Tìm gương trong soi bóng dáng kinh thành

TRANG THANH 18/10/2022 09:18

Nếu một Tô Lịch như dải gương trong soi bóng dáng kinh thành xưa kia đã mất đi là một sự thật xa xót, thì Tô Lịch hôm nay có vẻ đang đầy hồi hộp trong mọi nỗ lực hồi sinh một dòng sông chết cũng là thực tế lạc quan. Và người Hà Nội lại có quyền khấp khởi…

Phối cảnh khu vực đầu nguồn của dòng sông Tô Lịch trong Đề án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh.

Sử sách ghi tên sông Tô Lịch còn gọi là Nghịch Thủy cách thời chúng ta đang sống dễ chừng đã gần hai nghìn năm. Còn dòng Tô Lịch thực sự được khai sinh từ bao giờ, thì có lẽ không ai biết. Nhân vừa có một hội thảo tầm cỡ quốc gia về việc cải tạo con sông nổi danh này thành không gian lịch sử - văn hóa - tâm linh, cứ mông lung chẳng biết điều ấy chỉ mãi là giấc mơ hay rồi đây sẽ trở thành hiện thực?

Dòng Tô Lịch xa xưa vốn được ví như cái sợi dây rốn chở thức ăn của sông Mẹ - sông Cái (sông Hồng) chảy về nuôi nấng vùng đất Thăng Long bám dọc thời gian mà hoài thai trong lòng châu thổ. Qua nhiều mùa đắp đổi, cứ bồi rồi lắng, phù sa từ sông Cái qua cuống rốn Tô Lịch ào ạt chảy về, chăm ẵm bồi đắp nên những cánh đồng Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Dịch Vọng, Thanh Trì... xưa kia ăm ắp nhựa nguồn sự sống.

Trải dài mấy nghìn năm, giờ đây, trên dòng sông ấy, đâu còn bóng dáng tao nhân mặc khách buông thuyền đêm trăng mà luận bàn thế sự. Dòng sông đã hoàn toàn mất đi cái vai trò lịch sử, cùng vẻ thơ mộng, tươi trong và huyền ảo. Cũng chẳng còn nghe đâu róc rách tiếng chèo khua trong chập chờn câu dân ca ngày nào ai đó hát:

“Sông Tô nước chảy quanh co

Cầu Đông sương sớm, quán Gò trăng khuya…”

Với vai trò to lớn từng không thể thiếu trong sự tồn vong của mảnh đất kinh thành, thì hẳn rằng, ở hai phía của một dòng sông, dữ dội và êm đềm xưa kia hẳn là cảnh giới đều đã trải. Bây giờ chỉ còn nhỏ bé như một dòng mương, nước xanh rêu đục, Tô Lịch lắm lúc khiến ta chợt xót xa. “Thế gian biến cải vũng nên đồi", thật đúng để mà không khỏi giật mình.

Đành rằng “thương hải tang điền”, thế gian nay bãi bể mai nương dâu, vật đổi sao dời, quy luật muôn đời thì vẫn thế. Giờ nếu đem cảnh xưa ghép với con người của hôm nay hay ngược lại, e rằng chẳng tránh khỏi sự vênh vao. Ấy thế nhưng, nhiều lúc, nhìn những gì đang diễn ra trước mắt cuộc sống, chẳng ít người tán thán nhắc chuyện xưa để mà buông theo những tiếng thở dài…

Trên hai phía của dòng sông, xưa dân ta cuốc đất trồng rau, và dòng sông mặc nhiên chức phận giúp dân lo toan gánh vác một phần cuộc sống của họ. Một dòng sông êm đềm thao thiết cùng Thăng Long kinh thành trải biết mấy cuộc binh đao, hết đánh Nguyên, đuổi Minh, đại phá quân Thanh lại tử chiến với Phú-lang-sa (cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp), vẫn lặng lẽ, nhẫn nại, vừa đắp bồi vừa nhận về tất thảy những gì mà nhân gian vừa gửi gắm vừa thụ hưởng.

Lúc thanh bình, người nông dân cuốc đất, trồng tỉa, lo mùa màng tươi tốt dọc đôi bờ; thương nhân Kẻ Chợ ngược xuôi thuyền bè buôn bán. Các phường nghề xeo giấy nhộn nhịp suốt một mạn từ làng Cót qua Cầu Giấy đến Kẻ Bưởi. Tô Lịch vừa có vai trò tưới tiêu tự nhiên, điều hòa không khí, lại là sân khấu hội hè, thỏa mãn niềm vui tiêu dao thưởng ngoạn.

Lúc binh lửa, hẳn dòng sông cũng âm thầm lặng lẽ mà gánh chở nỗi đau loạn lạc cùng lao dân. Nói cho đến cùng, ở nơi dòng sông ấy, là cuộc sống, là những biến thiên, là bóng dáng, hồn cốt của một kinh thành. Tô Lịch tựa dải lụa mềm để kinh thành tựa đầu ôm ấp, lại cũng tựa gương trong, để kinh thành ngàn năm soi bóng.

Giờ thì trên hai vai Tô Lịch đã không còn những bờ rộng vườn cao, cũng tuyệt mù chẳng thấy bóng dáng tao nhân mặc khách hay hội hè thưởng thú.

Thay vào đó là nhà cao, đường rộng, cây xanh từng hàng thẳng tắp, được trồng theo quy hoạch chi tiết đến cả loại cây và màu hoa, cho ra dáng phong cách quy hoạch kiến trúc của một đô thị hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Đến cả thảm cỏ trên đôi bờ kè cũng được đầu tư chăm chút kỹ lưỡng, tiêu tốn không ít tiền ngân sách mỗi năm. Dòng sông tuy có bị thu hẹp cũng đã được xây kè vững chãi, gọn gàng, chỉ tiếc rằng, chưa có gì để đảm bảo xử lý được cái dòng nước vẫn cứ ô nhiễm.

Dẫu có lúc, dòng nước đỏ nặng phù sa của sông Mẹ đã được mở lối cho mạnh mẽ ào ạt chảy về, với ý tưởng hòa chung nước sạch của sông Hồng vào nước tù đọng của dòng Tô, nhằm giảm bớt phần nào độ ô nhiễm. Rồi công nghệ lọc nước của người Nhật đã được đưa vào thử nghiệm, đầy tính toán, tranh cãi và hy vọng. Nhưng sau đó thì Tô Lịch vẫn cứ khiến không ít người tâm huyết vẫn phải nghĩ cách loay hoay.

Đi dọc Tô Lịch bây giờ, đường sá đôi bên bờ sông còn rộng hơn cả lòng sông, đủ cho mấy làn bon bon ngược xuôi xe chạy. Lại nhớ, con sông nổi tiếng này, có lẽ ít ai còn biết đến một biệt danh của nó nữa là Nghịch Thuỷ. Bởi xưa kia, lúc bình thường dòng sông khá hiền lành, nhưng đến mùa lũ, bao nhiêu nước đồng dồn hết cả xuống Tô Lịch, thế nước sông chênh hơn mực nước sông Cái, đâm ra nước lại chảy ngược từ Nhuệ Giang ra Nhị Hà (tên cũ, gọi đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội). Vì thế, người ta mới gọi Tô Lịch bằng cái tên nghe khá ngỗ ngược, Nghịch Thủy - con sông chảy ngược!

Không còn là Nghịch Thủy, nhịp sống hối hả của một đô thị hiện đại như bây giờ cần đôi bờ Tô Lịch với đôi làn đường xuôi ngược như thế, để góp phần đảm bảo điều tiết giao thông đô thị vốn luôn là nỗi bức bối của dân Thủ đô mỗi ngày. Nhưng, có lẽ, trong thẳm sâu, nhất là với những lớp người đã từng được biết thế nào là Nghịch Thủy, có dễ gì mà không nhớ tiếc cái không khí êm đềm mà sống động ở hai phía của một dòng sông.

Cái dòng sông nước chảy quanh co, từng êm đềm, thao thiết ấy, trên đôi bờ chòm xóm xanh mát bốn mùa vườn tược, dưới là dòng nước trong lành từng nhộn nhịp những bến những thuyền, đã in dấu cuộc sống của bao đời con cháu, những cư dân của một kinh thành cổ kính, luôn thấy Tô Lịch phảng phất hồn cốt của Thăng Long.

Sự vận động của thời cuộc, mọi đổi thay trong cuộc sống, ta cũng nên chấp nhận điều đó như là một tất yếu. Tô Lịch bây giờ đã được quy hoạch, kè bờ sạch sẽ, gọn gàng, vấn đề chỉ còn là dòng nước. Đâu đó, người ta cứ động viên nhau, rằng Hà Nội chỉ cần gắng thêm vài bước nữa, lọc được nước Tô Lịch trở lại xanh trong sạch sẽ, là có thể biến con sông này thành điểm hẹn.

Mới đây, nghe nói, một dự án tới 16.000 tỉ đồng đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, nếu đi vào hoạt động, sẽ giải quyết hơn 50% lượng nước thải của thành phố, thì sẽ có thể góp phần hồi sinh sông Tô Lịch trong nay mai. Có nên từ bây giờ, đã bồi hồi mường tượng đến cảnh Tô Lịch rồi đây ghe thuyền xuôi ngược, câu thơ, giọng hát mượt mà đằm ấm ngân lên dưới trăng đêm…?

Lại nữa, Hà Nội vừa có một hội thảo khoa học quốc gia về đề án cải tạo sông Tô Lịch. Thấy bảo rằng, đề án tham vọng không chỉ cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh, mà còn sử dụng Tô Lịch kết hợp với hệ thống hầm ngầm chống ngập và cao tốc ngầm, và như thế, Tô Lịch có thể giúp giải quyết úng ngập cho thành phố vào mùa mưa bão. Kể ra, nghe cũng khá mông lung và xa vời, liệu có khả thi? Nhưng thôi, điều cần thiết cho mỗi người trong cuộc sống, chính là quyền được hy vọng.

Nếu một Tô Lịch trong bóng dáng kinh thành xưa kia đã mất đi là một sự thật xa xót, thì Tô Lịch hôm nay đầy hồi hộp trong mọi nỗ lực hồi sinh một dòng sông chết cũng là thực tế lạc quan. Người Hà Nội có quyền khấp khởi, rằng sẽ có cơ hội thấy lại sông nước dòng Tô trong mát của kinh thành vang bóng thuở nào, để những hàng cây đang đơm hoa rực rỡ dọc đôi bờ gọn gàng sạch sẽ của Thủ đô hiện đại bây giờ, có lại tấm nước gương trong mà dịu dàng soi bóng.

Đi dọc Tô Lịch bây giờ, đường sá đôi bên bờ sông còn rộng hơn cả lòng sông, đủ cho mấy làn bon bon ngược xuôi xe chạy. Lại nhớ, con sông nổi tiếng này, có lẽ ít ai còn biết đến một biệt danh của nó nữa là Nghịch Thuỷ. Bởi xưa kia, lúc bình thường dòng sông khá hiền lành, nhưng đến mùa lũ, bao nhiêu nước đồng dồn hết cả xuống Tô Lịch, thế nước sông chênh hơn mực nước sông Cái, đâm ra nước lại chảy ngược từ Nhuệ Giang ra Nhị Hà (tên cũ, gọi đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội). Vì thế, người ta mới gọi Tô Lịch bằng cái tên nghe khá ngỗ ngược, Nghịch Thủy - con sông chảy ngược!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm gương trong soi bóng dáng kinh thành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO