Ngày 14/4, tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba bầu cử ĐBQH khóa XIV, với tinh thần xây dựng có trách nhiệm của người Mặt trận khi ở trong vai trò hiệp thương, giới thiệu, hội nghị đã thực sự nóng bởi bầu không khí dân chủ, thẳng thắn từ nhiều ý kiến trực diện của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Theo ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, các hội nghị hiệp thương có tính chất rất quan trọng, đặc biệt là hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Hội nghị hiệp thương lần đầu quyết định công việc hội nghị lần sau. Nếu hội nghị lần đầu làm chặt chẽ quá thì sẽ gây khó khăn cho hội nghị lần sau trong việc chốt danh sách làm sao đảm bảo được số dư hợp lý.
Cũng theo ông Lê Truyền, Quốc hội khóa 13 đặt ra nhiều hy vọng và có thể nói “hơi áp lực” cho công tác tiến hành bầu cử ĐBQH khóa 14, cho cả những người ứng cử và cho cả công tác bầu cử. Đó cũng là trách nhiệm lớn lao của Mặt trận trong công tác bầu cử lần này. Tuy nhiên, ông Truyền cho rằng, còn rất nhiều việc trong quá trình bầu cử mà nhân dân mong muốn.
“ Quốc hội vừa rồi kiện toàn rất nhanh các danh sách của Chính phủ để đảm bảo cho sự phát triển đất nước. Công cuộc bầu cử cũng đồng thời diễn ra đúng vào lúc bầu cử các lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ. Vì vậy, theo tôi phải làm sao phải rút ngắn, bớt đi những gì mang tính chất chuyển giao, liên hoan, hội họp. Chúng ta phải làm nhanh để có sự chuyển động tích cực” ông Lê Truyền khẳng định.
Ông Đỗ Duy Thường, uỷ viên Đoàn Chủ tịch phát biểu tại Hội nghị.
Trao đổi với hội nghị về ba hội nghị hiệp thương, ông Đỗ Duy Thường, uỷ viên Đoàn Chủ tịch cho rằng, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất có số lượng người ứng cử là 198 nhưng hội nghị hiệp thương lần thứ 2 là 197.
“Tuy nhiên trước hội nghị hiệp thương lần thứ 3 chưa có giải trình về số lượng cụ thể. Đặc biệt, về đơn thư, khiếu nại, tố cáo Mặt trận nhận được 3 trường hợp khiếu nại và đã gửi tới Hội đồng bầu cử Quốc gia giải quyết nhưng Hội đồng bầu cử Quốc gia chưa có thông báo trong các trường hợp đó có vấn đề gì không mà chỉ nói trong đơn là tố cáo không đúng, những đơn đó có liên quan đến 197 người do Mặt trận hiệp thương giới thiệu hay không?”, ông Thường nêu vấn đề.
Là người có nhiều năm công tác trong Đoàn Chủ tịch, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hoá xã hội chia sẻ, nhiều người hỏi ông, làm sao để Quốc hội khóa tới tránh hình thức. Bởi có tình trạng một số đồng chí khi được bầu vào một số chức vụ đã tổ chức tiệc ăn mừng rất lớn. Trước tình trạng này, ông Nguyễn Túc nêu trăn trở, Đoàn Chủ tịch nên suy nghĩ xem chúng ta đã thực sự làm đủ trách nhiệm của mình đối với những người ứng cử và quá trình giám sát đã sát chưa.
“Mặt trận giới thiệu danh sách nhưng tại sao không có trách nhiệm giám sát người giới thiệu. Một năm có 2 lần Đoàn Chủ tịch họp nhưng chúng ta liệu có buông? Trách nhiệm giới thiệu và trách nhiệm giám sát phải thuộc về Mặt trận”, ông Nguyễn Túc khẳng định.
Tại Hội nghị,Ông Nguyễn Bá Duyệt, Tổng thư ký Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cho rằng, cần sớm giải quyết những băn khoăn trong dân. Được dự nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú, lắng nghe những đóng góp ý kiến của dân với người được giới thiệu, tôi thấy nhân dân đóng góp rất sát sao với việc lối sống của vị đó ở khu dân cư như thế nào, quan hệ với khu dân cư ra sao. Tuy nhiên cũng còn một số quan niệm cảm tính như cán bộ ở cơ sở có khuyết điểm thì “kéo” về Trung ương. Hiện vẫn còn suy nghĩ ấy trong dân. Tôi nghĩ chúng ta nên sớm giải quyết những băn khoăn, suy nghĩ đó. Đặc biệt phải làm thế nào để sự lựa chọn của Đoàn chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam là phải đảm bảo được độ tin cậy cao. Trên thực tế, việc tăng cường cán bộ từ cấp trên về cơ sở với một mục đích không phải giới thiệu về để thay thế mà được đưa về cơ sở là để thử thách xem vị đó có làm được không, có gây được tín nhiệm với cơ sở, nhân dân không. Đây chính là sự rèn luyện.
Ông Phạm Xuân Hằng, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch nêu ý kiến: Đây là hội nghị quan trọng trước nhân dân, trước lịch sử thì chúng ta có nhiệm vụ sàng lọc, giới thiệu cho dân những ứng cử viên để bầu được ai trúng cũng mừng mà những ai trượt thì tiếc. Trong Luật Bầu cử của chúng ta hôm nay thì việc lấy ý kiến của cử tri gần với ứng cử viên là sự tiến bộ rồi nhưng đây không phải là tiến bộ tuyệt đối mà chỉ tương đối vì nhiều cái dân còn không biết. Ví dụ việc kê khai tài sản nếu không nói thì sao dân biết được. Sau này nhiều đồng chí về hưu báo chí đưa ra thì mới bị phanh thui. Nguyên nhân của việc này không phải chúng ta không làm hết trách nhiệm với nhân dân với lịch sử mà chúng ta chỉ biết thông tin đến đó. Tôi nghĩ rằng đã có một quy trình là lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú cũng là bước tiến bộ để thêm thông tin nhưng chúng ta phải dựa vào dân để đổi mới. Dựa vào dân phải tin dân.