Tinh hoa Việt

Tìm báo xưa, kể chuyện cho hôm nay

THANH XUÂN 26/06/2024 11:06

Nghỉ hưu rồi nhưng hàng ngày nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến vẫn viết báo, viết sách.

2(1).jpg
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.

Thậm chí mấy năm trước, khi mới nghỉ hưu, ông còn tham gia làm biên tập cho một tờ báo, ra tuần 6 số. Bây giờ, bên cạnh danh xưng nhà báo, ông còn trở thành nhân vật để báo chí “xin ý kiến” về một số vấn đề liên quan đến văn hóa Hà Nội… Có người gọi ông là “nhà Hà Nội học”, có người gọi ông là nhà nghiên cứu văn hóa, thậm chí có người gọi ông là “sử nhân của Hà Nội”.

Gặp nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến lần nào cũng thấy ông say mê nói về báo chí. Ông bảo, giờ ai cũng dùng điện thoại thông minh để đọc báo mạng, lướt Facebook. Nhưng ông vẫn thích cầm trên tay những tờ báo giấy, đọc chậm từng cái tin, từng mục nhỏ. Và đến nay, ông vẫn giữ thói quen mua, đọc báo giấy hàng ngày.

“Chính những ô tin tức bé xíu hay những mục tư liệu nhiều người bỏ qua, tôi lại thấy ẩn trong đó những đề tài, những câu chuyện mà mình có thể tìm hiểu, mở rộng”, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ.

Có lẽ, đó là thói quen lâu năm của một nhà báo kỳ cựu từng công tác tại báo Hà Nội mới, trải nghiệm qua nhiều thời kỳ của báo chí Việt Nam. Thói quen đó cũng hình thành một thao tác nghề nghiệp của riêng Nguyễn Ngọc Tiến, để ông cặm cụi đào sâu, lục tìm những tư liệu xưa cũ.

Từ những mảnh ghép nhỏ bé, thậm chí vụn vặt, qua tư duy của Nguyễn Ngọc Tiến, và bằng sự khéo léo kết nối, đã hình thành những loạt bài công phu, thậm chí hình thành những đầu sách mà chỉ nhắc tới mấy tựa sách, người ta nhớ ngay, à, của Nguyễn Ngọc Tiến.

nguyen-ng-tien-1.jpg
Những trang báo xưa.
nguyen-ng-tien.jpg
Tờ Phụ nữ Tân văn.

Có thể nhắc ngay, đó là các tựa sách “5678 bước chân quanh Hồ Gươm”, “Đi ngang Hà Nội”, “Đi dọc Hà Nội”, “Đi xuyên Hà Nội”, “Chuyện quanh quanh Dâm Đàm”, và gần đây là cuốn “Hà Nội còn một chút này”. Trong những cuốn sách của Nguyễn Ngọc Tiến, độc giả sẽ thấy trội bật lên là những tư liệu sinh động, có thứ là “mới lạ” với nhiều người. Ví như ai đi qua cũng thấy nước Hồ Gươm xanh nhưng chưa biết nguyên nhân. Hoặc lý do gì mà quanh Hồ Gươm có chỗ bị lấp đi 10 m2, 20 m2. Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, đây là chuyện rất nhỏ nhưng gần gũi, mọi người có thể thấy hàng ngày mà chưa có câu trả lời, và ông đang là người thực hiện điều đó.

“Tôi luôn cố gắng đưa ký ức cá nhân trùng với cộng đồng. Chuyện của mình đôi khi đơn lẻ, viết ra sẽ không có độ tin cậy cao. Nó có thể độc quyền nhưng nếu đồng nhất với vấn đề của mọi người sẽ được đón nhận nhiều hơn, bởi họ được tìm thấy mình trong đó”, nhà báo chia sẻ thêm. Ông cũng lấy ví dụ, thời bao cấp, mỗi gia đình được quy định có bao nhiêu kg gạo, đường, thịt. Nếu muốn viết chuyện giật gân, Nguyễn Ngọc Tiến bảo, ông hoàn toàn có thể bịa như đi mua thịt, mải chơi nên bị con chó tha mất. Nhưng ông viết sự thật rằng khi gia đình đi sơ tán, mỗi người một nơi, bố mẹ phải chia từ một lạng thịt ấy bằng cách kho mặn hơn để ăn dè, các con đều có phần. Hay khi chiên trứng, nhiều người thường cho nước cơm vào để trứng nở to hơn, mỗi người sẽ được một miếng. Những chi tiết nhỏ bé, nhiều khi gợi nhắc lại, kết nối vào trong một câu chuyện, sẽ tạo ra hiệu ứng tốt về tâm lý tiếp nhận thông tin.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến kể rằng, ông bắt đầu viết báo bắt đầu từ khi còn là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Bài báo đầu tiên ông viết về chân dung đạo diễn Xuân Huyền đăng trên báo Quân đội Nhân dân. Bài thứ hai đăng trên Hà Nội mới có tiêu đề “Nghệ thuật và quảng cáo xưa” do ông tự gửi đến tòa soạn. Bài thứ ba đăng trên Đại Đoàn Kết không phải là báo mà là truyện ngắn…

“Năm 1990, tôi vào TPHCM làm bài tốt nghiệp, để có tiền sống, tôi viết báo. Người giúp đỡ tôi rất nhiệt tình là nhà báo Phạm Thanh Vân, khi đó anh là phóng viên báo Tuổi Trẻ. Anh cho vé tôi đi xem phim, cải lương, kịch nói, hát bội. Rồi anh bảo tôi "cày bài" gửi cho anh và anh kiếm ảnh gửi cho các báo Long An cuối tuần, Khánh Hòa chủ nhật, Tây Ninh… nhờ đó tôi có tiền chi tiêu trong bốn tháng ở TPHCM để bảo vệ luận văn tốt nghiệp tháng 6/1990, hai tháng sau tôi về báo Hà Nội mới…”, Nguyễn Ngọc Tiến nhớ lại.

Thói quen khai thác, đào sâu các tư liệu trên báo chí đến với nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến khá sớm.

Vì đề tài luận văn là “Lịch sử Cải lương miền Nam trước giải phóng” nên Nguyễn Ngọc Tiến buộc phải tìm đến các báo xuất bản từ đầu thế kỷ 20 cho đến năm 1975. Ông đến thư viện Tổng hợp TPHCM đọc các báo. Nguyễn Ngọc Tiến còn nhớ, khi đó, cứ chép 1 trang tài liệu, thư viện bắt trả 2 kg gạo (quy ra tiền). Sau đó, để có có thể so sánh với cải lương miền Bắc, ông phải quay ra Hà Nội vào Thư viện Quốc gia đọc các báo xuất bản trước năm 1954 ở miền Bắc. “Với tôi, báo chí xưa là nguồn tư liệu quý giá không thua kém gì sách”, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến khẳng định.

Kể từ đó, trong suốt quá trình thực hành nghề báo, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến đã có ý thức tìm kiếm, xây dựng tư liệu báo chí cho riêng mình. Những bài báo, những mẩu tin trong báo chí đường thời mà ông cảm thấy có “giá trị”, đều được ông lưu giữ, để bất cứ lúc nào, thấy ở đâu đó, trong mênh mông sách báo xưa, có những tài liệu có thể liên kết, trả lời cho thấu đáo vấn đề, ông sẽ bổ sung. Đến khi cảm thấy các tư liệu đã vững, ông sẽ ngồi viết.

Về những tư liệu liên quan đến các đề tài Hà Nội trong báo chí thời xưa, theo nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, “hầu như báo nào cũng có bài viết, tư liệu về Thăng Long - Hà Nội”. Từ những tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên như Đông Dương tạp chí đến Phong Hóa, Thực Nghiệp, Hà Thành ngọ báo rồi trong thập niên 30 là các báo Phụ nữ Thời đàm, Ngày nay, Hà Nội báo, Hà Nội hàng ngày, Trung Bắc Tân Văn…

“Sở dĩ đề tài Hà Nội được khai thác vì nhiều tòa soạn các báo chủ yếu ở Hà Nội, mặt khác xưa các báo cũng ít người nên không thể thường xuyên cử phóng viên đi các tỉnh được, chỉ khi nào các tỉnh có chuyện thì chủ bút mới cử phóng viên đi. Xưa viết báo chủ yếu là các nhà văn nên họ đi từ nhà đến tòa soạn cũng có thể viết được một bài báo”, Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ. Song, theo ông, có một nguồn tư liệu về Hà Nội khác rất hữu ích đó là ở các báo của Pháp. Đôi khi các nhận định, đánh giá của họ theo góc nhìn của người phương Tây nên cũng khá thú vị. Bên cạnh đó, nhiều cuốn sách của người Pháp viết từ thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 20 về Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có những tư liệu quý không thể tìm thấy ở đâu.

Tiếp xúc với tác phẩm của những thế hệ nhà báo đi trước, Nguyễn Ngọc Tiến không chỉ tìm thấy những tư liệu quý. Ông còn học được cách viết có “hơi văn” của các bậc tiền bối. “Tôi vẫn áp dụng trong các bài viết là viết báo có hơi văn. Ngôn ngữ văn chương thường chứa đựng ngầm ý khiến người đọc phải suy nghĩ về nó do vậy mà bài báo có thể sống lâu hơn”, ông nói.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến sinh năm 1958, là tác giả của nhiều đầu sách về Hà Nội, bao gồm tản văn, khảo cứu, truyện dài. Ông từng được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái về Tình yêu Hà Nội năm 2012 và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội năm 2012. Ông là 1 trong 10 người được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú 2023.
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, Hà Nội là đề tài không mới nhưng được quan tâm, đặc biệt là độc giả lớn tuổi vì họ có thể hoài niệm quá khứ. Nơi đây có nhiều chuyện để nói, từ lịch sử, văn hóa đến thói quen, lối sống, ứng xử, thời trang, ẩm thực. “Tôi cũng như nhiều nhà văn khác không thể viết hết được, mỗi người chỉ làm một phần. Dù dày công tìm kiếm, tôi vẫn không thể biết hết Hà Nội. Tôi cũng không dám nhận những danh xưng như "Nhà Hà Nội học" hay "Bách khoa toàn thư về Hà Nội", chỉ thích cách gọi "Sử nhân Hà Nội" của nhà văn Trương Quý”, ông Tiến nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm báo xưa, kể chuyện cho hôm nay