Lứa tuổi học sinh, nhất là những em mới vào lớp 1 bắt đầu với một môi trường mới quy củ hơn, việc học trở nên quan trọng hơn. Tuy nhiên không phải trẻ nào cũng chăm học ngay từ đầu nhiều trẻ thiếu hợp tác khiến cha mẹ lúng túng, không biết cách giải quyết như thế nào cho hợp lý.
Lo con không bằng bạn
Nhiều phụ huynh chia sẻ, họ cảm thấy bất lực mỗi khi kèm con học. Sau một ngày làm việc căng thẳng, họ thấy mệt mỏi khi phải tiếp tục cùng con "chiến đấu" với bài tập về nhà. Đặc biệt, đối với trẻ bậc tiểu học, nỗi lo của phụ huynh như nhân lên bội phần. Họ lo con viết xấu, con đọc chưa thạo, chưa biết đặt phép tính như các bạn. Nhiều cha mẹ thiếu kiên nhẫn, không kiểm soát tốt cảm xúc dẫn đến dễ dàng nổi nóng với con. Điều này khiến đứa trẻ sợ hãi, thậm chí là bật khóc, còn phụ huynh cảm thấy bức xúc.
Chị Dương Tuyết Trà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) dường như bất lực trước việc dạy con học. Con chị năm nay vào lớp 1 nên việc rèn cho cháu thói quen ngồi vào bàn học sau giờ cơm tối là một điều khá khó khăn. Sau 8 tiếng đi làm, về nhà phải lo cơm nước khiến chị mất kiên nhẫn khi dạy con học. “Từ một môi trường mầm non đang được tự do chơi đùa nay vào lớp 1 con phải tập đọc, tập viết, tập làm phép tính. Dẫu biết là cần một quá trình nhưng nhiều lúc con không tập trung, không hiểu bài, và sợ con không theo kịp các bạn trên lớp khiến tôi không kiểm soát được cảm xúc mà mắng con. Thấy con khóc mà bản thân cũng cảm thấy bế tắc”, chị Trà chia sẻ.
Câu chuyện của gia đình chị Trà cũng là một “mẫu chung” của nhiều gia đình khác có con học lớp 1. Với tâm lý của bố mẹ muốn con phải học giỏi nên họ kèm con học quá mức. Lúc này, phụ huynh giống như một giám sát viên bất đắc dĩ. Họ lên kế hoạch học tập, yêu cầu con thực hiện mà không cho con sự lựa chọn. Họ lập tức chỉ ra hàng loạt lỗi con mắc phải bằng thái độ bực bội. Phương pháp này chỉ khiến cha mẹ mệt mỏi, trẻ càng trở nên lười biếng.
Trong khi đó, với độ tuổi còn nhỏ và vừa chịu áp lực chuyển từ môi trường mầm non lên tiểu học, trẻ cần thời gian để làm quen với thời gian biểu mới. Việc học bài mỗi ngày có thể sẽ khiến nhiều trẻ không thích bởi bị gò bó trong mấy tiếng đồng hồ để làm bài tập, tập đọc, tập viết, vì thế hiện tượng lười học, ham chơi là điều dễ hiểu. Tuy nhiên việc không thích học còn có thể xuất phát từ việc trẻ chưa nhận thức được tại sao mình phải học, không tìm được niềm vui khi học tập. Do đó, giúp trẻ tìm được hứng thú khi học là một vấn đề quan trọng mà nhiều cha mẹ đang đối diện.
Đừng can thiệp quá mức
Các bậc phụ huynh cần hiểu rõ rằng trẻ mới là người chịu trách nhiệm cho việc hoàn thành bài tập. Cha mẹ chỉ là người hỗ trợ, chứ không nên can thiệp quá mức. Việc nhìn chằm chằm mỗi khi con học, ngắt lời khi con trả lời sai chẳng những không giúp trẻ cải thiện điểm số mà còn làm giảm khả năng tập trung, đồng thời gây áp lực lớn cho trẻ. Bên cạnh đó, việc phụ huynh thường so sánh con với các bạn khác và lấy đó làm cớ phê bình, chỉ trích con. Điều đó vừa làm cho con chán nản vì thua kém bạn bè vừa lo lắng mình không thể bằng các bạn.
Đối với hầu hết những học sinh lười học, nguyên nhân chính thường là do thiếu thích thú trong quá trình học. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ nên tìm ra những cách để khơi dậy niềm đam mê và hứng thú của trẻ đối với môn học. Có thể tạo ra những bài học thú vị, sử dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo hoặc kết hợp với các hoạt động ngoại khóa liên quan. Bằng cách này, trẻ sẽ tập trung và hứng thú hơn trong quá trình học tập.
Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh gợi mở, điều cha mẹ cần làm không phải là giám sát con từng buổi học hay sử dụng các biện pháp trừng phạt mà là cần khơi gợi cho con động lực, cảm hứng học tập để con tự giác hình thành thói quen học tập tốt. Cha mẹ nên giúp con tìm ra những hình mẫu thành công trong cuộc sống, khiến con ước mơ rằng mai sau mình sẽ trở thành người như thế. Sau đó, phân tích để con hiểu học tập chính là để trang bị kiến thức, giúp con hiện thực hóa ước mơ, lớn lên trở thành người thành công và sống có giá trị. Khi có mục tiêu, ước mơ, con sẽ có động lực để học tập một cách chăm chỉ, hiệu quả nhất. “Lười học, không có động lực học là do nhiều trẻ em bây giờ sống trong điều kiện đủ đầy, không phải chịu đựng những vất vả, thiếu thốn nên không biết học để làm gì, không có lý do đủ lớn để nỗ lực. Nếu cha mẹ khơi gợi được khát khao, ước mơ cho con thì sẽ kích hoạt được tinh thần chủ động, tự giác học tập của con”, bà Lanh nói.
Thật vậy, việc rèn luyện ý thức chủ động trong việc học tập là một yếu tố quan trọng để trẻ phát triển và đạt thành công trong việc học lẫn trong cuộc sống. Cha mẹ cần hướng dẫn và khuyến khích con trở thành những học sinh có tính tự giác, tinh thần chủ động cao. Trẻ cần hiểu rằng học là trách nhiệm của bản thân, và phải tự lo cho bản thân mình. Nếu cha mẹ luôn nhắc nhở, con sẽ có xu hướng phụ thuộc và chỉ học khi được cha mẹ nhắc nhở. Điều này có thể dẫn đến tư tưởng rằng "việc học là để làm hài lòng bố mẹ" hoặc "học khi bố mẹ nhắc, còn không thì thôi", dẫn đến việc học tập qua loa, không thật sự chú tâm, đầu tư thời gian, công sức, nỗ lực của bản thân vào việc học.
Không cần áp dụng phương pháp "thương cho roi cho vọt", thay vào đó hãy sử dụng cách tiếp cận khác, thông qua những lời khuyên nhẹ nhàng và khéo léo để truyền đạt thông điệp cho con. Đây là phương pháp tiếp cận phù hợp với tâm lý trẻ nhỏ, giúp giải quyết vấn đề liên quan đến việc cha mẹ phải làm gì khi con không thích học một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, thay vì tập trung vào những điểm yếu hay chỉ số điểm, cha mẹ hãy khen ngợi những nỗ lực và quá trình phấn đấu, tiến bộ của con. Khi con cố gắng hết sức và đạt được mục tiêu, hãy tán dương sự cố gắng của con và cho con biết rằng thành công không chỉ dựa trên điểm số mà còn trên sự cố gắng và phát triển cá nhân.
Cha mẹ cần tạo ra một môi trường ủng hộ và khuyến khích sự cố gắng của con. Hãy tôn trọng quá trình học tập của con và tập trung vào việc giúp con phát triển các kỹ năng quan trọng như sự sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và kỹ năng xã hội. Ngoài ra, cha mẹ cần nhớ rằng mỗi đứa trẻ có tiềm năng riêng và thời gian phát triển khác nhau. Không nên áp đặt những kỳ vọng không thực tế và thiếu công bằng lên con em mình.