TP HCM phải thu hồi hơn 68.000 tỷ đồng từ các vụ án kinh tế, tham nhũng

Thành Luân 04/11/2022 13:43

Tổng số tiền phải thụ lý đối với các án kinh tế, tham nhũng tại TP HCM trong năm 2022 là hơn 68.686 tỷ đồng, trong đó đến nay cơ quan thi hành án dân sự thành phố đã thu hồi được hơn 14.000 tỷ đồng trên tổng số án đủ điều kiện thi hành.

Ngày 4/11, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã dẫn đầu Đoàn giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có buổi giám sát về việc giải quyết, thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Cục Thi hành dân sự (THADS) TP HCM.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì buổi giám sát. (Ảnh: Hồng Phúc).

Cùng tham dự buổi giám sát còn có đại diện các cơ quan tố tụng gồm Tòa án Nhân dân (TAND) TP HCM, Viện Kiểm sát (VKS) Nhân dân TP HCM và đại diện Công an TP HCM. Buổi giám sát do Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực chủ trì.

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Văn Hòa, quyền Cục trưởng Cục THADS TP HCM cho biết, trong tổng số tiền phải thi hành là trên 68.686 tỷ đồng thì đến nay cơ quan THADS TP HCM đã thu hồi được khoảng hơn 14.000 tỷ đồng (35,4%) trên tổng số có điều kiện thi hành.

Ông Nguyễn Văn Hòa, quyền Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP HCM báo cáo công tác THADS với đoàn giám sát. Ảnh: Hồng Phúc.

“Hiện nay, số tiền phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tại Cục THADS TP HCM chiếm tới 76,73% số phải thu hồi của cả nước. Trên thực tế, kết quả thu hồi của thành phố của thành phố đến nay đã đạt được trên 88% tổng số tiền thu hồi đã được thi hành trên cả nước”, ông Hòa cho biết.

Cũng theo đại diện Cục THADS TP HCM, kết quả thu hồi tài sản thất thoát trong án hình sự về tham nhũng, kinh tế nêu trên là kết quả "tích cực nhưng không đạt như mong muốn".

Đó là do tình trạng các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng thường xảy ra trong một thời gian dài mới bị phát hiện để điều tra và đưa ra truy tố, xét xử. Đến thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện thì các đối tượng đã thực hiện việc tẩu tán tài sản hoặc tài sản chiếm đoạt đã bị các đối tượng sử dụng “rửa tiền” cho các cá nhân, tổ chức.

Quyền Cục trưởng Cục THADS TP HCM dẫn chứng trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như có nghĩa vụ thi hành án của bị án Nguyễn Thị Lành là hơn 9.000 tỷ đồng, nhưng tài sản đảm bảo của bị án này chỉ khoảng 10 tỷ đồng, còn lại là không có tài sản đảm bảo, không còn tài sản để thi hành, hồ sơ được xếp vào loại chưa có điều kiện thi hành án.

Hoặc nghĩa vụ phải thi hành của Nguyễn Thiên Lý là gần 1.300 tỷ đồng nhưng Cơ quan thi hành án xử lý tài sản đảm bảo thi hành án của bà Lý chỉ thu hồi được 233 tỷ đồng. Còn lại số tiền hơn 1.062 tỷ đồng, bà Lý không còn tài sản để thi hành.

Cũng tại buổi giám sát, ông Võ Quang Huy, Phó Viện trưởng Viện KSND TP HCM nêu những bất cập, khó khăn rất lớn trong công tác kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử và kiểm sát thi hành án dân sự.

"Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc tài sản không đủ để thi hành án. Trong khi đó, các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng thường xảy ra trong thời gian dài mới xét xử nên bị can, bị cáo đã thực hiện việc tẩu tán tài sản", đại dện Viện KSND TP HCM cho hay.

Theo đại diện Công an TP HCM, thời gian qua nhiều vụ án có tỷ lệ thu hồi cao nhưng vẫn còn một số vụ án có tỷ lệ thu hồi tài sản thấp hoặc chưa thu hồi được tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, điển hình như các vụ "Võ Thanh Tùng can tội Tham ô tài sản" chưa thu hồi được 2,184 tỷ đồng; vụ "Tham ô tài sản" xảy ra tại chi nhánh công ty CP Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam chưa thu hồi được số tiền 6,245 tỷ đồng,...

Các thành viên Đoàn giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại buổi giám sát. Ảnh: Hồng Phúc.

Cũng theo đại diện Công an TP HCM, ngay từ đầu các đối tượng phạm tội đã có ý thức che dấu, tẩu tán tài sản do phạm tội mà có. Ngoài ra, hiện cũng chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát toàn diện thu nhập, tài sản và nguồn hình thành tài sản của người dân, dẫn đến công tác xác minh tài sản bất hợp pháp của các cá nhân liên quan rất khó khăn.

Tại buổi giám sát, đại diện các cơ quan tố tụng của TP HCM cũng đề xuất, kiến nghị các giải pháp để đẩy nhanh công tác thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn. Nhất là, đối với các án kinh tế, tham nhũng lớn, ưu tiên trước hết vào các án đã đủ điều kiện thi hành án đang tồn đọng lại từ các năm trước.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực thay mặt Đoàn Giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ghi nhận các ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị của đại diện các cơ quan Cục THADS TP HCM, TAND TP HCM, Viện KSND TP HCM và đại diện Công an TP HCM.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, từ việc làm rõ những kết quả giải quyết, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế từ 2018 đến nay, sẽ tổng kết được những hạn chế, vướng mắc, khó khăn và bất cập hiện nay trong công tác này. Từ đó, đề ra được những phương hướng, nhiệm vụ hiệu quả cho những năm tiếp theo.

Cũng theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, kết quả giải quyết, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo các tỉnh, thành phố, trong đó có TP HCM sẽ giúp trung ương nắm được nguyên nhân một số vụ việc đến nay chưa hoàn thành việc thu hồi.

Ngoài ra, từ các kiến nghị cụ thể về cơ chế, chính sách pháp luật còn vướng mắc, bất cập (điểm, điều, văn bản pháp luật) tại buổi giám sát cũng được Đoàn Giám sát ghi nhận và chuyển đến các cơ quan liên quan xem xét, tháo gỡ trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP HCM phải thu hồi hơn 68.000 tỷ đồng từ các vụ án kinh tế, tham nhũng