Tôn tạo di tích: Không thể tùy tiện: Lấp lỗ hổng, cách nào? (Bài cuối)

HẠNH NHÂN 03/04/2022 07:08

Nhiều năm qua trên khắp cả nước, có không ít di tích lịch sử, văn hóa đã bị làm sai lệch, biến dạng so với kiến trúc cũ. Nhiều ngôi chùa cổ được khoác những tấm áo mới trông xa lạ, phản cảm. Di tích quốc gia đang tiếp tục kêu cứu, thực trạng này cho thấy khoảng trống lớn trong công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo di tích ở nước ta.

Hàng trăm viên gạch cổ bị đào lên chất thành đống ở Tháp Bánh Ít (Tuy Phước, Bình Định).

Ở số báo Chủ nhật số 86 (ra ngày 27/3/2022), chúng tôi đã nêu ra thực trạng đáng buồn trong việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đang diễn ra tại Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm (Hà Nội), Di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu (Thanh Hóa)… Rất tiếc, thực trạng ấy không phải là chuyện cá biệt.

Thời điểm này, tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) cũng đã trở thành “nạn nhân” của việc tôn tạo, trùng tu di tích. Trước những dấu hiệu vi phạm Luật Di sản, Cục Di sản văn hóa đã gửi văn bản đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định kiểm tra thực tế, chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ cụm di tích này. UBND tỉnh Bình Định ngay sau đó đã cho tạm dừng thi công.

Cụ thể, Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 9/2021 với tổng kinh phí xây dựng hơn 25 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, trong quá trình tu bổ, đơn vị thi công ngang nhiên sử dụng máy móc cơ giới trong khi theo quy định của Luật Di sản, đó là khu vực bất khả xâm phạm, chỉ được làm thủ công. Bên cạnh đó, những bức tường gạch bao quanh chân tháp được xây dựng sơn quét nhếch nhác sau đó lại được chính nhà thầu thi công đập bỏ. Quá trình tu bổ thiếu giám sát, khiến nhiều chân tháp bị đào bới lung tung làm hở phần móng. Đây là thực trạng của việc tu bổ nhưng thiếu trách nhiệm bảo tồn di sản tại một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Vụ việc đang khiến dư luận bức xúc.

Có thể thấy, với việc trùng tu, tôn tạo di tích người ta vẫn phớt lờ nhiều quy định từ các cơ quan văn hóa có thẩm quyền. Song, cũng có ý kiến cho rằng, chưa có bản án nào đủ sức răn đe để những cá nhân, đơn vị liên quan tới các dự án trùng tu, tôn tạo di tích phải thận trọng hơn. Bởi nhìn lại hàng loạt vi phạm và công tác xử lý vi phạm, vẫn thấy những sai phạm được xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”.

Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, bao gồm: Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009; 7 Nghị định của Chính phủ; 3 Quyết định và 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 17 Thông tư, 8 Quyết định, 3 Chỉ thị theo thẩm thẩm quyền; đồng thời, phối hợp với các Bộ liên quan để ban hành 6 Thông tư liên tịch, đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc… Thế nhưng việc trùng tu, tôn tạo theo kiểu phá hoại các di tích thời gian gần đây vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Đơn cử: Đình Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) xây dựng từ thế kỷ 17 bị phá bỏ để xây đình bằng bê tông năm 2018; Phá cổng phụ chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội) để xây cổng mới to hơn năm 2019; Sơn toàn bộ đình Trung Thượng và đình Trùng Hạ (Gia Viễn, Ninh Bình) làm “biến dạng” những ngôi đình có kiến trúc gỗ thế kỷ 17 vào năm 2020; Thay mới phần lớn kết cấu gỗ đình Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) năm 2020; Tu bổ chùa Thổ Hà làm vỡ bia đá cổ năm 2021…

Thực trạng này đã được các nhà sử học, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa lên tiếng mạnh mẽ.

Vậy có cách nào để chúng ta vừa phát huy nhưng vẫn gìn giữ được vốn quý di sản văn hóa truyền thống của dân tộc là vấn đề đặt ra. PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam bày tỏ: trong sự phát triển văn hóa có sự kế thừa, phát huy những tinh hoa tốt đẹp của văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại. Chúng ta không thể xây dựng một nền văn hóa duy ý chí mà cần chọn lọc, phát huy những giá trị tốt đẹp. Đồng thời chúng ta cũng cần có sự cải tiến cho phù hợp với tình hình mới. Nhưng cũng phải nói tới một hạn chế đang tồn tại cần sớm khắc phục là công tác thanh tra, kiểm tra ở các cấp quản lý của chúng ta chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Thực tế, có nhiều vi phạm trong trùng tu, bảo tồn khi cơ quan báo chí phát hiện ra, sau đó cơ quan chức năng xử lý lại chưa rõ ngọn ngành, thỏa đáng.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho biết, cần ghi nhận sự đóng góp, hỗ trợ của nhân dân, các nhà tài trợ trong công tác trùng tu, bảo tồn di tích. Nhưng ông không khỏi lo ngại khi trong quá trình thực hiện, địa phương lại bị sự chi phối của các nhà tài trợ mà quên mất nghĩa vụ phải gìn giữ nguyên trạng di tích. Bởi có không ít chủ đầu tư xem việc trùng tu di tích là để tư lợi cho bản thân, họ thích sửa kiểu nào thì sửa, coi thường các quy định của Luật Di sản văn hóa. “Việc xã hội hóa bảo tồn, trùng tu là cần thiết nhưng nhà quản lý cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Kinh phí Nhà nước chắc chắn không thể bao quát hàng nghìn di tích khắp cả nước nhưng dù nguồn kinh phí là người dân tự đóng góp thì khi trùng tu vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không thể mạnh ai người đấy làm”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.

Đối với những sai phạm về chuyên môn, quy trình bảo tồn, trùng tu di tích, PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho rằng, việc phân cấp trong công tác quản lý di sản cần đi đôi với thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm ngay từ sớm, tránh để đến khi việc đã rồi mới vào cuộc thì đã quá muộn…

Chú thích: PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta vẫn loay hoay xử lý từng vụ việc

Bày tỏ quan điểm lâu nay việc tu bổ tôn tạo di tích xảy ra rất nhiều trường hợp vi phạm, chưa có dấu hiệu chấm dứt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Chúng ta vẫn loay hoay xử lý vụ việc, thay vì đi vào giải quyết bản chất vấn đề.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, mặt tiêu cực ở đây là, dù đã qua nhiều năm và xảy ra nhiều trường hợp, nhưng những bài học kinh nghiệm dường như vẫn chưa được rút ra. Chúng ta vẫn loay hoay xử lý vụ việc, thay vì đi vào giải quyết bản chất vấn đề. Trong khi đó, việc di tích bị xâm hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị của di tích. Một di tích có giá trị ở những câu chuyện, truyền thuyết gắn liền với nó, và chứng nhân cho câu chuyện, truyền thuyết đó là những dấu vết lưu lại ở di tích. Không ai tin một câu chuyện cách đây cả nghìn năm tồn tại ở một ngôi đình, chùa mới xây cả. Khi những dấu vết của di tích bị mất đi thì kèm theo đó cả những ký ức, câu chuyện hấp dẫn đi kèm vì thế mà cũng phai nhạt. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn mong muốn bảo tồn nguyên vẹn nhất có thể di tích để những kỷ niệm, hồi tưởng, ký ức có thể có chỗ đứng ở các di tích. Những người yêu văn hóa, di sản rất bức xúc về cách tu bổ không khoa học, phá hoại di tích là vì những lý do như vậy.

Việt Nam đã có Luật Di sản văn hóa 2001, sửa đổi 2009 và đang tiếp tục sửa đổi luật. Bên cạnh đó còn có khá nhiều các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi liên quan đến di tích. Các văn bản luật của chúng ta, so với thế giới, đã là sự tiến bộ rất lớn. Điều băn khoăn ở đây là, dù có sự điều chỉnh của luật, quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng những vi phạm không hề biến mất, thậm chí, có nơi, có lúc còn nghiêm trọng hơn. Vấn đề của chúng ta ở đây là cần xử phạt nghiêm minh, mang tính làm gương, để từ đó trở thành bài học cho việc tu bổ các di tích khác.

Tuy vậy, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, dù nhận thức của chúng ta đã tốt hơn nhưng có lẽ vẫn chưa đầy đủ và chúng ta cần cách tiếp cận mới để xử lý tốt hơn vấn đề trên. Xử phạt nặng, dù có mang tính làm gương, vẫn không phải là giải pháp duy nhất đúng, thậm chí chỉ là giải pháp cuối cùng mà chúng ta nghĩ đến đối với hoạt động quản lý Nhà nước về di sản. Sở dĩ quản lý di tích của chúng ta có nhiều khó khăn là vì nhiều nguyên nhân như loại hình di tích đa dạng, hình thức sở hữu phong phú, bản thân các di tích ở Việt Nam trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm dễ bị hư hại. Mặt khác chúng ta lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tu bổ, tôn tạo di tích trong khi điều kiện nguồn lực rất khó khăn, và đặc biệt nhất vẫn là nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị di tích vẫn còn khá nhiều bất cập.

Để làm tốt được hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích, chúng ta phải trả lời rốt ráo các câu hỏi như di tích cho ai và quản lý di tích là để làm gì?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhìn nhận, di tích hiện nay liên quan đến rất nhiều phía, gồm: chính quyền địa phương, cơ quan quản lý văn hóa, khách tham quan, nhà khoa học, những người kinh doanh, trong đó cộng đồng cư dân địa phương là quan trọng nhất. Mỗi bên liên quan lại có những quyền lợi, trách nhiệm, nhận thức riêng của mình đối với di tích. Xung đột lợi ích, vì thế, đôi khi vẫn thường xảy ra. Điều hòa mâu thuẫn giữa các bên liên quan chắc chắn phải là khâu quan trọng trong quá trình quản lý di sản. Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) luôn khuyến cáo các quốc gia về vai trò hạt nhân của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản, nhưng cũng nhấn mạnh rằng đó là khi cộng đồng địa phương có hiểu biết đầy đủ về di sản của mình. Dựa trên hiểu biết đầy đủ của mình, cộng đồng là người có tiếng nói quan trọng nhất trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, như vậy di sản của họ mới mang tính bền vững. Và tôn trọng văn hóa là một nguyên tắc trong quản lý văn hóa nói chung.

Bên cạnh đó là việc phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm trong từng di tích sẽ giúp tránh những chồng chéo, bất cập như trên, giúp việc quản lý di tích theo sát với thực tiễn cuộc sống.

Cuối cùng, bảo tồn và phát huy giá trị di tích là trách nhiệm của toàn xã hội, phục vụ nhiều mục đích khác nhau như văn hóa, chính trị, kinh tế, giáo dục... Mục đích về văn hóa, đề cao giá trị lịch sử là quan trọng nhất nhưng không phải duy nhất. Nhìn một cách toàn diện như vậy để tránh tình trạng bảo vệ di tích một cách đông cứng, máy móc, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng cư dân địa phương, đến mức họ có ý định đem trả lại danh hiệu di sản như đã từng xảy ra. Chúng ta cần có cách bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách thông minh để vừa gìn giữ được quá khứ, vừa nâng bước hiện tại và tạo hành trang cho tương lai phát triển.

H.M(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tôn tạo di tích: Không thể tùy tiện: Lấp lỗ hổng, cách nào? (Bài cuối)