Ngày 9/6 tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Luật Du lịch, động lực thúc đẩy Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Khách hàng mới chính là người quyết định quyết định hạng sao của khách sạn (ảnh minh họa).
Tại đây những vấn đề liên quan tới việc gắn sao cho khách sạn, điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên đã được đề cập.
Tọa đàm thu hút sự quan tâm tham gia của các đại biểu là các chủ tịch Hiệp hội du lịch tại các tỉnh, thành phố; đại diện các đơn vị du lịch, lữ hành…
Tại tọa đàm các đại biểu đã đưa ra nhiều phân tích về các vấn đề liên quan đến nội dung xếp hạng cho các cơ sở lưu trú kinh doanh. Đa phần các ý kiến cho rằng không nên bắt buộc các doanh nghiệp lưu trú đăng ký xếp hạng sao. Bởi lẽ, Dự thảo Luật đã có quy định tiêu chuẩn tối thiểu để cơ sở lưu trú được đón khách du lịch.
Theo ông Đinh Mạnh Thắng- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế: Dự thảo Luật không nên bắt buộc đăng ký xếp hạng sao. Bởi lẽ, khách hàng mới chính là người quyết định quyết định khách sạn đó ở hạng sao nào chứ không phải ông chủ khách sạn hay Nhà nước quyết định. Điều quan trọng nhất là cơ sở lưu trú làm thế nào để thu hút du khách và đảm bảo phục vụ du khách một cách tốt nhất so với số tiền bỏ ra. Chẳng hạn, có những khách sạn chỉ muốn đăng ký hạng 4 sao dù cơ sở vật chất đạt chuẩn của khách sạn 5 sao để du khách được hưởng thụ nhiều hơn. Đó là chiến lược kinh doanh, nguyện vọng của từng chủ đầu tư cần được tôn trọng. Nếu thấy có lợi thì chủ đầu tư đăng ký hạng sao, không thì thôi.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Đài - Chủ tịch CLB Du lịch Hà Nội cũng cho rằng các cơ sở lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng nhưng cần ghi rõ trong luật khi không đăng ký thì không được tự ý phong sao để tránh việc cơ sở lưu trú có thể thể lợi dụng để quảng cáo sai sự thật, hoặc có thể lừa khách hàng vì du khách có thể chưa biết về khách sạn này.
Ngoài ra, ông Đài cũng góp ý về hướng dẫn viên do chúng ta chưa có điều kiện rằng buộc nào đó, nên việc hướng dẫn viên tự do đi làm dẫn đến một số bất cập như không chịu trách nhiệm cao với khách hàng sau mỗi chuyến đi vì không phải của công ty họ làm việc thường xuyên. Khi hướng dẫn viên phát ngôn lung tung hoặc thiếu ý thức, không có ai chịu trách nhiệm...
“Vì vậy, tôi nhất trí với Dự thảo Luật đó là điều kiện hành nghề đối với hướng dẫn viên quốc tế và nội địa phải có thẻ Hướng dẫn viên, có hợp đồng lao động với một công ty lữ hành, công ty quản lý hướng dẫn viên hoặc hội viên của Tổ chức xã hội nghề nghiệp về Hướng dẫn”- Chủ tịch CLB Du lịch Hà Nội nhấn mạnh.
Rất cần sự giám sát các dự án đầu tư vào du lịch
Tại buổi tọa đàm, trước câu hỏi của PV Báo Đại Đoàn Kết về việc Cty Oxalis có tờ trình với tỉnh Quảng Bình để bắt vít và gắn thang kim loại lên khối nhũ triệu năm tuổi phục vụ tour du lịch xuyên hang Sơn Đoòng, ông Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Khi chúng ta cần có những công cụ để phục vụ cho khách tham quan mà không ảnh hưởng đến môi trường thì nên ủng hộ. Tuy nhiên theo ông Bình, cần xem xét lại việc dựng thang cố định vượt bức tường cao 90m tại hang Sơn Đoòng có ảnh hưởng đến các nhũ đá hay không? Có làm vỡ cảnh quan chung hay xảy ra các tai nạn đối với khách du lịch hay không? Ở đây cần hai vấn đề phải đặc biệt quan tâm đó là với khách du lịch và với di sản. Việc triển khai cân nhắc để không được phá vỡ hiện trạng vốn có của hang Sơn Đoòng. Do đó kiểm soát người tổ chức, triển khai các đề án, kế hoạch còn quan trọng hơn việc đề xuất ra các ý tưởng.
Cũng theo ông Bình, chỉ số tăng trưởng không ngừng của ngành du lịch trong thời gian qua cũng đang đặt ra cho ngành du lịch yêu cầu về việc quản lý, giám sát được quá trình phát triển. Ở đó cần có sự vào cuộc, đồng hành của các cơ quan nhà nước trong việc giám sát các dự án đầu tư và phát triển du lịch. Bởi đây không phải trách nhiệm của riêng ngành du lịch.