trợ nào.
Còn tại Phú Yên, Công ty CP Bá Hải cũng đang triển khai mô hình thí điểm liên kết sản xuất, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi với sự tham gia của 8 tổ Đoàn kết sản xuất trên biển với 72 tàu câu cá ngừ tham gia. Theo đại diện công ty, chuỗi đang gặp khó khăn về vốn lưu động cho các chuyến biển và vay trang bị phương tiện khai thác cá ngừ nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, thí điểm tổ chức sản xuất cá ngừ đại dương theo chuỗi giá trị là khâu đột phá để thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển khai thác cá ngừ đại dương sẽ góp phần thúc đẩy hiện đại hóa tàu cá và công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm, tạo tiền đề để phát triển khai thác xa bờ.
Sau khi ra đời, Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi đã triển khai nhiều công việc cụ thể đã được triển khai ngay sau khi đề án được phê duyệt như xây dựng mô hình thí điểm; công tác quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng; đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ; nghiên cứu khoa học và dự báo ngư trường; tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật khai thác. Tuy nhiên việc khai thác theo chuỗi giá trị vẫn còn quá mới đối với ngư dân. Trong khi đó, hiệu quả của việc chuyển đổi từ khai thác tự phát sang khai thác theo chuỗi giá trị đang từng bước hoàn thiện để tạo ra những thuận lợi cho ngư dân, doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương theo hướng công nghiệp, hiện đại thì thời gian tới các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa cần tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ quản lý quy hoạch nghề cá ngừ đại dương; phát triển đội tàu khai thác cá ngừ theo hương hiện đại, trong đó nâng cấp, cải hoán đội tàu hiện có, đóng mới tàu khai thác và tàu dịch vụ khai thác cá ngừ hiện đại; tổ chức thí điểm một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng đồng bộ cơ sở dịch vụ hậu cần cá ngừ đại dương; tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nghề khai thác cá ngừ đại dương và đặc biệt tập trung tháo gỡ những vướng mắt về vốn để các chuỗi liên kết thực sự tạo ra những giá trị theo hướng công nghiệp, hiện đại.