Ngày 26/10, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VHTT&DL) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan - thực trạng và giải pháp”.
Quang cảnh hội thảo. (Nguồn: VOV).
Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) nhận định: “Chính sách bản quyền tác giả nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung đã được Nhà nước khẳng định từ 20 năm trước. Nhưng đến nay do chưa đủ quyết tâm và giải pháp để thực thi và bảo hộ chặt chẽ những quy định của luật pháp về quyền tác giả.
Điều này khiến các tổ chức quản lý tập thể gặp phải những khó khăn lớn trong các hoạt động triển khai. Nhiều trường hợp đấu tranh với các tổ chức xã hội trong lĩnh vực bản quyền tác giả rất khó khăn bởi sự hướng dẫn sai lệch của các cơ quan quản lý. Tình trạng này kéo dài khiến hoạt động bảo vệ quyền tác giả, thực thi luật pháp trở nên vô cùng mệt mỏi, thậm chí gây nên những chán nản, công việc bế tắc một cách vô lý”. Cũng theo ông Phương, những khó khăn ở đây tồn tại ở nhiều phương diện. Đơn cử, trong đó với công nghệ truyền hình do không được thỏa thuận trước về danh mục tác phẩm nên đang rất khó khăn trong việc theo dõi và kiểm soát. Ngoài ra, do không có phần mềm chuyên dụng để ghi lại các chương trình phát sóng, VCPMC đang gặp rất nhiều trở ngại trong việc đàn phán và xác định giá trị bản quyền thu phí cho các đài phát thanh, truyền hình. Bên cạnh đó, các đơn vị truyền hình cũng không đưa ra các căn cứ xác đáng, khách quan về số lượng và tần suất phát sóng các tác phẩm mà VCPMC yêu cầu.
Tuy nhiên, câu chuyện của nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng chỉ là một phần trong vô vàn những bất cập về bản quyền tác giả. Bởi, chính các Đài truyền hình cũng đang phải “gồng mình” chiến đấu với vấn nạn xâm phạm bản quyền. Theo bà Vũ Thị Thanh Tâm- Trưởng Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình VN (VTV) cho biết: “Vấn đề sở hữu trí tuệ của Đài Truyền hình VN đang bị xâm phạm nặng nề, đặc biệt là từ internet. Trong nhiều năm qua, qua theo dõi, đấu tranh với tình trạng vi phạm bản quyền, chúng tôi ngày càng nhận ra nguồn tài nguyên lớn lao của VTV đang bị xâm phạm và lợi dụng trên mọi phương diện”.
Ông Lê Doãn Hợp- Chủ tịch Hội Truyền thông số VN góp ý: Trước mắt những việc cần làm việc dễ làm trước, khó làm sau, không nên lao vào những việc khó. Ví dụ như âm nhạc, sao chép làm trước, từ đó có kinh nghiệm để làm những cái khó sau. Nếu nhảy vào làm việc cái khó, chúng ta sẽ dễ mất tự tin.
NSND Đặng Xuân Hải- Chủ tịch Hội Điện ảnh VN đề xuất: Trước những bức xúc của nghệ sĩ, người làm phim là hội viên Hội Điện ảnh chịu hậu quả nghiêm trọng do vấn nạn xâm hại bản quyền tác phẩm điện ảnh và truyền hình gây ra hiện nay. Hội viên của hội đang triển khai vận động hình thành một tổ chức quản lý tập thể bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình với tên gọi là Hiệp hội bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình; phạm vi hoạt động trên cả nước, đặt nhiệm vụ gắn kết những người làm nghề cùng chung sức thực hiện quản lý quyền tác giả trọng mọi vấn đề liên quan đến bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình theo quy định của pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.