Ngày 30/4, tại Hội trường Thống Nhất TP HCM, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020).
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất. (Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM).
Buổi lễ lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến, tuy nhiên vẫn thể hệ tính chất trong trọng, với sự tham dự tại điểm cầu Hội trường Thống nhất, gồm đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các địa phương, trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; đại diện lãnh đạo các địa phương phía Nam, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, lão thành cách mạng cùng một số nhân chứng lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ngoài điểm cầu Hội trường Thống Nhất, lễ kỷ niệm được truyền hình trực tiếp và tổ chức trực tuyến tại các điểm cầu Phòng khánh tiết và khu vực trưng bày chiếc xe tăng 390; điểm cầu tại UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP (55 Mạc Đĩnh Chi), Thành đoàn TP và các Sở, ngành, quận, huyện.
Trong diễn văn được trước Hội trường Thống Nhất, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định ý nghĩa của đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã mở ra một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong giây phút trang trọng, xúc động, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân dành sự tri ân đến các lực lượng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cách đây 45 năm: “Trong thời khắc thiêng liêng, xúc động này, chúng ta thành kính tưởng nhớ và đời đời biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam - Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta; chúng ta bày tỏ sự tri ân, biết ơn vô hạn sự cống hiến to lớn của các thế hệ tiền bối cách mạng đi trước, tưởng nhớ biết bao đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chúng ta mãi mãi biết ơn sự hy sinh vô bờ bến của quý Mẹ VNAH, các chiến sĩ của lực lượng tình báo, lực lượng binh vận, các thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, lực lượng thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, của đồng bào, chiến sĩ cả nước, và nhân dân Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn - TP HCM cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, vì cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”.
Thực tiễn phát triển của TP HCM cũng đã tạo ra hành lang đổi mới chính sách của cả nước. Trong đó, Bí thư Thành ủy TP HCM chỉ ra, vai trò của TP HCM đã giúp trung ương chuyển dần cơ chế, chính sách quản lý kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.
Tiêu biểu như các năm 1982, năm 2002 và năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết xác định vị trí và tầm quan trọng của TP HCM. Đặc biệt, năm 2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đây là quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời, phù hợp tình hình phát triển của thành phố sau 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 35 năm đổi mới, giúp thành phố vừa phát huy tốt hơn các thế mạnh truyền thống của mình trong quá trình phát triển, vừa phát huy tốt nhất các nguồn lực trong Nhân dân, trong các nhà đầu tư, đối tác quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển thành phố nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước, cùng cả nước.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định quyết tâm, Đảng bộ TP sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo để phát huy truyền thống, không ngừng đổi mới, sáng tạo phát triển toàn diện vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Mục tiêu hàng đầu là thành phố tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới trong điều kiện bình thường mới, phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ KHCN, thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động.
Song song đó là nhiệm vụ hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường thích ứng biến đổi khí hậu, khơi dậy khát vọng của nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự cường, truyền thống năng động sáng tạo.