Để đạt mục tiêu phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) phù hợp với điều kiện hiện tại, theo các chuyên gia, Việt Nam gặp thách thức không hề nhỏ nhưng cũng có cơ hội lớn để phát triển.
Nhân lực còn yếu và thiếu
Cuộc đua AI và AI tạo sinh (GenAI) đang diễn ra giữa các tập đoàn công nghệ và các quốc gia trên thế giới. Không nằm ngoài xu hướng của thế giới, tại Việt Nam, ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127 về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, với mục tiêu đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của đất nước. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN; phát triển và ứng dụng AI lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chiến lược này kết hợp cùng Luật Công nghệ cao 2008 đã trở thành khung pháp lý giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng của trí tuệ nhân tạo thì chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là vấn đề nguồn nhân lực và việc phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm.
Theo GS.TS Vũ Hà Văn - Giám đốc Khoa học VinBigdata, việc phát triển và ứng dụng GenAI tại Việt Nam hiện đang gặp phải một số trở ngại. Đó là việc tạo ra một số nội dung có độ thuyết phục cao, nhưng lại thiếu khách quan, hoặc sai lệch với thực tế. Hay biểu hiện của tính ảo giác, tính thiên kiến và tính kiểm soát của GenAI. Bên cạnh đó là nguy cơ bảo mật, chi phí triển khai lớn, phải đầu tư hạ tầng công nghệ, đòi hỏi nhân lực có trình độ cao…
Về nhân lực, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục, trường đại học đã có những bước đi tiên phong nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong tương lai cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài - Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo còn rất thiếu. Mỗi năm chỉ có khoảng 30% trong số sinh viên công nghệ thông tin ra trường có thể làm được việc ngay, số làm được việc liên quan tới trí tuệ nhân tạo lại càng ít hơn.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức khác như thiếu cơ hội tiếp cận với các chuyên gia và cố vấn hàng đầu về trí tuệ nhân tạo để đánh giá và thẩm định sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường; thiếu cơ hội tiếp cận các cơ sở hạ tầng, nền tảng và công cụ sẵn sàng cho doanh nghiệp.
Tạo công nghệ riêng cho người Việt
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài cho biết, để đạt mục tiêu phát triển AI, cần chú trọng 3 yếu tố là nhân lực, dữ liệu và hạ tầng. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý phải đảm bảo.
Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp AI. Lần đầu tiên ở Việt Nam có hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống AI có trách nhiệm, nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển và sử dụng các hệ thống/ứng dụng AI một cách an toàn, đồng thời hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực cho con người và cộng đồng. Tại hội thảo khoa học quốc tế chủ đề “Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm: Lý luận và thực tiễn”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, đạo đức và trách nhiệm trong AI nằm ở tất cả các khâu, từ xây dựng thuật toán, thu thập dữ liệu, đến công cụ huấn luyện và ứng dụng. Vì vậy, vấn đề này phải được quan tâm ngay từ khâu xây dựng hệ thống, liên quan đến nhiều bộ, ngành. Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành quyết định hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống AI có trách nhiệm. Quyết định được ban hành bao gồm 9 nguyên tắc: Tinh thần hợp tác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tính minh bạch; khả năng kiểm soát; an toàn; bảo mật; quyền riêng tư; tôn trọng quyền và phẩm giá con người; hỗ trợ người dùng; trách nhiệm giải trình.
Để có hướng đi khác biệt cho trí tuệ nhân tạo Việt Nam, ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc quốc gia Việt Nam khối Kinh doanh, marketing và truyền thông (Tập đoàn Intel) cho rằng, Việt Nam cần một phương pháp tiếp cận AI linh hoạt dựa trên các nguyên tắc đạo đức cơ bản như minh bạch, có trách nhiệm và công bằng. Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài về AI… tăng lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua. Bên cạnh đó, cần nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về AI; đảm bảo AI được triển khai an toàn, hiệu quả, các quy định và chính sách phải rõ ràng, đồng thời xây dựng hạ tầng công nghệ mở và đa dạng. Điều này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội bắt kịp trí tuệ nhân tạo toàn cầu và tạo ra nền công nghiệp AI mới.
Còn theo GS.TS Vũ Hà Văn, để phát triển AI và GenAI, Việt Nam cần phát triển GenAI phù hợp với thị trường và phải có bài toán cụ thể của từng doanh nghiệp. Trong đó, cần khuyến khích, đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển; khai thác và xây dựng nguồn cơ sở dữ liệu, chủ động kiểm soát nội dung, đảm bảo an toàn dữ liệu quốc gia. Cần xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, làm tiền đề phát triển các giải pháp tích hợp GenAI dựa trên dữ liệu của người Việt, do người Việt làm chủ.
“Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá về công nghệ, chúng ta tự tạo công nghệ cho chúng ta, công nghệ Việt cho người Việt” - GS.TS Vũ Hà Văn nói.
Theo Quyền Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hồ Đức Thắng, để phát triển AI ở Việt Nam, cần chú ý đến vấn đề dữ liệu, bởi không có dữ liệu thì không thể làm được AI. Chúng ta hiện chưa có thể chế rõ ràng để quản lý rủi ro cũng như cơ chế định giá các sản phẩm, dự án về AI và đang thiếu nguồn nhân lực dành cho AI từ cả 2 phía người sử dụng và chủ đầu tư. Do đó cần đào tạo nhân lực, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về AI đến doanh nghiệp và người sử dụng. Cần có cơ chế thí điểm an toàn dành cho AI, thí điểm thành công nhân rộng; đặc biệt, người Việt cần tham gia làm AI ứng dụng và phát triển AI diện hẹp phục vụ cho mục đích cá nhân và tổ chức với nguồn lực đầu tư không quá lớn.