Tại lễ tổng kết Trại sáng tác Văn học thiếu nhi 2024, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói rằng, văn học là loại hình nghệ thuật kéo con người đi về ánh sáng của những điều thiện bằng cách gỡ bỏ dần bóng tối như sự tàn ác, thói ích kỷ, tham lam để xây dựng một nhân cách, đời sống cao đẹp hơn. “Vì thế ở góc cạnh nào đó, tôi nghĩ văn học cũng mang tính giáo dục và điều này quan trọng đối với văn học thiếu nhi. Bởi vì qua những tác phẩm, chúng ta tạo sự khơi mở và thấu hiểu, giúp cho các em thấu hiểu thế giới. Từ thấu hiểu sẽ có sự thông cảm và tình yêu thương con người nói chung” - ông Phương nói.
Trại sáng tác Văn học thiếu nhi lần này được cho là “bội thu” khi các tác giả đã hoàn thiện gần 100 tác phẩm đa dạng thể loại gồm truyện ngắn, thơ, tản văn, tiểu thuyết. 15 nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi đến từ các tỉnh, thành trong cả nước cùng 6 nhà văn viết cho thiếu nhi của tỉnh Phú Yên đã tham dự trại sáng tác. Bên cạnh một số tác giả được cho là “chuyên” viết cho trẻ em đã định hình thì còn có những gương mặt trẻ, đặc biệt quý khi họ lại là những cây viết nữ.
Từ lâu, đối với văn học thiếu nhi, nhiều nhà văn cho rằng đó là việc “tay trái”, có nghĩa là khi hứng thú thì “đá ngang”, “ghé lại” mà không nhiều người đánh cược sự nghiệp văn chương của mình vào đối tượng nhỏ tuổi. Có lẽ chính vì thế mà thành tựu văn học thiếu nhi ở ta khá ít, tính cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện thật hiếm hoi khi có được một nhà văn chuyên chú viết cho trẻ em như ông Nguyễn Nhật Ánh, với cả trăm tác phẩm đã xuất bản. Nhắc tới tên tác giả là các em nhớ tới “Bảy bước đến mùa hè”, “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”...
Cũng chính vì “lỗ hổng” ấy mà văn học thiếu nhi “ngoại” đã nhanh chóng lấp đầy trên thị trường sách Việt. Đa phần trong các sách văn học thiếu nhi dịch của nước ngoài là truyện tranh. Đành rằng đó đều là những tác phẩm hay nhưng do cốt truyện và bối cảnh nước ngoài nên phần nào vẫn có sự xa lạ bởi lẽ chúng chỉ phản ánh đời sống của đất nước, dân tộc khác.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng nói (đại ý): Chúng ta có thể ồ ạt dịch sách thiếu nhi nước ngoài, nhưng nếu không cẩn trọng để một đứa trẻ đọc quá nhiều sách dịch thì ở bên trong chúng, mặc dù vẫn có những vẻ đẹp tâm hồn được tạo dựng, nhưng vẻ đẹp ấy bắt đầu rời xa những vẻ đẹp ở chính nơi mà chúng sinh ra và lớn lên. Đó là mảnh đất Việt Nam, văn hóa Việt Nam, thiên nhiên và những giấc mơ của người Việt.
Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối cho một thị trường tiềm năng chưa được chúng ta khai thác hiệu quả là văn học thiếu nhi. Nhưng làm gì để có thành tựu nhiều hơn thì lại khó tìm thấy câu trả lời.
Sinh thời, nhà văn Tô Hoài - tác giả “Dế mèn phiêu lưu ký”, tác phẩm đã được dịch ra 15 thứ tiếng, lập kỷ lục tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất rất trăn trở về việc sách thiếu nhi thiếu vắng hẳn những câu chuyện hay và số người viết dòng văn học thiếu nhi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đã có không ít trại viết được mở ra, cùng đó là nhiều giải thưởng, cũng có những cây bút đoạt giải tiềm năng viết cho thiếu nhi nhưng sau đó hầu như họ không viết tiếp nữa. Phải chăng là do nhuận bút quá thấp. Do họ không thể sống bằng “nghề viết”?
Trở lại với thành công của Trại sáng tác Văn học thiếu nhi 2024, phải chăng đây cũng là niềm cảm hứng báo hiệu sự “phục sinh” của dòng văn học viết cho thiếu nhi của đất nước?