Tổng thống Obama và chuyến đi hàn gắn châu Âu

17/11/2016 07:49

Trong chuyến công du cấp nhà nước cuối cùng của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lựa chọn điểm đến đầu tiên Acropolis, một thành phố Hy Lạp cổ được mệnh danh là “cái nôi của nền dân chủ”, với một mục tiêu duy nhất: Đoàn kết lại một châu Âu đang chia rẽ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trong cuộc họp báo chung tại Athens hôm 16/11. (Nguồn: AP).

Trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Obama đến với châu Âu với một gương mặt khác hẳn, sau 2 lần thất trận trong những lần bỏ phiếu dân chủ: Đại đa số cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu Donald Trump làm Tổng thống đời thứ 45 của nước Mỹ và người dân Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Đối với Mỹ và cả EU, những thất bại này được xem là ẩn chứa nhiều hiểm họa: Liệu Tổng thống đắc cử mới của nước Mỹ - ứng viên duy nhất trong lịch sử nước Mỹ từng giành chiến thắng mà không có kinh nghiệm chính trường, luật pháp hay quân sự - sẽ ứng xử với châu Âu ra sao, và đặc biệt là với các nước thành viên của EU?

Ẩn họa này càng trở nên rõ ràng sau khi thủ lĩnh của phe ủng hộ Brexit, lãnh đạo đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) Nigel Farrage, đăng tải bức ảnh mà ông chụp cùng Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Trump Tower (New York) trong một cuộc gặp gỡ mới đây.

Những sự kiện trên xảy ra trong bối cảnh châu Âu đang đầy rạn nứt và lại sắp chứng kiến một làn sóng bầu cử mới ở một loạt nước.

Pháp sắp sửa tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống trong vòng 6 tháng tới và nhiều nhà quan sát cho rằng có khả năng lớn là ứng viên đảng cực hữu Marine Le Pen sẽ là người đắc cử. Được tiếp nguồn cảm hứng từ sự kiện Brexit và bầu cử Tổng thống Mỹ, bà Le Pen từng tuyên bố rõ ràng rằng bà sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để Pháp rời khỏi EU, giống như ở Anh trước đây.

“Không có lý do gì mà EU lại nên tiếp tục tiến bước theo con đường chuyên chế này. Đôi lúc chúng ta nên dừng lại và đặt ra câu hỏi với người dân ở các nước châu Âu rằng: Liệu các bạn vẫn chấp nhận điều này? Các bạn có chấp nhận EU hiện nay?” - bà Le Pen nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC hồi cuối tuần trước.

Không chỉ ở Pháp. Hà Lan còn có Geert Wilders, một người từng tuyên bố sẽ cấm người Hồi giáo vĩnh viễn khỏi đất nước này. Đức thì có Frauke Petry, một gương mặt nữ chính trị gia mới nổi, người từng kêu gọi “chung tay cấm người nhập cư”. Tất cả những vị chính trị gia trên đều theo chủ nghĩa dân tộc và nhận được sự ủng hộ khá cao trong các cuộc bỏ phiếu gần đây.

Ngoài vấn đề về làn sóng dân túy đang trỗi dậy khắp nơi, EU còn đang có vấn đề nghiêm trọng không kém là các khoản nợ kếch xù trên khắp lục địa, liên quan tới vấn đề người di cư và nhập cư.

Hy Lạp và Italy hiện nay vẫn ngập đầu trong khoản nợ công khổng lồ mà không có cách nào thoát khỏi, ngay cả khi “đầu tàu kinh tế” Đức đã thắt chặt các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” hết mức có thể. Ở phía Đông, cái gọi là nhóm các nước Visegrad – gồm Ba Lan, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc – cũng đang hình thành một khối mạnh mẽ chống lại việc phân bổ người nhập cư.

Tổng thống Hungary Viktor Orban thậm chí từng đặt ra một viễn cảnh về một châu Âu đoàn kết bằng “văn hóa giữa các quốc gia” thay vì hàng loạt các giá trị tự do của châu Âu.

“Nếu muốn sống sót, thì đây là cách duy nhất. Phải đặt tương lai cảu chúng ta trên nền tảng văn hóa quốc gia, bằng không sẽ không có cơ hội nào. Chúng ta không phải là người châu Âu vì chia sẻ các giá trị chung cảu châu Âu, đó là một sự hiểu lầm” – ông Orban từng nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Telegraph của Anh.

Và đó là một châu Âu đầy chia rẽ mà Tổng thống Obama phải tìm cách để đoàn kết lại trước khi rời nhiệm sở. Ông sẽ có bài phát biểu quan trọng trước người dân Hy Lạp tại thủ đô Athens trong hôm nay, tập trung vào các thách thức của tiến trình toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau của các thị trường toàn cầu.

Ông cũng sẽ gặp gỡ với các lãnh đạo Italy, Pháp, Đức và Anh trong hôm tiếp đó, trong một sự kiện có thể gọi là buổi gặp chia tay, nhưng lại mang tính khẩn cấp khi Mỹ sắp có lớp lãnh đạo mới. Cuộc gặp đáng chú ý nhất sẽ là với Thủ tướng Đức Angela Merkel, vị lãnh đạo nước ngoài mà ông phối hợp nhiều nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổng thống Obama và chuyến đi hàn gắn châu Âu