Thời gian gần đây ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn biến khá phức tạp. Chỉ vì thiếu hiểu biết, mà các cô bé, cậu bé người Ca Dong, Cơ Tu, Ve, Tà Riềng,… đã trở thành những ông bố, bà mẹ trẻ.
Hậu quả của những cuộc hôn nhân không được pháp luật thừa nhận này là cuộc sống khó khăn, gia đình không hạnh phúc, con cái sinh ra suy dinh dưỡng, thậm chí bị dị tật...
Tảo hôn là hệ lụy của đói nghèo.
Qua tìm hiểu được biết nhiều trường hợp xót xa. Như trường hợp cô bé A Rất Thị Hồng Nh. ở thôn Mực, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, khi mới học đến lớp 9 vì yêu một bạn cùng trường, rồi có thai, em đã phải bỏ ngang chuyện học để làm vợ, làm mẹ.
Do chưa đủ lớn, không có kinh nghiệm làm vợ, làm mẹ, nên đứa con đầu lòng luôn đau ốm, bệnh tật, hai vợ chồng lại không có việc làm ổn định, cuộc sống vốn khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn. Em A Rất Thị Hồng Nh. nói: “Chừ em thấm thía cảnh làm mẹ trẻ lắm rồi. Em khuyên các bạn đừng lấy chồng sớm như mình”.
Ngay tại thị trấn Thành Mỹ, riêng năm 2016 và đến tháng 8 năm nay, đã có 6 trường hợp tảo hôn xảy ra. Chị Bhnước Thị Phun, cán bộ chuyên trách dân số thị trấn Thạnh Mỹ chia sẻ: “Cách tuyên truyền mình vẫn có, nhưng do trẻ em ngày nay tiếp xúc nhiều với phim ảnh, intenet nên phát triển tâm lý sớm hơn vì thế nhiều cái mình tuyên truyền chưa đạt hiệu quả cao”.
Ông Trần Tấn Tài, giám đốc Trung tâm Dân số KHHGD huyện Nam Giang cho hay: “Hầu hết các em đều sử dụng điện thoại di động, xem phim và có quan niệm học theo phim rồi đi sống thử, quan hệ tình dục không có kiến thức dẫn đến có thai ngoài ý muốn, dẫn đến tảo hôn”.
Theo thống kê chưa đầy đủ của huyện Nam Giang, đến thời điểm hiện nay, toàn huyện có 273 trường hợp tảo hôn và 5 trường hợp hôn nhân cận huyết thống đều rơi vào các thanh niên nam nữ người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng.
Còn tại huyện miền núi Nam Trà My, không khó bắt gặp những “bà mẹ nhí” thay vì đến trường thì ở nhà ê a ru con. Chính một phần do thực trạng này mà tình trạng đói nghèo, thất học, bệnh tật bám riết lấy những người dân nơi đây.
Khi được hỏi, hầu hết các em chẳng hiểu gì về chuyện vợ chồng, cứ thương nhau rồi đến với nhau, gia đình hai bên cũng chẳng phản đối. Em Hồ Thị Đ. thôn 2 xã Trà Vinh tâm sự: “Khi 15 tuổi em nghỉ học sớm, chồng của em là người trong họ. Cuộc sống cũng khổ lắm. Em mong rằng các bạn đừng nghỉ học sớm để đi lấy chồng như em. Nhà chồng cũng không có của cải chi, em phụ làm nương làm rẫy và chỉ ăn bắp, ăn sắn miết thôi”.
Để hạn chế và giảm thiểu thực trạng này, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực đến từng thôn, bản vùng sâu, vùng xa tuyên truyền bằng nhiều hình thức cụ thể.
Ban Dân tộc tỉnh cũng tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình tại các điểm thôn, xã.
Qua công tác tuyên truyền như trên sẽ giúp người dân, nhất là các bậc cha mẹ được cung cấp đầy đủ thông tin về tác hại của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Từ đó góp phần ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một cán bộ Ban Dân tộc tỉnh khẳng định: Cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội và hệ thống chính trị từ trên đến cơ sở.
Có như vậy mới hạn chế và tiến đến loại bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ra khỏi vùng đồng bào dân tộc thiểu số.