Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), tình hình xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU vẫn khó khăn. Tính đến nửa đầu tháng 5/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU chỉ đạt 39,4 triệu USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Hà Lan giảm 21,7%; Tây Ban Nha giảm 33%; Đức giảm 50,8% và Bỉ giảm 38,2%.
Việc sụt giảm ở thị trường EU chỉ rõ yếu tố khách quan khi các nhà nhập khẩu theo phương thức FOB (giao lên tàu) gặp khó khăn do chi phí vận chuyển đường biển cao, giá bán cá tra ở EU vẫn ổn định, tuy nhiên nhiều nhà nhập khẩu còn dè dặt mua hàng.
Hiện nay ngành dịch vụ thực phẩm (nhà hàng, khách sạn...) ở châu Âu vẫn rất chậm đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ cá tra Việt Nam. Thị trường tiêu thụ cá tra tại EU bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi dịch Covid-19, các biện pháp giãn cách ở Ý, Pháp, Đức… đã tác động không nhỏ tới lưu thông vận chuyển hàng hóa nội khối và ngoại khối.
Để có thể thoát khỏi mức tăng trưởng âm ở thị trường EU, giới chuyên gia cho rằng các DN trong ngành hàng cá tra cần nỗ lực vượt qua các rào cản, thách thức nhằm giữ vững thị trường trong dài hạn. Điều đó buộc các DN xuất khẩu phải đầu tư mạnh hơn vào khâu sản xuất, chế biến, bảo quản và vận chuyển.
Tuy nhiên, ngoài thị trường EU, có thể ghi nhận đà phục hồi khá tốt, trở lại “đường băng” tăng trưởng của cá tra Việt Nam ở những thị trường lớn khác. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 5/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt hơn 600 triệu USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, các thị trường nhập khẩu mạnh cá tra Việt Nam tăng nhanh trong những tháng gần đây là Mỹ, Trung Quốc, Brazil và Thái Lan. Riêng với thị trường Mỹ, giá trị xuất khẩu cá tra Việt trong 5 tháng qua tăng trưởng dần đều và có nhiều dấu hiệu hồi sinh tích cực.
Riêng số liệu tính tới nửa đầu tháng 5/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 113,5 triệu USD, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả rất đáng khích lệ so với hồi năm 2020, khi thị trường Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, các DN nhập khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn vì gián đoạn, lượng tồn kho nhiều. Mọi chuyện chỉ dần thay đổi từ cuối tháng 2/2021 khi lượng tồn kho cá tra của Mỹ đã hết.
Ở thị trường Trung Quốc, việc xuất khẩu cá tra có xu hướng cải thiện hơn từ giữa tháng 3/2021 cho đến nay, trước đó thị trường này siết chặt kiểm tra, kiểm soát Covid-19 đối với hàng thủy sản nhập khẩu đã khiến cho xuất khẩu cá tra gặp khó khăn.
Xuất khẩu cá tra được dự báo sẽ hồi phục mạnh hơn nếu giải quyết được tình trạng tắc nghẽn giao thương tại các cảng biển và nới lỏng các thủ tục kiểm soát Covid-19 đối với thủy sản nhập khẩu, nhất là thủy sản đông lạnh.