Bức tranh giáo dục những ngày qua khiến nhiều người bi quan đặt ra câu hỏi về đạo đức nhà giáo. Nhưng vẫn còn đó hình ảnh người thầy giáo ở Gia Lai không quản vất vả, xa xôi đến tận nhà để động viên học trò trở lại lớp.
Hành động của thầy Ninh Văn Dậu- giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, đã vượt gần 20km đường rừng, vào đến tận rẫy trong lòng hồ Ia Hdreh và ngồi với học trò cả buổi để tâm sự, thuyết phục cậu học trò trở lại lớp học đã khiến nhiều người xúc động. Càng xúc động hơn khi em học sinh đó vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà phải nghỉ học đi làm rẫy chứ không phải vì không muốn đi học. Lời nhắn gửi của người thầy: “Thầy và cả lớp vẫn đợi em. Nếu em vẫn chưa chịu vượt rẫy vượt rừng để trở về với trường với lớp, nhất định thầy sẽ vào rẫy “lấy” em về!” làm lay động trái tim của tất cả mọi người.
Nghề giáo- nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Người thầy giáo được tôn vinh không chỉ bởi vì khả năng sư phạm xuất sắc, vì tấm lòng tâm huyết vời nghề mà trước hết là tấm lòng vì học sinh. Bằng tất cả hiểu biết của một người thầy, kinh nghiệm của người đi trước và sự chân thành, thầy Ninh Văn Dậu đã “lấy” được học sinh Ksor Gôl trở lại trường.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã gửi thư khen ngợi thầy Ninh Văn Dậu về việc làm rất có ý nghĩa của thầy. Bức thư nhấn mạnh, bằng tấm lòng thương yêu học trò, thầy đã làm được một việc mà không phải ai cũng làm được, nhiều lần đến nhà thuyết phục và vượt hàng chục ki-lô-mét đường rừng để vào trong rẫy đưa được một học sinh nghèo, phải nghỉ học trở lại trường trong vòng tay yêu thương của các thầy cô, bè bạn.
Đáng quý hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên thầy Ninh Văn Dậu giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn bỏ học trở lại trường, điển hình là học trò Ksor Gôl. Cách đây hơn 4 năm thầy cũng đã thuyết phục được học trò Lép là người Ja Rai, nhà ở xã La Derh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đến trường, nay học trò Lép đã là giáo viên tiểu học, đồng nghiệp với thầy.
Trong khi đó, những ngày này học sinh trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) và nhiều người quan tâm đến ngành giáo dục nước nhà đều đang cầu mong một phép màu đến với, PGS Văn Như Cương. Bài hát truyền thống của nhà trường được cất lên bởi hơn 3 nghìn học sinh trường Lương Thế Vinh, và những lời nhắn gửi được gửi đến “Thùng đựng yêu thương” là món quà mà các em học sinh muốn gửi đến người thầy mà mình vô cùng yêu mến. Một việc làm hoàn toàn xuất phát từ trái tim các em vì không hề có sự bàn bạc nào nhưng ở cả 2 cơ sở tại Hà Nội, các em cùng lúc thực hiện hành động này. Với một người thầy, đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà không phải ai cũng có vinh dự được nhận lấy. Với một bệnh nhân K như PGS Văn Như Cương, đó hẳn là bài thuốc tinh thần mà không phải ai cũng có được.
Nếu không phải là một nhà giáo mẫu mực, một người tâm huyết với sự nghiệp trồng người chắc chắn thầy Văn Như Cương đã không nhận được những yêu thương, lo lắng, kính trọng đến như vậy từ phụ huynh, học sinh không chỉ ở trường Lương Thế Vinh mà trên khắp cả nước.
Trao đi yêu thương sẽ nhận lại yêu thương. Chỉ khi thật tâm yêu thương học sinh, những nhà giáo mới có thể giáo dục các em nên người. Tinh thần ấy, thông điệp ấy hi vọng sẽ lan tỏa rộng khắp không chỉ dưới mái trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) hay trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Gia Lai), nơi có những người thầy tử tế, tâm huyết mà là trong toàn ngành giáo dục.