Tín dụng chính sách công cụ xóa đói, giảm nghèo

Ngọc Quyết 21/09/2016 14:22

Từ năm 2011 đến nay, đã có trên 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng ưu đãi, với doanh số cho vay đạt gần 45 nghìn tỷ đồng…

Các đại biểu dự hội nghị.

“Nhờ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, cho đến nay, công tác xóa đói, giảm nghèo trong vùng Tây Bắc đã thu được những kết quả to lớn; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh, giai đoạn 2011-2015 bình quân giảm gần 4%/năm từ 34,41% vào thời điểm cuối năm 2010 xuống còn 18,26% vào cuối năm 2014, và ở mức khoảng 15% vào cuối năm 2015.

Đóng góp vào thành tích trên, phải kể đến vai trò của Ngân hàng chính sách xã hội – một công cụ quan trọng để thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo”, đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung Ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị tổng kết 5 năm (2011 - 2015) thực hiện tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Bắc, do Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội (VBSP) tổ chức ngày 21/9 tại TP Lào Cai.

Tham dự có ông Lê Minh Hưng Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT VBSP; ông Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương; ông Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc...

Đồng vốn “nở hoa”

Thật ấm lòng khi mục sở thị những mô hình thoát nghèo nhờ đồng vốn của VBSP đang "nở hoa" trên vùng đất Tây Bắc của tổ quốc.

Nhiều hộ gia đình kinh tế trước đây rất khó khăn, nay nhờ sự tiếp sức đồng vốn của ngân hàng mà cuộc sống đã có nhiều đổi thay, từ thiếu ăn đến có của ăn của để như hộ anh Giàng Mí Páo, Thôn Xín Suối Hồ, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Năm 2010 anh Páo lấy vợ và ra ở giêng tài sản chỉ là 2 gian nhà vách đất, không có gạo ăn, đồ dùng sinh hoạt mà chỉ có 600 m2 đất ruộng cấy lúa, trồng ngô. Cuộc sống quá khổ sở, suốt ngày hai vợ chồng vào rừng nhặt củi về bán và hái rau rừng ăn cho qua ngày. Khi sinh con đầu lòng, cuộc sống càng khó khăn hơn, anh Páo nhiều đêm trăn trở tìm cách thoát khỏi cái đói nghèo.

NHCSXH huyện Tam Nông đã nêu cao tinh thần đoàn kết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương, tổ chức thực hiện hiệu quả 12 chương trình tín dụng.

Sau khi đi một số nơi tìm hiểu, học tập các mô hình kinh tế trong tỉnh, anh Páo quyết định chọn mô hình chăn nuôi. Thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của VBSP ở ngay bản tôi đang sinh sống, gia đình tôi đã được vay 15 triệu đồng và đã mua hai con bò cái về nuôi.

Sau 3 năm, cặp bò cái đẻ được 3 con bê. Năm 2013, tôi bán một con bê lớn nhất để lấy tiền trả hết nợ VBSP, năm 2014 gia đình tôi đã thoát nghèo.

“Đến đầu năm 2016, tôi quyết định mở cửa hàng bán hàng tạp hóa, đồ điện tại nhà và đã vay vốnVBSP Quản Bạ 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư vào việc kinh doanh buôn bán. Đến nay, thu nhập đã trừ chi phí và tích lũy bình quân được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tôi đã đi học lái xe ô tô và dự định sẽ mua xe ô tô tải để làm thêm ngành nghề kinh doanh vận tải tại địa phương và sẽ tạo việc làm ổn định cho 2 lao động ở bản”, anh Páo hồ hởi cho biết.

Cùng chung niềm vui thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ đồng vốn của VBSP là chị Hà Thị Đào dân tộc Thái ở Bản Hội 3 - xã Châu Hội - huyện Quỳ Châu - tỉnh Nghệ An. Năm 2011,chị Đào đã đề nghị tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét và được vay vốn VBSP 20 triệu đồng, cộng với vốn tự có, gia đình tôi đã mua thêm 1 con bê và 2 con trâu sinh sản trị giá 25 triệu đồng.

Nhìn người phụ nữ dân tộc Thái trông rất hoạt bát vanh vách nói về kỹ thuật nuôi lợn, gà và trồng rừng như một cán bộ khuyến nông thực sự, chúng tôi mới hiểu được lý do chị Đào đã thoát nghèo bền vững vì đã biết đề cao kỹ thuật trong sản xuất.

“Đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá của toàn xã,tài sản hiện có tổng đàn trâu bò là 15 con, trị giá khoản trên 200 triệu đồng; có 01 ô tô tải nhỏ trị giá khoảng 200 triệu đồng... bình quân thu nhập mỗi năm từ 170 đến 190 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Việc sản xuất, chăn nuôi của gia đình đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động của gia đình và địa phương. Niềm vui lớn nhất với gia đình tôi là con gái út năm 2014 đã trúng tuyển và đang theo học tại Đại học Vinh”, chị Đào tâm sự.

Nỗ lực xóa đói giảm nghèo

Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các địa phương và sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, vùng Tây Bắc đã có những bước phát triển và thay đổi tích cực.

Thông qua 2.528 điểm giao dịch đặt tại các trụ sở UBND cấp xã, thực hiện cơ chế công khai, thuận tiện cho sự kiểm tra giám sát của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, VBSP đã triển khai gần 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án nhận ủy thác cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách. Từ năm 2011 đến nay, đã cho trên 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn từ VBSP, trong đó, có trên 1,5 triệu hộ là đồng bào dân tộc được vay vốn; với doanh số cho vay đạt 44.917 tỷ đồng.

Đến ngày 31/8/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 32.194 tỷ đồng, hiện có trên 1,2 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 của vùng Tây Bắc là 12,6%, cao hơn bình quân chung toàn quốc là 2,8%; Tỷ lệ nợ quá hạn của vùng chỉ chiếm 0,25% trên tổng dư nợ, thấp hơn bình quân chung của toàn hệ thống.

Để thoát nghèo bền vững

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng,Tây Bắc hiện nay là vùng có tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo cao nhất trong cả nước. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với Tây Bắc là triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác xóa đói, giảm nghèo trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội nghị.

“Trong bối cảnh hiện nay khi Tây Bắc vẫn còn là “lõi nghèo” của cả nước với tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 29,14%, cao gấp 2,95 lần tỷ lệ chung của cả nước, trong đó có nhiều tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 40-50%, đồng thời phương pháp tiếp cận đo lường từ nghèo đơn chiều đã thay đổi sang nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, những điều này đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách cho vùng Tây Bắc trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách do VBSP thực hiện có một ý nghĩa hết sức quan trọng để giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La Nhâm Thị Phương cho rằng, đây là kênh tín dụng ưu đãi lớn nhất đáp ứng kịp thời đầy đủ nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần to lớn đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh. Bởi lẽ hoạt động của VBSP từ nguồn vốn ưu đãi đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn.

Tây Bắc vẫn là vùng kinh tế còn nhiều khó khăn, với 45 huyện nghèo và hơn 1.900 xã là đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác.

Để Tây Bắc phát triển, giảm nghèo bền vững, thời gian tới Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch VBSP Lê Minh Hưng cho rằng, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng với các Bộ, ngành Trung ương, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22 tháng 11 năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ VBSP trong việc huy động nguồn vốn để đảm bảo triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.

Tiếp tục chỉ đạo các NHTM ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp ưu tiên phát triển, doanh nghiệp nhỏ và vừa; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn thực hiện các công trình cấp bách, dự án trọng điểm quốc gia... tạo cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thống đốc nhấn mạnh, "với vai trò là Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hội đồng quản trị VBSP, cá nhân tôi, NHNN cam kết sẽ chỉ đạo ngành Ngân hàng, trong đó có VBSP thực hiện đúng và có hiệu quả các nhiệm vụ của mình trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn Tây Bắc nói riêng, đảm bảo VBSP thật sự là công cụ hữu hiệu thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”.

Thống đốc đề xuất, để nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự hiệu quả, tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho VBSP; đồng thời ưu tiên dành nhiều hơn nữa nguồn vốn từ ngân sách địa phương như: Quỹ phát triển đất, Quỹ phát bảo vệ và phát triển rừng,… để ủy thác cho VBSP bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín dụng chính sách công cụ xóa đói, giảm nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO