Thấy con xuất ngoại lao động, nhiều cha mẹ, người thân nuôi hi vọng nơi đất khách cực nhọc họ sẽ có được đồng vốn nho nhỏ để chăm lo cho gia đình và làm ăn. Thế nhưng từ hy vọng, họ lại băn khoăn như ngồi trên đống lửa, thậm chí phải chạy vạy, vay tiền chỉ mong cứu được con về nước.
Chị Nguyễn Thị Chiến (người ngoài cùng, bên trái) hiện đang giúp việc ở Ảrập Xêut chia sẻ hình ảnh với bạn giúp việc người Philippines.
Vay tiền chuộc con
Cho đến bây giờ, gia đình ông Hồ Đức Sinh, cha ruột chị Hồ Thảo Nguyên vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhận được tin con gái từ Ả Rập Xêút gọi về cầu cứu rằng bị người ta ngược đãi, đánh đập. Nghe xong điện thoại của con gái, ông Sinh đã gọi cho người giới thiệu là bà Liên và phía Công ty Quang Trung, đề nghị họ can thiệp để đưa con gái về nước.
Chưa hỏi thăm tình hình sức khỏe người lao động bị đánh đập, ngược đãi ra sao, phía Công ty Quang Trung đã yêu cầu ông Sinh phải lo đủ 4.000 USD “tiền chuộc” thì mới đưa con gái ông về.
Ông Sinh chia sẻ: “Nghe họ thông báo vậy cả gia đình tôi như ngồi trên đống lửa. Thương con khổ cực nơi đất khách, tôi đã họp gia đình, dù khó khăn tôi phải vay mượn khắp nơi cho đủ tiền để mong chuộc con về. Cháu nó vất vả lắm, chồng mất vì tai nạn giao thông, một mình lại nuôi 2 con nhỏ, nghề nghiệp không có chỉ đi làm thuê làm mướn cho người ta trang trải cuộc sống. Thấy người ta giới thiệu đi lao động, nghĩ đi mấy năm kiếm được chút vốn về làm ăn, ai ngờ lại ra cơ sự này”.
Ông Sinh kể, khi đang xoay xở lo tiền cho con thì nhận được tin con gái báo đã về tới sân bay Nội Bài, nhưng trong người không có tiền để về nhà. Ông Sinh vội tức tốc bay ra Hà Nội đón con.
Đang đi làm ruộng, nhận được tin chị Hằng gọi về cầu cứu, bà Bùi Thị Phước, mẹ chị Hằng cũng không tin vào tai mình. Chồng vừa mất vì bạo bệnh, gia đình cũng khó khăn, nghe Công ty bắt bồi thường 80 triệu đồng mới đưa con về, bà Phước như chết lặng cả người. Biết là khổ sở, khó khăn nhưng không thể không cứu con mình.
Bà Phước đã chạy vạy đi vay mượn anh em bà con. Trong lúc đang gom tiền chuộc con thì chị Hằng báo mình đã được trả về nước và giờ đang bắt xe về nhà.
Bà tâm sự: “Con bé Hằng cũng thiệt thòi. Ở nhà ngoài công việc đồng ruộng ra, nó cũng phải một mình vừa làm thuê, làm mướn nuôi đứa con trai học lớp 7, vừa phải chữa bệnh cho con. Cứ nghĩ qua bên đó làm có ít tiền về trang trải cho cuộc sông đỡ vất vả, ai ngờ lại phải chịu khổ cực, tủi nhục như thế. Cũng may mà nó còn nguyên thân xác trở về”.
Theo chị Hằng, khi thấy chủ nhà đối xử tệ bạc, ngược đãi, chị đã gọi điện về Công ty yêu cầu giải quyết, thế nhưng ông Đỗ Văn Dũng (Giám đốc Công ty Quang Trung lúc đó) lại chửi bới không chịu giải quyết. Sau khi ra trình báo với các đối tượng môi giới ở Ả Rập Xêút sự việc bị đối xử, phía công ty ở Việt Nam đã cử người bay qua yêu cầu chị Hằng đổi chủ khác, nếu không đổi chủ thì sẽ cho vào trại tị nạn.
Nếu chị Hằng cứ một mực đòi về thì phải bồi thường hợp đồng 4.000 USD. Bức xúc trước việc làm của lãnh đạo và nhân viên Công ty Quang Trung chị Hằng đã yêu cầu là phải đưa chị về nước. Phía môi giới ở Ả Rập Xêút đã hỗ trợ mua tiền vế máy bay trả chị về. Còn phía Công ty Quang Trung tức Công ty Bimexco và những người môi giới thì không một chút quan tâm.
Tha thiết về nước
Từ Zalo của chị Đinh Thị Kim Huệ, chúng tôi liên hệ được với chị Nguyễn Thị Chiến (có hộ khẩu thường trú tại xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), người được Công ty Quang Trung đưa đi lao động cùng đợt với chị Nguyên và chị Hằng, hiện đang làm giúp việc nhà cho chủ sử dụng ở Ả Rập Xêút. Chị cho biết, cuộc sống bên đó buồn lắm, chị rất muốn được về nhà.
Chia sẻ qua Zalo với chị Huệ, chị Chiến kể: “Hôm nào cũng 12 giờ mới được đi ngủ. 6 giờ sáng dậy rồi Huệ à. Có hôm 2, 3 giờ sáng chủ nhà mới cho đi ngủ”. “Huệ à, chị chán, đang muốn về Việt Nam đây. Làm lương chỉ bằng bên Việt Nam đi làm công ty thôi mà phải làm từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm mới được đi ngủ”- chị Chiến than thở.
Hơn 1 năm bên đất khách, chị Chiến ít được đi ra khỏi nhà, suốt ngày chỉ loanh quanh dọn dẹp lau nhà từ tầng trên xuống tầng dưới rồi nấu ăn cho gia chủ. Các ngày lễ, nghỉ của họ, chị cũng không được nghỉ.
Tuy không bị đối xử tệ bạc như các chị em khác (vì chị Chiến làm việc cho một gia đình cảnh sát) nhưng số tiền lương chị nhận được chỉ bằng chị đi làm công ty trong nước gần nhà.
Theo chị, mức lương này không xứng đáng với công sức chị bỏ ra một ngày từ 18 đến 20 tiếng đồng hồ. Chị Chiến mong sớm về nước đoàn tụ với gia đình.
Một trường hợp khác là chị Hà người Hà Tĩnh, được Công ty Quang Trung đưa đi lao động làm việc nhà ở Ả Rập Xêút cũng tha thiết mong muốn được về nước, vì những thỏa thuận trong hợp đồng không được giới chủ người Ả Rập thực thi đúng.
Chị Hà và chị Hằng sang Ả Rập Xêút cùng ngày, làm việc gần nhau. Chị Hà làm giúp việc cho gia đình con trai; còn chị Hằng làm giúp việc cho gia đình bà mẹ. Từ khi chị Hằng về Việt Nam đến nay, thì Zalo hay Face Book của chị Hà không liên lạc được.
Theo chị Hằng, có thể phát hiện chị đã được về, gia đình chủ nhà đã thu điện thoại của chị Hà và không cho liên lạc. Trước khi về chị Hằng và chị Nguyên từng bị chủ nhà lục lọi lấy lại tất cả điện thoại, tiền bạc và không cho đem bất cứ thứ gì về nước.
Trong lúc chia sẻ với chúng tôi chị Nguyên, chị Hằng và chị Huệ đều luôn lo lắng đặt câu hỏi: không biết mấy chị em nhà H’Chinh, H’Zim, H’Noan giờ ra sao? Nhiều tháng qua những người này không liên lạc được qua Zalo, Face book.
Được biết, sau khi việc đưa chị Nguyên, chị Hằng đi không thành, gia đình bà Liên không còn làm cho Công ty Quang Trung nữa mà chuyển sang làm cho Văn phòng đại diện tại Đắk Lắk của Công ty Cổ phần cung ứng nhân lực Việt-Nhật (địa chỉ tại số 75 Nguyễn Hữu Thọ, Phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột).
Chị Nguyên thì đã an toàn trở về thế nhưng còn đó món nợ vay phải trả. Khi chị có ý định làm đơn tố cáo những hành vi đưa người đi lao động nhưng không đảm bảo quyền lợi giống như hợp đồng thì một số đối tượng đã tìm về nhà, gọi điện đe dọa chị không được làm ầm ĩ việc này lên.
Chị Nguyên chia sẻ: “Mới đây có người gọi điện bảo thương lượng với tôi, để tôi không làm đơn nữa. Tôi cũng lo lắng nếu bản thân và con cái có chuyện gì xảy ra”.
Còn theo ông Sinh, bố chị Nguyên, sự việc của gia đình, ông đã báo lên cơ quan chức năng. Công an tỉnh Đắk Lắk đã cử người về nắm thông tin, thế nhưng đến nay hơn 1 năm vẫn chưa thấy có trả lời.
(Còn nữa)