Tính chuyện đường dài cho nông sản

Việt Hà (thực hiện) 13/10/2023 08:32

Năm nay, giá lúa gạo tăng, có lợi nhuận tốt nên bà con nông dân rất phấn khởi. Nhưng làm thế nào để đó không chỉ là niềm vui ngắn hạn của hạt gạo nói riêng và nông sản vùng ĐBSCL nói chung?

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện cùng ông Trần Khắc Tâm- Phó Chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Khắc Tâm. Ảnh: Quang Vinh

PV:Thưa ông, thật đáng mừng khi xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay liên tục thiết lập kỷ lục mới. Trò chuyện với một số bà con nông dân ở Cần Thơ, họ chia sẻ rằng: “không mong giá gạo tăng quá cao, chỉ mong duy trì ổn định ở mức có lãi như thế này”. Thế nhưng, để đạt được mong muốn giản dị này cần rất nhiều giải pháp, trong đó nhất thiết phải có sự bắt tay, liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân?

Ông Trần Khắc Tâm: Trong những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, vùng ĐBSCL không ngừng phát triển, từng bước khẳng định lợi thế cạnh tranh của các mặt hàng nông sản. Năm nay mặt hàng xuất khẩu gạo có lợi thế, cả nông dân và doanh nghiệp đều vui mừng vì có lợi nhuận tốt. Thế nhưng, làm thế nào để niềm vui đó duy trì trong dài hạn, để người nông dân có lợi nhuận tốt từ trồng lúa thì con rất nhiều việc phải làm.

Trước tiên nói về việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, thực tế nhiều năm qua đây vẫn là khâu yếu. Có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do tập tính, thói quen sản xuất chưa chuyên nghiệp. Nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, do làm ăn riêng lẻ, mang tính tự phát nên sản xuất manh mún, chưa xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất nông sản chất lượng cao, khó cạnh tranh.

Ví như người nông dân ký với doanh nghiệp bao tiêu một loại nông sản, nhưng khi thị trường biến động, giá cả tăng cao thì có trường hợp lại hủy kèo, làm khó doanh nghiệp đã ký cam kết trước đó. Hay ngược lại, cũng có doanh nghiệp hứa đảm bảo đầu ra nhưng khi hàng hóa gặp khó, thì lại bỏ của chạy lấy người.

Tuy nhiên, tình trạng này đã và đang dần được khắc phục. Nhiều chuỗi liên kết đã được hình thành. Khi liên kết, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho người nông dân từ việc xuống giống cho đến quá trình canh tác, cơ giới hóa và đặc biệt là bao tiêu sản phẩm. Sản phẩm của nông dân làm ra luôn có thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả ổn định, bà con yên tâm sản xuất. Ngoài ra, quy hoạch các vùng nuôi trồng của chúng ta đã khá rõ, mỗi loại sản phẩm được gắn với xuất xứ, mã vạch…, có tiêu chuẩn, quy chuẩn đi cùng, rất chuyên nghiệp. Đó cũng là một lợi thế trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài việc liên kết thì nguyên nhân của tình trạng “được mùa mất giá” tiếp diễn thời gian qua có phải do chúng ta vẫn thiếu thông tin thị trường, thiếu chiến lược dài hơi, chạy theo mùa vụ…, thưa ông?

- Thực ra, câu chuyện “được mùa rớt giá” không chỉ diễn ra ở riêng Việt Nam, bởi nó phụ thuộc vào cung – cầu hàng hóa trên thế giới. Một số quốc gia khác đôi khi cũng gặp tình trạng này. Đặc biệt là đối với sản phẩm nông nghiệp, làm theo mùa vụ, phụ thuộc vào thời tiết, tương quan giữa các quốc gia xuất khẩu, thì tính rủi ro càng tăng cao. Ví dụ năm nay chúng ta xuất khẩu gạo tốt là do tác động của nhiều yếu tố khách quan, tuy nhiên, sang năm thế nào thì chúng ta chưa thể đoán định được.

Còn nói rằng thiếu chiến lược dài hơi theo tôi cũng chưa đúng, bởi chúng ta đã có quy hoạch, có tầm nhìn tổng thể cũng như cho từng loại hàng hóa. Thông tin thị trường thì hiện nay cũng không thiếu, bởi chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, cả người sản xuất và doanh nghiệp đều có thể tự tìm kiếm, đánh giá được tình hình, nắm bắt được nhu cầu, cung cầu hàng hóa đang diễn ra như thế nào, thiếu, thừa ra sao?

Tuy nhiên, nếu thiếu ở đây chính là thiếu sự phân tích bài bản, đánh giá trước được vấn đề một cách sát thực nhất, trúng nhất.

Ngoài ra, hiện một số địa phương vẫn chưa thực sự kiên trì thực hiện những định hướng bài bản, còn chạy theo xu hướng. Ví dụ thấy trái sầu riêng đang bán được thì lại chặt bỏ cây khác để trồng sầu riêng, khi sầu riêng ế ẩm lại chặt bỏ sầu riêng để trồng cây khác…

Tôi cho rằng, cũng cần chú trọng hơn tới việc đảm chất lượng hàng hóa, sản phẩm, đặc biệt là các quy chuẩn, tiêu chuẩn về dư lượng các chất bảo vệ thực vật, phân bón để hàng hóa của chúng ta tránh được những bất lợi không đáng có khi nhiều nước đã xây dựng “hàng rào” phòng vệ thương mại.

Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, xu hướng thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững đang đặt ra những thách thức cần phải đổi mới của các doanh nghiệp để bắt kịp xu thế, mô hình kinh doanh mới, nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và mất cơ hội tham gia và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu?

- Đáp ứng các yêu cầu đặt ra cho sản phẩm, hàng hóa theo các tiêu chuẩn toàn cầu về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo tôi là điều cần phải làm. Yêu cầu nâng cao sức cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp phải chuyển đổi công nghệ, quản lý, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đặc biệt là phải có nguồn hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn như tôi đã nói ở trên. Các sản phẩm làm ra phải có thương hiệu, chất lượng cao, đáp ứng được thị trường trong nước và thế giới.

Để đạt được điều này thì vừa cần sự chủ động của doanh nghiệp, người sản xuất nhưng đồng thời cũng cần hỗ trợ của chính sách. Ở đây là vai trò của Chính phủ và chính quyền các địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và bà con nông dân trong quá trình chuyển đổi này.

Ông vừa nói tới vai trò của địa phương. Được biết, thời gian qua với mục tiêu chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân, một số địa phương đã tổ chức chương trình “Cà phê với doanh nghiệp”, trong đó có Sóc Trăng. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của mô hình này?

- Tôi đánh giá cao hoạt động này của các địa phương và đã có phát biểu nhiều lần trong những buổi “cà phê sáng với doanh nghiệp” của lãnh đạo tỉnh Sóc trăng với doanh nghiệp. Trong các buổi gặp gỡ ấy, doanh nghiệp có thể thoải mái phản ánh, kiến nghị những vướng mắc đang gặp trong sản xuất, kinh doanh đồng thời đề xuất những giải pháp hay, mô hình hiệu quả.

Có thể nói, sự gần gũi, cảm thông, chia sẻ giữa lãnh đạo các địa phương với cộng đồng doanh nghiệp là điều rất tốt, bởi sự thấu hiểu sẽ tạo ra niềm tin và chuyển biến về chính sách.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tính chuyện đường dài cho nông sản