Dự án đường vành đai 3 TPHCM đi qua TPHCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai có vai trò cực kỳ quan trọng ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, sau khi khởi công tới nay, dự án gặp nhiều khó khăn, trong đó công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa được hoàn tất. Vì thế, yêu cầu cấp bách là phải đẩy nhanh tiến độ của dự án này.
Là địa phương duy nhất trong 4 tỉnh, thành phố chưa chính thức khởi công dự án đường vành đai 3, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai diễn ra khá chậm chạp. Đường vành đai 3 TPHCM đi qua địa bàn Đồng Nai được chia làm 2 dự án thành phần. Trong đó đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch dài 8,75km tách thành dự án riêng, gọi là dự án 1A. Dự án này có điểm đầu là đường tỉnh 25B và điểm cuối là nút giao với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tại địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM). Dự án 1A đã được khởi công từ tháng 9/2022 với hạng mục chính là cây cầu bắc qua sông Đồng Nai. Hiện nay, hạng mục cầu này đang có tiến độ tốt, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 nhưng khu vực đường còn lại chưa giải phóng mặt bằng xong.
Bà Nguyễn Thị Giang Hương - Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho biết, dự án có 470 hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện tiến độ giải phóng mặt bằng mới được khoảng 21%. Theo kế hoạch, tới tháng 10/2023 công tác giải phóng mặt bằng của dự án mới dự kiến được hoàn thành.
Cũng nằm trên trục đường vành đai 3 tại địa bàn tỉnh Đồng Nai là đoạn đường từ nút giao đường 25B tới điểm cuối (nút giao cao tốc Bến Lức - Nhơn Trạch) có chiều dài khoảng 5km. Ngoài phần đường chính quy mô cao tốc, dự án còn có đường song hành 2 bên với tổng chiều dài 11,2km. Hiện nay công tác giải phóng mặt bằng cho gói thầu xây dựng đường chính và song hành khá chậm. Dự kiến tới tháng 10/2023 sẽ hoàn thành 50% và tháng 12/2023 sẽ có đủ mặt bằng để thi công. Trước đó, tỉnh Đồng Nai kỳ vọng sẽ tiến hành khởi công dự án đường vành đai 3 với 3 địa phương còn lại nhưng không thể thực hiện được vì chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, dù đã khởi công từ tháng 6/2023 nhưng đến nay dự án đường vành đai 3 qua địa bàn tỉnh Long An đang chậm tiến độ, gặp nhiều khó khăn về vật liệu thi công. Ông Đặng Hoàng Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Long An cho biết, công tác giải phóng mặt bằng của dự án chưa hoàn thành. Hiện còn 88 hộ dân chưa di dời theo kế hoạch để có mặt bằng sạch thi công và 10 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù.
Ngoài ra, phần chồng lấn của dự án vành đai 3 và đường cao tốc Bến Lức-Long Thành (tại nút giao Bến Lức) cũng chưa được giải quyết giữa 2 đơn vị quản lý. Dự án cũng đang thiếu nguồn nguyên liệu cát đắp nền. Hiện một số nhà thầu thi công bị các đơn vị cung cấp cát tạm ngưng vì các mỏ cát khai thác gặp rắc rối pháp lý. Theo đó, một số mỏ cát ở Vĩnh Long, Tiền Giang và Đồng Tháp vừa hết hạn khai thác, mỏ cát ở Trà Vinh chưa được cấp phép và mỏ cát ở An Giang cũng tạm đóng để phục vụ việc thanh tra... cũng ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Được biết, dự án đường vành đai 3 đoạn qua Long An dài 6,84km và chia thành 2 gói thầu với tổng nguồn vốn khoảng 4.200 tỷ đồng. Tỉnh này cam kết hoàn thành dự án theo đúng tiến độ là cuối năm 2025, đầu năm 2026 như kế hoạch.
Trong khi đó, có phần lớn chiều dài đi qua, tiến độ thực hiện dự án đường vành đai 3 ở TPHCM đang được khẩn trương thực hiện. Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TPHCM cho biết từ tháng 9 tới, các gói thầu xây dựng sẽ tập trung xử lý công tác nền đường, gồm cắm bấc thấm, thi công cọc đất gia cố xi - măng … “Từ khi khởi công tới nay, các đơn vị chủ yếu xây dựng nhà điều hành, nhà ở cho công nhân, lắp rào chắn công trình, làm đường tạm thi công hay hoàn thiện các bản vẽ thiết kế. Ngoài ra cũng tiến hành xử lý mặt bằng sạch sau khi các nhà dân tháo dỡ, di dời” - đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông cho biết.
Đường vành đai 3 đi qua TPHCM dài 47km, nằm trên địa bàn TP Thủ Đức và huyện Củ Chi, Hóc Môn. Dự án có tổng nguồn vốn hơn 41.000 tỷ đồng, trong đó 18.000 tỷ đồng phục vụ công tác đền bù giải phóng mặt bằng.