Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho thấy, xuất khẩu cá tra trong năm 2019 ước đạt gần 2 tỷ USD, giảm 11,7% so với năm 2018.
Thu hoạch cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể với thị trường Mỹ, xuất khẩu cá tra trong năm 2019 sụt giảm mạnh 49% còn 282 triệu USD, nguyên nhân được xác định do lượng tồn kho tại thị trường cao, nhu cầu nhập khẩu giảm, giá xuất khẩu trung bình bị ép xuống mức thấp hơn 30 - 35% so với năm 2018. Năm 2019, thị trường Mỹ chỉ còn khoảng 14% giá trị cá tra xuất khẩu của Việt Nam, tụt xa so với vị thế số 1 của Trung Quốc với trên 32%.
Thực tế xuất khẩu ngành cá tra đang phải đối mặt với nhiều rào cản của thị trường nước ngoài và sự cạnh tranh khốc liệt của các nước. Các DN trong nước cho rằng cần đẩy mạnh phát triển thị trường quốc nội và trên thực tế thời gian qua thị trường này đang còn bỏ ngỏ, thậm chí là xem nhẹ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, xuất khẩu cá tra sẽ cho lợi nhuận cao hơn do phát triển thị trường nội địa. Nói về vấn đề này, ông Phạm Minh Thiện - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) cho rằng, việc đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa cho cá tra vừa là cơ hội nhưng cũng là trách nhiệm của DN Việt. Theo ông Thiện, con cá của mình làm ra mà người dân chưa thiết tha sử dụng hay còn e dè thì làm sao đòi hỏi nước ngoài tiếp cận một cách thoải mái được. “Chúng tôi muốn mang cá tra đến đông đảo người tiêu dùng trong nước. Như vậy mới nói đến chuyện xuất khẩu tốt”- ông Thiện chia sẻ.
Cũng theo ông Thiện, hiện các DN chỉ chăm chăm hướng đến thị trường nước ngoài trong khi quá trình xuất khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, hay tình trạng dội chợ vì thừa sản lượng, chứng tỏ việc xuất khẩu cá tra vẫn bấp bênh. Do đó, các DN cần xem thị trường nội địa là điểm tập trung mạnh trong thời gian tới.
Một số ý kiến cho rằng, ngành cá tra thời gian qua bấp bênh là do chúng ta kiểm soát không tốt từ khâu sản xuất đến khâu xuất khẩu. Ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng bức tranh xuất khẩu cá tra năm 2020 phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc và sự phục hồi của thị trường Mỹ. Với thị phần trên 30% của Trung Quốc, có thể nói độ rủi ro là cực kỳ cao, các nhà sản xuất nên thận trọng. Nguồn cung cần được kiểm soát tốt hơn cho đến khi các thông tin rõ ràng hơn từ thuế chống bán phá giá của Mỹ cũng như thông tin từ thị trường Trung Quốc. Vẫn theo ông Dũng, không làm chủ được thị trường thì phải kiểm soát trở lại chính mình, tiếc là không có số liệu đáng tin về nguồn cung, ai cũng kêu gọi giảm sản lượng, tăng tính minh bạch thông tin, nhưng không ai chịu là người đi đầu để làm việc này.
Vì thế, “đường bơi” của con cá tra vẫn chưa thông thoáng.