Được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ của vùng đất Nam Bộ, tiểu thuyết “Hà Hương phong nguyệt” của tác giả Lê Hoằng Mưu lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng (bản in thành sách) vào năm 1914 với tên gọi “Chuyện nàng Hà Hương”.
Tiểu thuyết “Hà Hương phong nguyệt” vừa được ra mắt sau 105 năm.
Tuy nhiên, trước đó vào năm 1912, tác phẩm này được tác giả giới thiệu tới độc giả trên báo “Nông cổ mín đàm” ở Sài Gòn theo hình thức in từng đoạn, kéo dài tới năm 1915.
Điều đặc biệt, sau khi được in thành sách tác phẩm này đã bị nhà cầm quyền thời bấy giờ (thực dân Pháp) thu hồi, tiêu hủy. Đến nay, sau 105 năm, cuốn sách này đã được nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn sưu tầm và giới thiệu tới độc giả.
Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn, do cuốn sách xuất hiện đã lâu, lại bị tiêu hủy nên đến nay, tất cả các thư viện đều không có lưu trữ đầy đủ gì nội dung tiểu thuyết này. Chỉ có một vài thư viện có lưu lại các số báo “Nông cổ mín đàm” có in rải rác chương hồi của cuốn tiểu thuyết này nhưng không đầy đủ.
Vì thế, ông đã mất nhiều công sức, nhất là việc đi tìm ở các thư viện nước ngoài để có được nội dung đầy đủ của cuốn sách này. Khi tác phẩm xuất hiện, vùng đất Nam Bộ đã sử dụng chữ Quốc ngữ nhiều nhưng miền Trung và miền Bắc lúc bấy giờ vẫn còn nằm dưới sự cai quản của nhà Nguyễn nên chữ Quốc ngữ vẫn khá hạn chế, chưa phải là chữ viết quốc gia. Đó cũng là ý nghĩa quan trọng của cuốn sách này.
Ngược lại, nhiều nhà nghiên cứu khác lại cho rằng, “Hà Hương phong nguyệt” chưa hẳn đã là tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên, vì trước đó nhiều cuốn sách dài, viết theo thể biền ngẫu chương hồi đã xuất hiện nhưng bị khuyết danh, truyền miệng. Đặc biệt, cuốn “Hà Hương phong nguyệt” được viết từng kỳ trên báo, vì quá ăn khách thời bấy giờ nên tác giả gộp lại, in thành sách và cho tới năm 1915, cuốn sách chưa kết thúc nên chưa thể gọi đây là cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh!
Được biết, tác giả Lê Hoằng Mưu (1879-1941) sinh tại Bến Tre nhưng sống tại Sài Gòn. Ông là nhà báo, nhà văn nổi tiếng tại Nam Bộ đầu thế kỷ 20 với nhiều tác phẩm rất ăn khách. Cuốn “Hà Hương phong nguyệt” là tác phẩm gắn liền với tên tuổi ông nhưng bị nhiều nhà văn đương thời cho là trái với thuần phong mỹ tục khi nội dung chính của cuốn sách nói về nàng Hà Hương có lối sống phóng khoáng, ham sắc dục. Đó là điều mà phần đông các nhà văn thời đó chưa thực sự đồng tình.