Tìm hướng bảo tồn văn hóa dân tộc

Hoàng Minh 21/04/2017 09:05

Ngày 20/4, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo tìm giải pháp bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Với sự tham gia của 120 đại biểu là các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người có uy tín các dân tộc khu vực phía Bắc… những tâm tư “người thực, việc thực” được chia sẻ một lần nữa cho thấy bài toán bảo tồn văn hóa dân tộc vẫn còn nhiều điều phải suy nghĩ.

Việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc vẫn còn đang nhiều bất cập.

Hội thảo tập trung thảo luận xác định nội dung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người ra khỏi tình trạng có nguy cơ mai một, mất bản sắc văn hóa, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, cơ chế chính sách đặc thù phù hợp để bảo tồn văn hóa các dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển; Gặp gỡ, lấy ý kiến của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người uy tín cùng tìm ra các giải pháp cụ thể thiết thực để bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc có hiệu quả…

Nghệ nhân Ma Thanh Sợi (tỉnh Lào Cai) chia sẻ về hành trình cặm cụi đi khắp các thôn bản để sưu tầm các làn điệu hát ru của dân tộc Tày. Với 12 công trình sưu tập trong nhiều năm nhưng ông không nhận được sự hỗ trợ về kinh phí. Điều đáng buồn là các công trình làm xong cũng chỉ… để đấy. việc phổ biến các công trình này cũng gặp khó khăn về nguồn kinh phí.

Nhà nghiên cứu Lò Văn Biến (Yên Bái) cho biết, ông dịch ra tiếng Việt các tài liệu về điệu hát xòe của dân tộc Thái, lễ cấp sắc của dân tộc Dao, hát then của dân tộc Tày… Thế nhưng chính trong cộng đồng sở hữu các giá trị văn hóa này cũng chưa ý thức về vấn đề bảo tồn và phát huy di sản.

Những khó khăn về kinh phí như chia sẻ của nghệ nhân Ma Thanh Sợi, Lò Văn Biến cũng chỉ là một phần trong những khó khăn trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Bởi dù khó khăn nhưng bằng cái “tâm” của mình những nghệ nhân vẫn hàng ngày, hàng giờ bằng cái “sức” của mình tình nguyện cống hiến trong việc bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc. Trước những kiến nghị của nghệ nhân, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: Trong thời gian sẽ tiếp tục đầu tư cho Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên; Cấp kinh phí khôi phục lại các lễ hội của đồng bào.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Vĩnh Ái cũng cho biết nguồn kinh phí này là có hạn nên mỗi năm chỉ có thể cấp kinh phí cho hơn 20 lễ hội chính của 54 dân tộc. Ngoài ra, trong thời gian tới sẽ cấp cho Hội Văn nghệ dân gian kinh phí xuất bản sách sưu tầm phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc. Thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu đề nghị mỗi tỉnh chọn một vài phong tục nổi bật của địa phương để chỉnh lý, xuất bản, gửi các cơ quan nghiên cứu. Đặc biệt, Bộ VHTTDL cũng giao cho các Viện nghiên cứu lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận một số di sản văn hóa của đồng bào dân tộc, trước mắt thì hát then đã được gửi UNESCO.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm hướng bảo tồn văn hóa dân tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO