TP Hồ Chí Minh: Thí điểm 'trường trong doanh nghiệp'

Lê Anh 27/05/2016 07:25

Ngày 26/5, tại TP HCM, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp cùng Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các Khu chế xuất, Khu công nghiệp ở Việt Nam”.

Tại Hội thảo, TS Bùi Thế Đức, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, hiện cả nước có khoảng 300 khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) được phân bố ở hầu hết các tỉnh, thành phố, với hơn 2 triệu lao động đang làm việc. Mỗi năm, các KCX, KCN đã đóng góp hơn 80 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu, chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nền kinh tế.

Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất cho đến nay là năng suất lao động ở VN còn rất thấp trong khu vực, thua xa so với các nước phát triển. Tình trạng lao động qua đào tạo ở trình độ cao thất nghiệp nhiều. Riêng quý 1/2016 cả nước có 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.

Cũng theo TS Đức, công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ công nhân có tay nghề cao hiện nay còn nhiều yếu kém, bất cập. Việc kết nối giữa đào tạo với việc sử dụng lao động ở các DN còn hạn chế, chất lượng và cơ cấu nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của các DN. Năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp so với khu vực, thua xa so với các nước phát triển. Một số tỉnh có tới 80% sinh viên ra trường làm trái nghề. Nhiều KCN chỉ có khoảng 20% lao động qua đào tạo có bằng chuyên môn kỹ thuật.

Các ý kiến tại Hội thảo cũng chỉ ra, tình trạng lao động phổ thông còn chiếm quá lớn trong cơ cấu lao động, trung bình khoảng 80%, dẫn đến nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài không tuyển đủ được nhân lực.

Tại Hội thảo, chuyên gia Host Sumer - Giám đốc Tổ chức Hợp tác phát triển nghề Cộng hòa Liên bang Đức gợi ý, Việt Nam nên mạnh dạn thử nghiệm nhiều mô hình để lựa chọn mô hình phù hợp nhất về đào tạo nghề trong nước, thay vì tự bó buộc vào văn bản, nghị quyết,….

Theo ông Host Sumer, ở Đức có mô hình học ngay tại nơi làm việc và học tại nhà trường. Mô hình này đã giúp tỷ lệ thất nghiệp ở Đức rất thấp so với các nước khác ở châu Âu.

Đề xuất mô hình phù hợp, TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, để nâng cao chất lượng nhân lực trực tiếp cho các KCN, KCX thì vấn đề cốt lõi là phải tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, cần khuyến khích hình thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm đào tạo tại KCN, xây dựng mô hình “trường trong doanh nghiệp”.

Đặc biệt, đối với mô hình “trường trong doanh nghiệp” được nhiều ý kiến DN tại TP HCM đồng tình, và cho rằng nếu sinh viên, học sinh học nghề được thực hành ngay tại DN và nếu chính các DN này mở rộng đầu vào đón các em thì sẽ nâng cao được chất lượng đào tạo nghề so với thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Thí điểm 'trường trong doanh nghiệp'