Năm 2019 chỉ có 3 môn thi có điểm trung bình dưới trung bình là Sinh học, Lịch sử và Ngoại ngữ. Các môn còn lại đều hơn 5, thậm chí môn Giáo dục công dân có điểm trung bình lên tới 7,37 điểm. Nếu so sánh về số thí sinh có điểm dưới trung bình của mỗi môn thi năm 2019 đều giảm đáng kể so với năm 2018, đơn cử như môn Ngoại ngữ năm 2018 có tới 78,22% thí sinh có điểm thi dưới trung bình, con số này năm 2019 là 68,74%... Môn Lịch sử cũng lần lượt là 83,24% và 70,01%...
Nhìn chung, theo các chuyên gia dự đoán, tỉ lệ tốt nghiệp năm nay vẫn trên 90%.
Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT 2019 dự kiến rất khả quan.
Ngày 18/7 là thời hạn cuối cùng công bố kết quả tốt nghiệp THPT năm 2019. Theo các chuyên gia, mặc dù cách tính điểm tốt nghiệp THPT năm nay có sự thay đổi so với năm ngoái nhưng với mặt bằng điểm thi cao hơn nên việc xét tốt nghiệp THPT sẽ khá thuận lợi với các thí sinh.
Tỉ lệ tốt nghiệp dự kiến cao
Theo quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp năm 2019, điểm xét tốt nghiệp gồm điểm các bài thi thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định của quy chế, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12; điểm của từng bài thi được quy về thang điểm 10 để tính điểm xét tốt nghiệp.
Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến hai chữ số thập phân, do phần mềm máy tính tự động thực hiện. Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật hủy kết quả thi, tất cả các bài thi và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp lấy điểm để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên 1,0 điểm theo thang điểm 10 và có điểm xét tốt nghiệp từ 5,0 điểm trở lên sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT.
Cách tính điểm xét tốt nghiệp năm nay thay đổi so với năm 2018. Theo đó, điểm thi chiếm tới 70% tỉ trọng điểm xét tốt nghiệp còn 30% là điểm trung bình cả năm lớp 12 vốn khiến nhiều thí sinh lo lắng sẽ trượt tốt nghiệp, nhưng nay với kết quả điểm trung bình các môn thi tăng lên, số điểm liệt giảm, các chuyên gia nhận định thí sinh sẽ lạc quan hơn trong việc xét tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, năm 2019 chỉ có 3 môn thi có điểm trung bình dưới trung bình là Sinh học, Lịch sử và Ngoại ngữ. Các môn còn lại đều hơn 5, thậm chí Giáo dục công dân có điểm trung bình lên tới 7,37 điểm.
Nếu so sánh về số thí sinh có điểm dưới trung bình của mỗi môn thi năm 2019 đều giảm đáng kể so với năm 2018, đơn cử như môn Ngoại ngữ năm 2018 có tới 78,22% thí sinh có điểm thi dưới trung bình, con số này năm 2019 là 68,74%... Môn Lịch sử cũng lần lượt là 83,24% và 70,01%...
Nhìn chung, theo các chuyên gia dự đoán, tỉ lệ tốt nghiệp năm nay vẫn trên 90%. Trong đó, việc thi bằng hình thức trắc nghiệm vẫn là cơ hội giúp nhiều thí sinh tránh điểm liệt như những kỳ thi trước đây.
Chấn chỉnh tình trạng gọi nhập học khi chưa tốt nghiệp
Mặc dù hiện nay kết quả tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 chưa được công bố nhưng một số thí sinh đã nhận được giấy báo… trúng tuyển nhập học vào các trường ĐH. Trong đó, có thí sinh cho biết đã nhận được giấy báo nhập học có đóng dấu tròn của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Giấy báo nhập học có nội dung Học viện Công nghệ Thông tin Bách khoa (BKACAD) thông báo thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào chuyên ngành đào tạo chuyên gia lập trình viên quốc tế. Thời gian đào tạo 3 năm, hoàn thành khóa học sẽ nhận bằng kỹ sư thực hành do Trường CĐ Bách khoa Hà Nội cấp.
Ngay sau đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phải có công văn gửi phụ huynh và những thí sinh thi THPT quốc gia 2019 với lời xin lỗi và giải thích về việc nhầm lẫn này, trong đó nêu rõ Học viện Công nghệ Thông tin Bách khoa là trung tâm đào tạo kỹ năng nghề về công nghệ thông tin, thuộc hệ thống doanh nghiệp của trường. Học viện này có liên kết với các đối tác nước ngoài để tổ chức các khóa đào tạo và cấp chứng nhận lập trình viên quốc tế. Công tác tuyển sinh của học viện cũng hoàn toàn độc lập với quá trình tuyển sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội. Việc phát đi giấy báo nhập học là sai thể thức, dẫn đến hiểu nhầm đây là giấy báo nhập học của ĐH Bách khoa Hà Nội khi còn chưa có điểm thi THPT quốc gia.
Từ những hiện tượng tương tự, Bộ GDĐT đã ra văn bản chấn chỉnh các trường ĐH có dấu hiệu vi phạm Luật và quy chế tuyển sinh. Trong đó nêu rõ các trường không được thông báo kết quả xét tuyển, kết quả trúng tuyển, điểm trúng tuyển… khi người học chưa tốt nghiệp THPT.
Bộ yêu cầu các trường khẩn trương thực hiện việc báo cáo danh sách giảng viên cơ hữu với các thông tin chuẩn theo yêu cầu của Bộ GDĐT; thực hiện tuyển sinh theo đúng các quy định hiện hành về xác định chỉ tiêu và theo đúng đề án tuyển sinh đã công bố.
Với những trường đào tạo khối ngành sư phạm, sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, việc tuyển sinh phải tuân thủ quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với mọi phương thức xét tuyển, theo đúng Quy chế tuyển sinh.
Đặc biệt, Bộ yêu cầu các trường tự chủ tuyển sinh và phải chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu, xác định điểm trúng tuyển.
Nếu xác định danh sách trúng tuyển dự kiến không sát với thực tế dẫn đến tuyển vượt năng lực, vượt chỉ tiêu đã đăng ký thì nhà trường và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ GDĐT, danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức là danh sách được phần mềm lọc ảo toàn quốc gửi lại trường sau khi lọc ảo lần cuối vào ngày 8/8 (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do trường tải lên hệ thống). Các trường tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.