Một số vụ việc xảy ra trong nhà trường thời gian gần đây đã đặt ra vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho trẻ để có thể ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy đến. Lâu nay kỹ năng sống cho trẻ vốn là điểm yếu và ít được quan tâm. Giáo dục kỹ năng sống mới chỉ được một số trường chú ý, còn thì vẫn nặng dạy chữ hơn dạy người.
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Phan Thái Bình - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cùng với việc dạy chữ, cần phải giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ ngay từ lúc còn nhỏ.
Ông Phan Thái Bình.
PV: Thưa ông, từ một số vụ việc nóng trong dư luận gần đây xảy ra trong nhà trường; như việc “đánh hội đồng” học sinh, thầy giáo sàm sỡ học trò…, phải chăng đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đến việc tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ để có thể ứng phó trong các tình huống khẩn cấp?
Ông Phan Thái Bình: Hiện trường học cũng như gia đình chưa làm tốt việc giáo dục cho trẻ em, học sinh khó thoát khỏi sự xâm hại trong các tình huống xấu. Cùng với việc dạy chữ, chúng ta cần giảng dạy kỹ năng sống, dạy cho các cháu ngay từ lúc còn nhỏ có kỹ năng ứng xử với các vấn đề trong xã hội. Tất nhiên việc dạy kỹ năng sống cần phù hợp với độ tuổi của các em, tạo cho trẻ em có tính tự lập ngay từ nhỏ. Do đó kỹ năng sống cần phải được đưa vào trong quá trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy. Tại các nước tiên tiến, các nước phát triển họ đào tạo cho các em kỹ năng sống ngay từ trên ghế nhà trường từ nhỏ. Họ còn lồng ghép cả nội dung giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho học sinh vào chương trình giáo dục một cách rất hiệu quả. Giáo dục luôn gắn liền với thực tiễn. Đảm bảo học đi đôi với hành là như vậy, còn thì học kiến thức rất nhiều nhưng vận dụng lại lúng lúng chính là do không gắn liền với thực tiễn ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, và theo tôi đó là vấn đề rất quan trọng.
Như vậy có thể nói rằng trẻ em thiếu sự phản ứng trước các “tác động” của người lớn, của những hành vi xấu đến với mình, thưa ông?
- Cái này chính là kỹ năng tự vệ. Rất cần giáo dục cho các em về kỹ năng tự vệ, kỹ năng ứng xử trong các tình huống ở ngoài xã hội, đồng thời kỹ năng sống trong gia đình, kỹ năng đối xử với bạn bè, kỹ năng đối xử với người lớn. Đặc biệt quan trọng là kỹ năng vận dụng những kiến thức trong nhà trường vào thực tiễn cuộc sống và đó là vấn đề rất quan trọng, bởi cuộc sống rất rộng, có nhiều vấn đề chứ không chỉ đòi hỏi kỹ năng phòng vệ cho nên làm sao để trẻ em, học sinh có thể có được kỹ năng vận dụng những kiến thức nhà trường giảng dạy vào thực tiễn cuộc sống để có khả năng ứng phó với các tình huống.
Ông vừa đề cập đến vấn đề ứng phó với các tình huống, nhưng ông nghĩ sao trong vụ một học sinh lớp 9 bị bạn đánh hội đồng vẫn không thể thoát ra khỏi tình huống, và sau đó là nhờ cậy sự giúp đỡ của gia đình, hay nhà trường mà chỉ biết im lặng?
- Đây là vấn đề khó vì nhiều người đánh một người nên khó có khả năng chống đỡ. Tuy nhiên cần phải dạy cho các em biết kỹ năng ứng xử với các tình huống khi không có người lớn đi cùng để các em có thể ứng xử một cách độc lập. Nhất là hiện nay nhiều gia đình có bố, mẹ bận bịu, nhiều công việc nên các em càng cần phải có kỹ năng, khả năng tự lập, rồi tự ứng xử trong các tình huống. Đó là vấn đề rất quan trọng chứ đâu phải lúc nào bố mẹ hay thầy cô cũng theo kịp ở bên cạnh.
Tôi nhắc lại, nhà trường, gia đình cần chú trọng tới việc dạy cho trẻ kỹ năng sống thay vì truyền đạt phương thức giáo dục như hiện nay là nặng dạy chữ hơn dạy người. Trong nhà trường, kiến thức lý thuyết phải được gắn liền với thực hành, phải cho các cháu tiếp cận dần với thực tế.
Cũng cần nói thêm rằng, cần đến tầm nhìn, tính dự báo trong xây dựng pháp luật, đặc biệt là những quy định không theo kịp cuộc sống. Trong khi có các quy định pháp luật tại thời điểm chúng ta xây dựng ban hành có vẻ không phù hợp, chưa dự báo được hết các diễn biến trong xã hội cho nên thực tại pháp luật nhiều cái theo không kịp, nhiều cái được thông qua không sát với thực tiễn. Điều quan trọng trong xây dựng pháp luật là phải có tính dự báo, phải quan tâm đến đánh giá tác động và hướng dự báo trong tương lai. Luật pháp của ta vẫn chưa thật sự đủ sức răn đe, chưa thật sự chặt chẽ để trừng trị thích đáng những kẻ xâm hại, nhất là đối với trẻ em. Vì vậy, theo tôi, cần phải nhanh chóng sửa vì nó đã không còn phù hợp.
Trân trọng cảm ơn ông!