Trong khi người dân Cẩm Xuyên phản ứng với trạm BOT Cầu Rác vì phải nộp phí khi không đi một mét đường BOT nào thì đại diện chủ đầu tư cho rằng, các bộ ngành Trung ương và UBND tỉnh Hà Tĩnh mới có quyền quyết định vị trí đặt trạm thu phí.
Đại diện chủ đầu tư, huyện Cẩm Xuyên đối thoại với người dân.
Sáng 21/4, tại trụ sở UBND xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), đại diện Tổng công ty Sông Đà (chủ đầu tư), lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên đã có buổi đối thoại với các chủ phương tiện hai xã Cẩm Trung và Cẩm Minh (huyện Cẩm Xuyên) để tháo gỡ vướng mắc về việc thu phí BOT trạm Cầu Rác (đóng tại xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên) trên tuyến quốc lộ 1A.
Mở đầu buổi đối thoại, đại diện Công ty Sông Đà (đơn vị thu phí BOT tại trạm Cầu Rác cho đường tránh TP Hà Tĩnh) khẳng định Công ty mong muốn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của bà con để thu thập trình lên Bộ GTVT, Bộ Tài chính.
Về phía người dân, họ cho rằng mình không đi một mét đường BOT nào nhưng vẫn phải còng lưng đóng phí là quá vô lý. Người dân yêu cầu Tổng công ty Sông Đà phải giảm 100% phí qua trạm cho người dân sinh sống 2 bên; hoặc phải di dời trạm thu phí về đúng vị trí có đường BOT đi qua.
Ông Nguyễn Văn Hảo (Cẩm Trung, Cẩm Xuyên) chỉ ra cái khó của dân: “Thử nghĩ đi, đi thắp nén hương cho tổ tiên ở nghĩa trang, qua thăm bố mẹ, đưa con đi học… đều phải đóng phí khi qua trạm. Trong khi đó, dân chúng tôi gồm các xã: Cẩm Trung, Cẩm Lĩnh, Cẩm Lạc, Cẩm Sơn, Cẩm Lộc, Cẩm Hà (huyện Cẩm Xuyên) có đi một mét đường BOT nào đâu. Vậy mà trạm này, đã “ngốn” hết bao nhiêu tiền của dân nghèo”.
Ông Trần Văn Đình (trú tại thôn 8, xã Cẩm Minh (huyện Cẩm Xuyên) cũng bức xúc nói: “Tôi chạy xe tải, mỗi lần qua trạm mất 75.000 đồng. Mỗi ngày tôi chạy 10 chuyến, cả đi và về mất 20 lượt qua trạm. Như vậy mất đứt 1.500.000 đồng tiền vé”.
Buổi đối thoại vẫn chưa thống nhất được phương án,
người dân hai bên cầu Rác vẫn phải cõng phí vô lý.
Trước ý kiến của người dân, ông Lương Văn Sơn, Giám đốc Ban chiến lược đầu tư của Tổng công ty Sông Đà, cho hay chủ đầu tư không được quyền quyết định đặt trạm thu phí ở vị trí nào. Bởi tất cả các trạm thu phí đều phải trải qua quá trình thẩm định và có sự đồng ý của các bộ ngành Trung ương và UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Sơn cho biết thêm, năm 2013, công ty đã chủ động giảm 50% phí cho người dân hai xã Cẩm Trung và Cẩm Minh. Cuối năm 2016, công ty đã có văn bản đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục xem xét miễn giảm tiền vé cho bà con 2 xã trên. Ngày 17/4 vừa qua, Tổng công ty Sông Đà tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ GTVT và các cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn giảm theo nguyện vọng của người dân địa phương, nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết.
“Chúng tôi hết sức chia sẻ với người dân địa phương vì đến nay vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng của bà con. Doanh nghiệp chúng tôi luôn ủng hộ bà con, còn việc miễn giảm giá vé thì công ty chúng tôi không có thẩm quyền”, ông Sơn khẳng định.
Phát biểu tại cuộc đối thoại, ông Phạm Đăng Nhật, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên nêu quan điểm: Đề nghị Cty Sông Đà sớm có ý kiến trình các Bộ ngành trả lời người dân về việc miễn giảm phí BOT qua trạm cầu Rác. Các chính sách, thủ tục miễn giảm cụ thể cho dân ra sao, phía Tổng công ty Sông Đà cũng phải có văn bản gửi sớm về huyện và người dân được rõ.