Hoạt động dự báo thị trường lao động có vai trò rất lớn, song hiện dự báo cung - cầu lao động chủ yếu phục vụ cấp độ vĩ mô, chưa có ý nghĩa thực sự với người lao động, doanh nghiệp.
Thiếu sự thống nhất giữa các địa phương
Mặc dù thị trường lao động hiện nay cơ bản ổn định, song theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, một số ngành (may mặc, giày da, chế biến gỗ...) vẫn còn gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, nguồn cung nguyên vật liệu, các yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu nên phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động. Đáng chú ý tình trạng mất cân đối cung – cầu lao động vẫn xảy ra tại các địa phương.
Theo ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, hiện nay người lao động có khuynh hướng đến nơi có nhiều cơ hội việc làm để đảm bảo cuộc sống. Do vậy, dẫn đến những vấn đề như mất cân đối cục bộ giữa các địa phương, vùng miền. Lao động tập trung ở khu công nghiệp, khu chế xuất khiến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa bị thiếu nhân lực.
Bên cạnh đó tình trạng mất cân đối theo độ tuổi ngày càng gia tăng. Theo quy định, các doanh nghiệp (DN) khi tuyển dụng không được phép phân biệt về tuổi, nhưng DN lại ngầm hiểu họ sẽ tập trung vào nhóm lao động trẻ để đạt năng suất tốt nhất. Điều này dẫn tới việc nhóm lao động bước sang tuổi trung niên (từ 30 trở lên) có nguy cơ bị sa thải nhiều hơn. Những nhóm này trên 1 địa bàn nhất định sẽ dẫn đến tình trạng nguồn cung lao động thì đang thừa nhưng DN lại không tuyển dụng bởi họ cần nguồn lao động trẻ, dẫn tới tình trạng mất cân đối cung – cầu.
Cùng quan điểm, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cho biết, hiện nay chưa có khảo sát cụ thể để đánh giá thực trạng của việc mất cân đối cung – cầu lao động (trình độ, kỹ năng, ngành nghề…), nhưng trong giai đoạn vừa qua, nổi lên vấn đề ở khía cạnh năng suất, kỹ năng lao động. Khi trình độ, kỹ năng của một bộ phận người lao động bị hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của DN tuyển dụng, thì rõ ràng, hoạt động tuyển dụng, kinh doanh, khả năng cạnh tranh của DN cũng bị ảnh hưởng. Do đó, việc mất cân đối cung – cầu lao động hiện là vấn đề cấp bách cần giải quyết ngay.
Đẩy mạnh mô hình dự báo cung - cầu lao động
Giới chuyên gia nhận định, hiện cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa "hiện đại", chưa có đủ việc làm bền vững. Trong tổng số 51,1 triệu người lao động đang làm việc hiện nay, có 13,8 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, gần 33 triệu lao động có việc làm phi chính thức. Cùng với đó, chất lượng cung lao động chưa đáp ứng được cầu lao động của một thị trường lao động đang hội nhập, đòi hỏi tính linh hoạt, hiện đại.
Các chuyên gia cho rằng, mô hình phân tích và dự báo cung – cầu lao động được xem là một trong những giải pháp hiệu quả và cần thiết nhằm giải tỏa điểm nghẽn này. Thực tế hoạt động dự báo cung - cầu lao động đã có từ rất lâu. Trên cả nước đã hình thành các trung tâm dự báo về nhu cầu lao động, trung tâm phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực, trung tâm dự báo quốc gia, các viện nghiên cứu thuộc các bộ/ngành... Ngay cả các đơn vị tư nhân, cũng có nhiều DN tham gia vào quá trình khảo sát và dự báo cung - cầu lao động.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Toàn, hoạt động dự báo cung - cầu lao động chủ yếu phục vụ cấp độ vĩ mô, mang tính chiến lược, chưa có ý nghĩa thực sự với người lao động, DN. Các đơn vị đang thiếu sự thống nhất trong triển khai mô hình phân tích, dự báo. Mỗi nơi thực hiện theo phương thức khác nhau, dẫn tới kết quả khác nhau.
Đáng chú ý, theo ông Toàn, dù dữ liệu nhiều nhưng chưa được quy về một mối. DN, cơ quan thống kê, cơ quan quản lý nhà nước có sẵn sàng cung cấp cho nhau? Nếu không chia sẻ, tập hợp dữ liệu, mô hình dự báo khó thành công.
Có thể thấy, mô hình dự báo cung - cầu lao động đang bộc lộ những điểm yếu. Để khắc phục, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành song song phát triển mô hình dự báo với xây dựng cơ sở dữ liệu bảo đảm tính liên thông, liên kết các bộ. Đơn cử, liên kết với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để biết tình trạng lao động trong DN, liên kết bảo hiểm xã hội để xác định lao động có tham gia bảo hiểm, có biến động thế nào về mặt nhân sự…
Theo kế hoạch, cuối năm 2024, sẽ xây dựng xong mô hình, nền tảng cơ sở dữ liệu. Từ năm 2025 trở đi, sẽ có nguồn thông tin đầu vào cho cơ sở dữ liệu, ra mắt mô hình ban đầu, cung cấp thông tin chính thức. “Chúng tôi đang kỳ vọng về mô hình này. Bởi thực tế, các trung tâm dịch vụ việc làm cũng “loay hoay” trong việc áp dụng mô hình phân tích và dự báo cung - cầu lao động nào cho thật hiệu quả, chính xác” - ông Vũ Quang Thành cho biết.
34,5 tỷ đồng hỗ trợ lao động bị giảm việc làm tại Bình Dương
Ngày 25/5, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương cho biết, vừa ký quyết định phê duyệt cho 22.654 đoàn viên, người lao động của 97 doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ, với tổng số tiền 34,5 tỷ đồng.
Quyết định này được triển khai dựa theo chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ do Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành. Trong đó có 10.679 người lao động bị giảm giờ làm, ngừng việc được phê duyệt hỗ trợ 10,6 tỷ đồng và 11.971 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương được phê duyệt hỗ trợ 23,8 tỷ đồng. Ngoài ra có 4 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động được hỗ trợ 12 triệu đồng.Quốc Định