Hình ảnh các quan chức chính phủ Trung Quốc đeo khẩu trang chuyên dụng dành cho các nhân viên y tế đối phó với virus corona đã làm dấy lên nhiều tranh cãi tại nước này.
Ảnh chụp màn hình từ đoạn video ghi lại cảnh quan chức Trung Quốc đeo khẩu trang chuyên dụng N95 trong khi các bác sĩ chỉ đeo khẩu trang y tế thông thường. (Ảnh: Weibo).
Mạng xã hội Trung Quốc trong 2 tuần vừa qua xuất hiện nhiều bức ảnh ghi lại cảnh các nhân viên y tế nước này phải tự chế đồ bảo hộ từ túi đựng rác, ngủ ngay tại bệnh viện, hay bật khóc vì thất vọng và kiệt sức trong cuộc chiến đối phó với dịch viêm phổi do virus corona mới gây ra. Những hình ảnh này đã nhận được sự đồng cảm từ công chúng và nhiều đồ dùng, trang thiết bị đã được quyên góp cho các nhân viên y tế nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt khẩu trang, đồ bảo hộ… tại các bệnh viện ở Trung Quốc.
Một video được đăng trên Beijing News ngày 2/2 dường như cho thấy chính các quan chức chính phủ Trung Quốc, chứ không phải các y bác sĩ, mới là những người được nhận các đồ dùng được quyên tặng.
Một thông báo từ chính quyền thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh, cho biết các quan chức tham dự cuộc họp được tổ chức hôm 1/2 về việc cung cấp trang thiết bị khẩn cấp cho các nhân viên y tế đã được “nhận khẩu trang và các đồ bảo hộ liên quan” từ Hội Chữ Thập đỏ Trung Quốc.
Những hình ảnh được công bố sau đó cho thấy các quan chức đã đeo khẩu trang N95 chuyên dụng dành cho các y bác sĩ điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona. Trong khi đó, các bác sĩ chỉ đeo khẩu trang y tế thông thường.
Cộng đồng mạng đã nhanh chóng chỉ trích thông báo của chính quyền Vũ Hán, cũng như đoạn video với hình ảnh quan chức Trung Quốc đeo khẩu trang chuyên dụng. Đoạn video này thu hút hơn 2 triệu lượt xem và nhiều bình luận.
“Những đồ dùng này dành cho các bác sĩ, không phải dành cho chính phủ”, một người bình luận.
“Họ vẫn đang sử dụng cách nói chuyện quan liêu, hoàn toàn không chân thành như vậy với người dân?”, một người khác bình luận.
Một số người khác đã chỉ trích những đặc quyền mà các quan chức Trung Quốc đã được hưởng so với người dân. Trên khắp cả nước, người Trung Quốc đang phải “vật lộn” để mua khẩu trang và các thiết bị bảo hộ nhằm đối phó với virus corona.
Cả các quan chức địa phương và trung ương Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng phản ứng giận dữ từ người dân về cách thức họ ứng phó với dịch bệnh do virus corona mới gây ra. Dịch bệnh nguy hiểm này khiến hơn 300 người thiệt mạng và hơn 14.000 người bị lây nhiễm.
Nhiều quan chức địa phương đang phải gánh hậu quả từ sự chỉ trích của dư luận. Tại tỉnh Hồ Bắc, nơi có “ổ dịch” Vũ Hán, một quan chức y tế đã bị sa thải khi tỏ ra lúng túng trong việc trả lời những câu hỏi cơ bản về số ca nhiễm bệnh cũng như số giường bệnh có sẵn để điều trị bệnh nhân tại thành phố Hoàng Cương - địa bàn thuộc quyền quản lý của quan chức này.
Ngày 2/2, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin 337 quan chức tại Hồ Bắc đã bị “xử phạt”, trong đó có 6 quan chức cấp địa phương bị sa thải.
Người dân Trung Quốc đổ lỗi cho quan chức nước này về việc trong suốt nhiều tuần tuyên bố rằng, virus corona có thể kiểm soát được, đồng thời phớt lờ cũng như che đậy các dấu hiệu cho thấy dịch bệnh có nguy cơ bùng phát nghiêm trọng.
Ngày 1/2, một bác sĩ tại Vũ Hán, người từng tìm cách cảnh báo đồng nghiệp và bạn bè về virus corona từ tháng 12 năm ngoái trước khi bị cảnh sát “bịt miệng”, cho biết chính ông đã bị nhiễm virus này.
Li Wenliang, một bác sĩ chuyên về mắt tại bệnh viện trung tâm Vũ Hán, là một trong 8 bác sĩ bị cảnh sát địa phương xử phạt vì “tung tin đồn” khi họ tìm cách cảnh báo cộng đồng về virus corona hồi tháng 12 năm ngoái. Vài tuần sau đó, giới chức Trung Quốc chính thức xác nhận mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh này.