Văn hóa

Tranh giấy dó của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đối thoại với nhạc cổ điển phương Tây

LAN DUNG 10/03/2024 07:11

Bộ tranh 12 con giáp rất độc đáo của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm được triển lãm tại thành phố Đà Lạt, trong khuôn khổ Lễ hội Âm nhạc cổ điển Việt Nam 2024. Triển lãm có tên "Nguyễn Tư Nghiêm - Đối thoại với nhạc cổ điển phương Tây", diễn ra từ ngày 10 đến 17/3.

bai-phu.jpg
Tác phẩm “Canh Thìn, 2000”, màu nước trên giấy dó, 42cmx30cm.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - một trong tứ trụ hiện đại của hội họa Việt Nam: "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái". Sinh thời, ông đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu và “mở hướng” với tranh con giáp, với các chất liệu và kích thước khác nhau.

Những tác phẩm trong triển lãm này được ông sáng tác trong giai đoạn từ năm 1993 đến năm 2011 trên chất liệu bột màu và màu nước giấy dó. Bộ tranh 12 con giáp thuộc bộ sưu tập tranh của pianist Trần Lê Bảo Quyên. Cô là chắt ngoại của nhà văn Nguyễn Tuân (cha của bà Thu Giang, vợ danh họa Nguyễn Tư Nghiêm).

Về mối lương duyên với hội họa, pianist Trần Lê Bảo Quyên chia sẻ mẹ cô là người thích sưu tầm tranh nên từ nhỏ, ngoài tình yêu cháy bỏng với piano, cô cũng thừa hưởng tình yêu tranh giống mẹ. Trong những năm tháng sống xa nhà để sang châu Âu học tập và làm việc, bức tranh con giáp đậm nét văn hóa dân tộc của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm mà cô mang theo trở nên quý giá hơn bất cứ báu vật nào trên đời và khiến cô càng thêm yêu quê hương.

Nhân dịp về nước tham gia Lễ hội Âm nhạc Cổ điển Đà Lạt 2024, Bảo Quyên quyết định trưng bày bộ sưu tập tranh 12 con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm để cô có cơ hội gặp gỡ những người yêu nghệ thuật tại thành phố ngàn thông.

Trong thời gian diễn ra triển lãm, sẽ có hai buổi trình diễn âm nhạc do chính cô lên ý tưởng, biên soạn để tạo nên cuộc đối thoại nghệ thuật thú vị giữa Đông với Tây, giữa tranh với nhạc; giữa bột màu, giấy dó mỏng manh với cấu trúc chặt chẽ của âm nhạc cổ điển. Cụ thể, tại buổi khai mạc triển lãm diễn ra vào ngày 10/3, Bảo Quyên song tấu cùng em trai - nghệ sĩ violin Trần Lê Quang Tiến.

Và tại buổi bế mạc triển lãm (17/3), nghệ sĩ piano người Đức - Tim Allhoff, sẽ biểu diễn các tác phẩm cổ điển xen lẫn với những sáng tác cá nhân theo nhiều phong cách đa dạng.

"Đối với nhân sinh quan của tôi, giá trị của hội họa cũng như âm nhạc luôn vượt khỏi cõi trần thế, không bị ảnh hưởng bởi các điều kiện như vật chất hay thời cuộc" - Bảo Quyên nói - "Đây sẽ là một cuộc hội tụ của cái đẹp phương Đông và phương Tây, để qua đó, khán thính giả được trải nghiệm một sự giàu có và thăng hoa cả về tinh thần lẫn vật chất".

Ở vai trò giám tuyển cho triển lãm “Nguyễn Tư Nghiêm - Đối thoại với nhạc cổ điển phương Tây”, nghệ sĩ thị giác Như Huy cho biết, anh cảm thấy may mắn khi được mời tham dự vào dự án này bởi Nguyễn Tư Nghiêm là một trong những nghệ sĩ mà anh yêu mến nhất. Thông qua dự án, anh tìm ra các ý nghĩa khác ẩn chứa trong tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.

“Đây là triển lãm của một danh họa Đông Dương, song không phải chỉ để tạo ra một không gian thẩm mỹ, mà đặc biệt để tạo ra một không gian đối thoại liên văn hóa và liên nghệ thuật về các chủ đề triết học, văn hóa thị giác và con người”, giám tuyển Như Huy nói, đồng thời cho rằng, trong triển lãm lần này, Nguyễn Tư Nghiêm không xuất hiện như danh họa “vang bóng một thời". Ông hiện diện với tư tưởng và các vấn đề thị giác đương đại. Ở góc độ này, triển lãm tiên phong trong việc đề xướng một góc nhìn giám tuyển mới về các bậc thầy quá khứ, đặc biệt là nhóm các họa sĩ thời Đông Dương.

Lâu nay, góc nhìn cũ mang tính hoài niệm khiến công chúng chỉ biết đến giá trị thương mại và giá trị lịch sử của họ. Những lớp văn hóa, tư tưởng nếu có được đề cập tới sẽ luôn bị đặt ở chiều lùi của thời gian và biến thành trầm tích dù thời đại của họ cách chúng ta chưa đầy thế kỷ.

Trong khi ấy, giám tuyển Như Huy khẳng định, tranh Nguyễn Tư Nghiêm mang giá trị đương đại bền vững trong mối quan tâm và những đối thoại chưa bao giờ ngưng nghỉ nơi các tác phẩm của ông về con người. Điều này càng thấy rõ hơn khi soi chiếu vào cách ông thực hành nghệ thuật trong giai đoạn nửa sau cuộc đời.

Không hề ngẫu nhiên khi danh họa Nguyễn Tư Nghiêm về cuối đời chọn giấy dó làm chất liệu sáng tác chủ yếu. Giấy dó, bột màu và sự đối lập với nghệ thuật sơn dầu phương Tây. Giấy dó với đặc tính xốp, thấm màu, khô nhanh đòi hỏi họa sĩ khi thao tác buộc phải nhập một vào cùng chất liệu.

Với giấy dó, họa sĩ không có đủ thời gian để tính toán, dàn xếp, không thể cạo rửa rồi vẽ lại như vẽ sơn dầu, không sửa được, không làm lại được. Quá trình vẽ vì thế mang tính trực thời - ngay ở đây, lúc này, bây giờ. Đó cũng là tâm thức thời gian phương đông: thời gian không phải là một thực hữu khách quan mà luôn gắn bó mật thiết với hiện hữu của con người.

Khi Nguyễn Tư Nghiêm chọn giấy dó, ông chọn trở thành chính nguồn cội Á Đông của mình theo cách sáng tạo nhất. Trong “hệ sinh thái” bột màu, màu nước, giấy dó này, Nguyễn Tư Nghiêm phục hồi lại bản tính gốc của nghệ thuật, tức không phải một thực hành sản xuất thẩm mỹ hiện đại mà như một thao tác tâm linh hóa thế giới.

“Ta có thể thấy rõ sự thật này, chẳng hạn, thông qua đề tài con giáp mà Nguyễn Tư Nghiêm là họa sĩ Việt Nam đầu tiên đề hóa nó. Ông luôn bắt đầu một năm mới theo lịch Âm bằng thực hành vẽ màu nước hay bột màu trên giấy dó các con giáp đại diện cho từng năm Âm lịch đó. Thực hành lặp đi lặp lại này vào đầu các năm Âm lịch - khoảnh khắc thiêng liêng chuyển giao lặp đi lặp lại giữa năm cũ và năm mới, với tôi, đã không còn là thực hành nghệ thuật theo cách hiểu hiện đại phương Tây. Đây chính là hành vi vẽ bùa và tinh thần hóa, tức nhắm tới việc khả kiến hóa các mối quan hệ tinh thần vô hình để qua đó mang lại năng lượng tốt đẹp vào năm mới cho mọi người”, giám tuyển Như Huy phân tích.

Dưới góc nhìn này, Nguyễn Tư Nghiêm không chỉ là một nghệ sĩ bậc thầy mà còn là một vị thầy bùa, cũng đồng thời đang chơi một trò chơi con trẻ, ngẫu nhiên, nguệch ngoạc với nghệ thuật.

Theo giám tuyển Như Huy, trong nền nghệ thuật Việt Nam, Nguyễn Tư Nghiêm là trường hợp rất đặc biệt. Ông không chỉ là một họa sĩ bậc thầy, hơn thế, bằng các suy tư, nghiên cứu sâu sắc ở góc độ văn hóa thị giác, ông đã, một cách lặng lẽ, nhưng kiên quyết và rất nhất quán, mở ra một cuộc đối thoại, hay có thể nói, một sự tranh luận, phản biện về chủ đề bản sắc "Đông - Tây", "Ta - Họ".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tranh giấy dó của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đối thoại với nhạc cổ điển phương Tây

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO