“Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong giai đoạn hiện nay” là chủ đề của buổi tọa đàm với sự tham gia của gần 200 người là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, giảng viên, học viên của các cơ quan báo chí, các trường đào tạo nghề báo của địa phương và trung ương trên địa bàn được Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở TT-TT và Hội Nhà báo TP HCM tổ chức sáng 24/10.
Trong khoảng 20 tham luận được trình bày tại hội trường, phần lớn các ý kiến đều tập trung làm rõ tầm quan trọng của việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí và yêu cầu về trách nhiệm xã hội của người làm báo trong quá trình tác nghiệp. Nhiều tham luận đã chỉ ra vai trò quan trọng của các cơ quan Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ quản báo chí nhằm đảm bảo tính hiệu quả, nghiêm minh trong việc thực thi nhiệm vụ và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan báo chí, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của sự phát triển về chuyên môn cũng như về phẩm chất đạo đức.
Trong bài tham luận với chủ đề “Vai trò gương mẫu của lãnh đạo cơ quan báo chí trong việc thực thi đạo đức báo chí”, Đại tá Trần Trọng Dũng- Tổng Biên tập Báo Công an TP HCM khẳng định, sự gương mẫu thực hiện đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu cơ quan báo chí là rất quan trọng. Để đòi hỏi đội ngũ tờ báo tuân thủ đạo đức nghề nghiệp thì điều đầu tiên đòi hỏi Tổng Biên tập không chỉ có bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn sâu rộng, có khả năng quản lý và điều hành mà còn phải là người có tư cách đạo đức, là người tử tế.
Một số ý kiến phê phán xu thế thương mại hóa báo chí tùy tiện, có nguyên nhân từ nhận thức chưa đầy đủ của lãnh đạo cơ quan chủ quản, dễ dãi trong việc bổ nhiệm, giám sát đội ngũ quản lý báo chí và một bộ phận người làm báo suy thoái dẫn tới việc xảy ra khá nhiều sai phạm liên quan tới vấn đề đạo đức nghề nghiệp tới mức phải xử lý hành chính và hình sự trong thời gian gần đây. Đặc biệt là xuất hiện nhiều hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” đã và đang làm bức xúc dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu tới uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Các ý kiến cũng chỉ ra sự cạnh tranh gay gắt giữa truyền thông xã hội và báo chí chính thống. Không ít cơ quan báo chí, người làm báo có xu hướng chạy theo mạng xã hội, bị dẫn dắt bởi những thông tin chưa được kiểm chứng khiến dư luận hoang mang. Để khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan nhà nước cần xem xét lại công tác phát ngôn để kịp thời đưa ra những thông tin chính thống, đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội, ngăn chặn tin đồn thất thiệt không đáng có.
Tinh thần của buổi tọa đàm cho thấy sự phát triển lành mạnh, có uy tín sẽ luôn nhận được sự tin cậy của bạn đọc và dư luận xã hội. Đạo đức nghề nghiệp chính là uy tín của đội ngũ những người làm báo chân chính và là luôn mục tiêu hướng tới của nền báo chí cách mạng Việt Nam.