Tìm cách làm mới trợ giá xe buýt

Đoàn Xá 22/11/2019 08:00

Mỗi năm TP Hồ Chí Minh phải bỏ ra tới 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho hệ thống xe buýt nhằm thu hút người dân tham gia dịch vụ này. Nhưng nhiều năm trở lại đây, hoạt động vận tải xe buýt chưa hiệu quả như mong đợi, luôn suy giảm sau mỗi năm. Với mục đích để “cứu” hệ thống giao thông công cộng này và cũng là kéo người dân tham gia đi xe buýt, chính quyền TPHCM đang tìm cách thay đổi phương thức trợ giá.

Tìm cách làm mới trợ giá xe buýt

Nhiều tuyến xe buýt tại TPHCM có nguy cơ ngừng hoạt động vì vắng khách.

Tìm cách làm mới trợ giá xe buýt

Mỗi năm TP HCM phải bỏ ra tới 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho hệ thống xe buýt nhằm thu hút người dân tham gia dịch vụ này. Nhưng nhiều năm trở lại đây, hoạt động vận tải xe buýt chưa hiệu quả như mong đợi, luôn suy giảm sau mỗi năm. Với mục đích để “cứu” hệ thống giao thông công cộng này và cũng là kéo người dân tham gia đi xe buýt, chính quyền TP HCM đang tìm cách thay đổi phương thức trợ giá.

Thay vì trợ giá cho doanh nghiệp từ đầu vào, thành phố có thể trợ giá theo hình thức đầu ra, khoán sản phẩm. Số tiền trợ giá sẽ không kéo dài theo từng năm mà có thể là từng quý, hoặc thậm chí từng tháng. Nếu các doanh nghiệp nào hoạt động tốt, số tiền trợ giá nhận được sẽ nhiều và ngược lại, nếu không thu hút đủ lượng hành khách, số tiền trợ giá có thể sẽ giảm đi. Tuy nhiên, hình thức trợ giá này cũng có thể nảy sinh bất cập, các doanh nghiệp vận tải có thể bỏ chuyến, bỏ tuyến như đã xảy ra trong hai năm vừa qua.

Theo hình thức trợ giá hiện nay, các doanh nghiệp tham gia đầu tư xe buýt sẽ ký hợp đồng với Trung tâm quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở GTVT TP HCM), đơn vị thay mặt thành phố điều hành hoạt động hệ thống xe buýt. Các doanh nghiệp này sẽ nhận được các khoản tiền trợ giá để duy trì hoạt động tuyến của mình bất kể có hành khách sử dụng hay không. Việc trợ giá này có nhiều bất cập và thực tế là đã không đạt được yêu cầu thu hút người dân tham gia đi xe buýt (có giá vé bán ra thấp hơn giá vé vận tải thực tế).

Lâu nay, đối tượng tham gia đi xe buýt vẫn chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân, người nghèo. Thế nhưng vài năm gần đây, số lượng học sinh đi xe buýt ở TP HCM đã giảm rất nhiều, thậm chí nhiều trường ở các quận trung tâm đã bỏ hẳn hợp đồng xe đưa rước với Trung tâm quản lý giao thông công cộng. Các trường tư, bán công và một số trường công thường tự thuê hoặc ký hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải. Dù giá thành cao hơn nhưng chất lượng xe đưa rước tốt hơn hẳn so với xe buýt đưa rước vì các em được tùy chọn điểm lên/xuống hay chất lượng xe mới. Với hơn 1 triệu học sinh, tỷ lệ học sinh bỏ sử dụng xe buýt cũng ảnh hưởng rất đáng kể tới hoạt động chung. Tương tự là tầng lớp công nhân cũng gần như bỏ đi xe buýt vì các công ty, doanh nghiệp đã có xe đưa đón.

Hiện nay chỉ có sinh viên, người già, người nghèo là có tỷ lệ sử dụng xe buýt cao nhất ở TP HCM. Tuy nhiên, chỉ đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu di chuyển của họ chỉ ở các khung giờ nhất định. Cách đây chừng 2-3 năm, nhiều doanh nghiệp xe buýt được khuyến khích đầu tư xe mới chất lượng cao nhằm thu hút tầng lớp khách nhân viên văn phòng, công chức nhà nước khi mở thêm các tuyến có lộ trình đi qua khu vực chung cư. Nhưng vì nhiều lý do, tầng lớp này cũng không sử dụng xe buýt nhiều dù luôn được tuyên truyền, khuyến khích.

Thực tế hoạt động xe buýt giảm hành khách không chỉ tốn tiền ngân sách mà ngay cả các doanh nghiệp tham gia cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tiền trợ giá đến chậm, tiền lãi ngân hàng, tiền nhân viên, xăng xe... tăng cao khiến doanh nghiệp từng nhiều lần làm đơn kiến nghị cũng như xin bỏ chuyến, bỏ tuyến hàng loạt.

Việc bỏ ra số tiền ngân sách rất lớn hàng năm nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong đợi buộc TP HCM phải tìm cách thay đổi trợ giá cũng như phương thức hoạt động của hệ thống xe buýt. Trong khi đó, đến nay cách thức tốt nhất để cải thiện tình hình vẫn chưa được đưa ra mà năm 2020 đã cận kề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm cách làm mới trợ giá xe buýt