Việc lựa chọn nghề nghiệp luôn là vấn đề đau đầu, không chỉ của các em học sinh, mà của cả các phụ huynh, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, dù đã được tư vấn hướng nghiệp rất nhiều, được suy nghĩ suốt 12 năm học, nhưng vẫn có những bạn ra trường nói rằng mình đã chọn nhầm nghề.
Lựa chọn nghề nghiệp luôn là vấn đề đau đầu không chỉ của học sinh.
Nhận biết nghề mình nên theo đuổi
Mới đây, tại Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu đã có cuộc chia sẻ với các em học sinh về vấn đề lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.Tại buổi nói chuyện, câu hỏi mà ông nhận được nhiều nhất, đó là: Làm sao để biết đâu là nghề nghiệp mà mình nên theo đuổi, khi có quá nhiều ước mơ?
Em Nguyễn Tuấn Hùng, học sinh lớp 12 Trường THPT Cầu Giấy băn khoăn: Cuộc sống có nhiều thứ tác động đến việc lựa chọn nghề nghiệp của em. Ví dụ như bố mẹ, môi trường, hay qua sách báo, phim truyện… Và chính bản thân em cũng chưa biết chắc chắn đâu là ước muốn về nghề nghiệp thực sự của mình. Có lúc em muốn trở thành nhà Sử học, lúc lại muốn khám phá vũ trụ…
Tương tự, một em học sinh khác cũng cho hay: Em rất thích nghề giáo viên, nhưng cũng lại thích làm điều dưỡng trong bệnh viện. Vậy em phải chọn nghề gì?
Chính những câu hỏi như thế này, và thêm cả những trăn trở của bản thân khi thấy có quá nhiều sinh viên thất nghiệp, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ mong muốn mở ra các câu lạc bộ trải nghiệm nghề nghiệp cho học sinh. Bằng việc trải nghiệm các ngành nghề khác nhau, các em sẽ biết được đâu là hướng đi của mình.
Theo GS Ngô Bảo Châu, thuyết tốt nhất để các em hướng nghiệp là cho các em thử nghiệm, để các em thấy đâu là sở thích và phù hợp với khả năng của mình. Như vậy lên đại học sẽ ít rủi ro hơn. Các em có thể tham gia tại những CLB của “Vườn ươm tài năng”, hoặc một số Câu lạc bộ trải nghiệm nghề nghiệp khác.
Đặc biệt, hiện nay tại các nhà trường cũng đã bắt đầu cho học sinh làm quen với mô hình hướng nghiệp này, giúp các em thử nghiệm nhiều nghề nghiệp khác nhau, xem đâu là nghề phù hợp nhất với mình…
Cần nuôi dưỡng đam mê
Hiện nay, ngoài “Vườn ươm tài năng” của GS Ngô Bảo Châu, mô hình trải nghiệm nghề nghiệp trong trường phổ thông cũng đang được các nhà trường chú ý. Ví dụ như hoạt động trải nghiệm khoa học, nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh vừa được trường THCS Trưng Vương tổ chức. Qua các tác phẩm sáng tạo, các em học sinh đã phần nào nhận thức được ước mơ của mình.
Em Nguyễn Khánh Chi chia sẻ: Trải nghiệm làm nhà sáng chế khiến em tự tin hơn, giúp em khám phá ra khía cạnh khác ở bản thân mình, khẳng định được bản thân. “Trong học hành, có thể em không giỏi bằng các bạn nhưng sáng tạo khoa học em vượt qua. Và đây có thể là định hướng mà em cần theo đuổi” – Chi tâm sự.
Trao đổi về hoạt động hướng nghiệp này, bà Trần Thị Thanh Thảo - Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương cho hay: Định hướng nghề là hướng đi quan trọng của các em học sinh, vì vậy cần cung cấp cho các em hiểu biết. “Qua việc cho các em thực hiện ý tưởng của mình, tôi nhận thấy các em rất hứng thú tham gia. Đây là phương pháp định hướng nghề rất hay mà các nhà trường nên thực hiện” – bà Thảo nhấn mạnh.
Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Dương Trọng Tấn, chuyên gia nghiên cứu về giáo dục khẳng định: Việc cho các em được trải nghiệm nghề là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, để các bạn học sinh không lựa chọn nghề sai, ông Tấn cũng đưa ra lời khuyên: Ngoài chuyện đam mê, các em hãy nhìn nhận thêm về năng lực và khả năng chấp nhận của thị trường. Làm thế nào để giao hòa ba nhân tố: chọn được nghề nào đó mà mình có thể làm tốt; thứ hai là thị trường có chấp nhận tốt với nghề đó (như vậy thì các em có thể dễ dàng có được việc); và điều thứ ba, cũng quan trọng không kém nếu như muốn thành công nhanh và mạnh, đó là phải có sự yêu thích, đam mê.
Về phía các phụ huynh, ông Tấn cũng cho rằng, không nên quá áp đặt sở thích, nguyện vọng của mình lên con cái. Bởi vì, “bao giờ cũng có những khoảng cách về thế hệ. Tư duy của bố mẹ trong thời đại hiện nay có nhiều khả năng sẽ không đúng, nên đừng áp đặt quá nhiều cho con”.