Văn hóa

Tranh Hàng Trống kể tích chuyện xưa

LAN DUNG 24/03/2024 07:33

Tranh dân gian Hàng Trống (Hà Nội) không mấy xa lạ với công chúng, song qua triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” nhiều người không khỏi bất ngờ khi tận mắt xem 40 bức tranh được vẽ từ những năm đầu thế kỷ 20, kể những tích truyện cổ quen thuộc trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.

1(3).jpg
Một số bức tranh Hàng Trống được vẽ từ đầu thế kỷ 20 lần đầu được giới thiệu với công chúng.

Còn một “nhánh” khác

Lâu nay, nhắc tới dòng tranh dân gian Hàng Trống, nhiều người chỉ biết tới các bức tranh “Lý Ngư vọng nguyệt”, bộ tranh “Tố Nữ”, “Tùng Cúc Trúc Mai”, “Chim Công”, “Thất Đồng”, “Tam Đa”, “ Chợ quê”… Một số khác thì biết thêm một số bức tranh thờ như: “Ngũ Hổ”, “Bạch Hổ”, “Hắc Hổ”, “Đức Thánh Trần”, “Ông Hoàng Ba”, “Mẫu Thượng Ngàn”, “Tứ Phủ Công Đồng”, “Tam Phủ”…

Tuy vậy, qua triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” nhiều người mới biết thêm, tranh Hàng Trống còn một mảng, một nhánh khác khá thú vị. Đó là những bức tranh kể lại các tích truyện xưa, mà giới nghiên cứu gọi là “tranh truyện Hàng Trống”.

Cụ thể, tại triển lãm đang diễn ra ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; mở cửa đến ngày 31/3) trưng bày 40 bức tranh thuộc 10 bộ tranh truyện là những tích truyện cổ quen thuộc trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.

Đây là những bộ tranh truyện do bà chủ hiệu tranh Thanh An - một hiệu tranh danh tiếng ở Hà Nội vào những năm đầu thế kỷ 20 - tặng cho họa sĩ Phan Ngọc Khuê. Mỗi bộ tranh gồm 4 bức, thể hiện sinh động những câu chuyện trong kho tàng truyện Nôm Việt Nam.

Những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm mang đến các tích truyện quen thuộc trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt thông qua sự tinh tế, độc đáo của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu.

Có thể kể tới như bộ tranh “Tứ Dân”, “Sơn Hậu”, “Tam Quốc”, “Hán Sở tranh hùng”... với những đường nét, màu sắc mang đặc trưng của tranh Hàng Trống và thể hiện phong phú nội dung.

Trong đó, bộ tranh “Tứ Dân” khắc họa về các nghề trong xã hội như: Ngư phủ - người làm nghề đánh cá trên sông; tiều phu - người làm nghề đốn củi trong rừng; nông phu - người làm nghề cấy cày, làm ruộng; thi nhân - nhà thơ...

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê được biết đến là người đã dành cả đời say mê nghiên cứu dòng tranh dân gian, đặc biệt là tranh dân gian Hàng Trống. Ông là người từng nhiều năm công tác trong Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Phạm Ngọc Khuê cũng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và viết sách về tranh dân gian Hàng Trống.

Ông cho biết, tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, vốn di sản quý báu của dân tộc Việt Nam nhưng có lẽ lâu lắm rồi, khán giả mới có dịp tiếp xúc lại với loại truyện tranh này. Theo ông Khuê, do những biến động của lịch sử, từ những năm 1945 đã không còn in dòng tranh truyện, nếu có cũng chỉ là các dòng tranh nhỏ, tranh đơn.

Tranh truyện là dòng tranh cần có sự đầu tư lớn, từ việc mua ván gỗ để khắc in tranh. Không phải loại gỗ nào cũng có thể dùng để khắc bản in, mỗi tấm tranh phải ghép từ 2 đến 3 tấm ván gỗ lại với nhau. Sau khi ghép, những người thợ mộc phải gia công các ván gỗ này cho bằng phẳng, rồi mới đến công đoạn gia công về vẽ và khắc gỗ.

Từ vẽ đến khắc gỗ là một quá trình hết sức kỳ công, tốn rất nhiều chi phí và thời gian, hơn thế nữa không phải người thợ nào cũng có thể khắc được bản in của tranh truyện Hàng Trống. Những người thợ phải có kỹ thuật, tay nghề rất cao mới có thể hoạn thiện được những bản in đẹp nhất, tinh xảo nhất.

Nét vẽ của tranh Hàng Trống hết sức nghệ thuật, có đậm, có nhạt, có màu sắc đặc trưng.

Nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê cho rằng, mỗi bức tranh Hàng Trống đều có một vẻ đẹp riêng nhưng đều thống nhất một phong cách nghệ thuật của dòng tranh dân gian Hàng Trống, điều đó nói lên sức sống của một nền nghệ thuật dân tộc, sức sống đó cho thấy kinh thành Thăng Long là nơi "tinh hoa hội tụ", không những thế những tinh hoa đó còn lan tỏa ra khắp các vùng xung quanh.

ht-ong-khue.jpg
Họa sĩ - nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê.

Gìn giữ trước nguy cơ mai một

Tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người Hà Nội xưa. Sở dĩ gọi là “Tranh Hàng Trống” vì loại tranh này được sản xuất tập trung ở phố Hàng Trống, Hà Nội. Tuy vậy, trước kia, tranh Hàng Trống cũng được làm ở các phố Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt (Hà Nội), đồng thời bày bán ở các phố ấy, nhưng tập trung làm và bán nhiều nhất vẫn ở Hàng Trống.

Nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê cho biết thêm, từ trước năm 1945 ở đình Hàng Trống có một chợ buôn bán tranh, đây là nơi tập trung của tất cả các thương nhân đến từ Thường Tín, Canh Diễn, hay các làng nghề vẽ tranh xung quanh vùng đất Kinh kỳ... Rất nhiều nghệ nhân làm dòng tranh này theo cùng một phong cách tranh Hàng Trống, từ công đoạn khắc nét, in tranh rồi vẽ lại tranh bằng bút, sau đó mới tô màu.

Nhiều tài liệu nghiên cứu cho biết, tranh dân gian Hàng Trống ra đời vào khoảng thế kỷ thứ XVI. Thời kỳ được cho là hoàng kim của dòng tranh này đó là vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Qua nghiên cứu, người ta thấy tranh Hàng Trống có kỹ thuật và phong cách khác với tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh. Nếu như ở tranh Đông Hồ, in viền nét và in màu đều dùng bản khắc gỗ thì ở tranh Hàng Trống in tranh chỉ dùng ván khắc gỗ in nét tranh trên chất liệu giấy dó… Các ván khắc in tranh đều phải theo mẫu tranh, các mẫu tranh do các nghệ nhân đảm nhiệm, gọi là “ra mẫu”.

Người “ra mẫu” tranh thường là người giỏi nhất của từng nhóm thợ, rất tinh tế, giàu kinh nghiệm, nên khi đặt bút vẽ trên tờ giấy bản là lập tức hiện ra hình ảnh như bay như múa. Người vẽ mẫu cũng là người đặt lời trên tranh. Chữ trên tranh phải đạt mức: làm rõ nghĩa của tranh, làm cân đối thêm bố cục tác phẩm, mà không bị rườm rà. Có mẫu tranh phải sáng tác hàng tháng mới xong.

Tiếp sau đó đến công đoạn bồi tranh...Công đoạn này là một khâu quan trọng trong quá trình hình thành một tác phẩm, sự thành công, và sự tồn tại lâu bền của tác phẩm phụ thuộc vào công đoạn này, nó là sự truyền đạt kinh nghiệm tích luỹ, khéo léo của những nghệ nhân đời trước để lại cho đời sau.

Sau khi đã có được bản in hoàn chỉnh thì người vẽ tranh dùng bút lông chấm màu để tô lên từng mảng màu đậm nhạt, tuỳ theo nội dung, đường nét và các loại tranh. Do cách tô màu bằng tay (vờn màu bằng tay, nét cản) của tranh Hàng Trống có đặc điểm ở mỗi tờ tranh đều có nét sáng tạo riêng.

Hiện, dòng tranh dân gian Hàng Trống chỉ còn duy nhất gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên theo đuổi, giữ nghề.

Bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho rằng, tranh dân gian Hàng Trống được đánh giá rất cao về chất lượng, mỗi bức tranh toát lên nét sinh động, tinh tế, ý nhị và sâu sắc cả về nội dung và hình thức, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian độc đáo của Việt Nam.

“Ngày nay, trước sự mai một, nguy cơ thất truyền và những thách thức, khó khăn trong việc gìn giữ và phát triển các dòng tranh dân gian truyền thống, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hy vọng triển lãm Tranh truyện Hàng Trống là cơ hội tuyệt vời để công chúng chiêm ngưỡng, cảm nhận rõ hơn những nét đẹp về giá trị của một dòng tranh truyền thống”, bà Tuyết bày tỏ.

Tranh truyện Hàng Trống là dòng tranh cần có sự đầu tư lớn, từ việc mua ván gỗ để khắc in tranh. Không phải loại gỗ nào cũng có thể dùng để khắc bản in, mỗi tấm tranh phải ghép từ 2 đến 3 tấm ván gỗ lại với nhau. Sau khi ghép, những người thợ mộc phải gia công các ván gỗ này cho bằng phẳng, rồi mới đến công đoạn gia công về vẽ và khắc gỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tranh Hàng Trống kể tích chuyện xưa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO