Thời điểm này miền Bắc đang trong những ngày giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, số trẻ mắc các bệnh hô hấp tiếp tục tăng, đặc biệt là cúm B. Đáng nói, đợt này, số trẻ mắc cúm B có dấu hiệu nặng hơn hẳn mọi năm và đa phần có cả bội nhiễm.
Đã có trường hợp cả gia đình nhiễm cúm B
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, trong vài tuần qua, đa số trẻ mắc cúm có kết quả xét nghiệm cúm B. Trong khi trước đó, chủ yếu là mắc cúm A. Cả 2 chủng cúm thường có triệu chứng sốt, mệt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, có thể bị buồn nôn, tiêu chảy.
Sáng 10/11, theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi trung ương, nhiều phụ huynh đưa trẻ em đến khám và xét nghiệm cúm B. Cùng đó, số trẻ phải nhập viện do cúm tăng mạnh. Thông tin từ Bệnh viện cho biết, trong vài tuần trở lại đây, đa số trẻ vào viện thăm khám do các triệu chứng cúm có kết quả xét nghiệm là nhiễm cúm B. Đặc biệt, bệnh viện đã tiếp nhận không ít ca diễn biến nặng do trẻ có bệnh mãn tính hoặc rối loạn suy giảm hệ miễn dịch, béo phì.
Chị Võ Quỳnh (Hoàng Mai, Hà Nội) có con đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi trung ương vì mắc cúm B biến chứng nặng kể lại: “Khi cháu có triệu chứng sốt, tôi cũng nghĩ chỉ là cảm cúm thông thường nên cho cháu uống thuốc hạ sốt, bên cạnh đó cháu vẫn tỉnh táo, ăn được ngủ được dù hơi mệt mỏi nên gia đình cũng khá yên tâm. Nhưng tới ngày thứ 3, cháu nói cảm thấy rất mệt, tới chiều thì bắt đầu mê sảng, gia đình đưa cháu đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương, các bác sĩ xác định cháu bị nhiễm cúm B”.
Được biết, chỉ trong vài tuần qua, Bệnh viện Nhi trung ương đã ghi nhận 7 trường hợp nguy kịch vì mắc cúm B với những biến chứng nặng như viêm cơ tim, suy đa phủ tạng. TS. BS Nguyễn Thị Mai Hoàn - Trưởng khoa khám bệnh đa khoa, Bệnh viện Nhi trung ương nhận định: “Khác với mọi năm - cúm B chỉ xuất hiện lẻ tẻ thì năm nay đang lây lan rất mạnh. Chúng tôi đã ghi nhận trường hợp cả gia đình đều mắc cúm B, hay có trường hợp gần như cả lớp học đều nhiễm virus này”.
TS. BS Lê Thị Thu Hương - Hội hô hấp Việt Nam thông tin: “Khác với cúm A, cúm B là loại virus chỉ lây từ người sang người, trước đây, chúng ta cho rằng cúm B thường nhẹ hơn cúm A bởi trẻ mắc cúm B thường không sốt cao như mắc cúm A, tỷ lệ lây lan của cúm B cũng thấp hơn cúm A. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, một số các nghiên cứu đã cho thấy, trẻ nhiễm cúm B cũng có thể bị nặng tương tự như trẻ nhiễm cúm A”.
Bác sĩ Hương cho biết thêm: “Mặc dù cúm B là virus thường gặp, nhưng nó có thể gây ra biến chứng nặng ở trẻ có tình trạng suy giảm miễn dịch hoặc những trẻ đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hay ở những trẻ có những bệnh lý nền, bệnh lý mãn tính như bệnh lý hô hấp, tim mạch. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị bội nhiễm vi khuẩn khiến tình trạng trở nên nặng nề hơn. Những trường hợp này trẻ có thể bị suy hô hấp, suy tim mạch hay tổn thương não”.
Không được lơ là tiêm vaccine phòng cúm
Trao đổi về nguyên nhân của tình trạng gia tăng đột biến cúm B trong thời gian gần đây, chuyên gia hô hấp lý giải, trong 2 năm vừa qua chúng ta tập trung tiêm vaccine phòng Covid-19 nên việc tiêm vaccine phòng cúm mùa (bao gồm cúm A và cúm B) phần nào bị bỏ qua, trong khi đó, thời gian dài trẻ phải cách ly để phòng, chống dịch bệnh khiến khi trẻ mắc cúm B sẽ có biểu hiện mạnh hơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Mai Hoàn, tỷ lệ mắc cúm B tăng cao như năm nay có thể do nhiều nguyên nhân như: Virus cúm hay xảy ra ở những cơ thể có yếu tố dịch tễ tiếp xúc nơi đông người; sau thời gian người dân phải cách ly do dịch bệnh; khi trẻ quay trở lại trường nên có biểu hiện mạnh hơn. Đặc biệt, sau khi cơ thể nhiễm virus, nhiễm cúm cũng làm cho hệ miễn dịch của trẻ giảm hơn, sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn khi mắc cúm.
Hướng dẫn phụ huynh cách điều trị trẻ mắc cúm B tại nhà, bác sĩ Lê Thị Thu Hương cho biết: “Rất nhiều người khi thấy con bị cúm hành động đầu tiên là tìm mua thuốc Tamiflu. Tuy nhiên, đây là loại thuốc chỉ nên sử dụng khi có hướng dẫn của bác sĩ. Chúng ta cần biết, những thuốc kháng virus như Tamiflu thường chỉ có giá trị hiệu quả tốt nhất trong 48 giờ đầu tính từ khi trẻ bắt đầu có các biểu hiện triệu chứng. Cụ thể hơn, loại thuốc này thường chỉ được dùng đối với những trẻ có triệu chứng nhiễm virus cúm nặng hoặc những trẻ có yếu tố nguy cơ diễn biến nặng. Đối với trẻ có biểu hiện thông thường, không có nguy cơ diễn biến nặng chúng ta hoàn toàn có thể chăm sóc trẻ bằng cách cho trẻ dùng thuốc hạ sốt với liều theo cân nặng. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh phụ huynh phải cho trẻ dùng thuốc đúng liều, bởi nếu dùng thuốc hạ sốt quá liều trẻ có thể mắc các biến chứng nặng, đặc biệt như suy gan và thông thường suy gan do thuốc hạ sốt thì rất khó cứu chữa. Ngoài ra, phụ huynh có thể sử dụng thuốc giảm ho bằng thảo dược, bù nước cho trẻ bằng oresol hay nước lọc, nước hoa quả, để trẻ nghỉ ngơi…”.
Trong trường hợp trẻ có một trong những triệu chứng như rất mệt, bỏ ăn, bỏ bú, nôn ra tất cả, sốt rất cao, không hạ hoặc thở gấp, thở nhanh, khó thở, tím tái hay đau đầu dữ dội thì phụ huynh cần đưa trẻ nhập viện ngay lập tức để được sự hỗ trợ của các nhân viên y tế, tránh các biến chứng nặng xảy ra.
Để phòng ngừa cúm B, Bộ Y tế khuyến cáo, cũng giống như các loại cúm virus cúm B chưa có thuốc đặc trị mà chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng ví như hạ sốt, giảm ho,… và cần kết hợp nâng cao thể lực, tăng sức đề kháng cơ thể. Với nguyên tắc điều trị tùy từng người bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc như: Hạ sốt giảm đau, hạ sốt hoặc có biểu hiện bội nhiễm thì chỉ định thuốc điều trị.
Khi mắc cúm cần theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên, không tiếp xúc với người khác ở nơi công cộng. Tại nhà cũng phải đeo khẩu trang, tăng cường rửa tay, vệ sinh đường hô hấp bằng cách xúc miệng, nhỏ mũi thường xuyên. Không ho khạc, nhổ bừa bãi. Cần chú ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức khỏe.
Những trường hợp thăm khám tại viện nếu bác sĩ thấy có bằng chứng bội nhiễm cần phải sử dụng kháng sinh. Hoặc trong trường hợp tiến triển nặng cần sử dụng thuốc kháng virus trên cơ địa từng bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định thích hợp, tuyệt đối không tùy tiện tự ý sử dụng thuốc.
Các bác sĩ nhấn mạnh, cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc cúm B là tiêm vaccine phòng cúm. Người đã tiêm phòng nếu mắc cúm có thể nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn và ít tử vong hơn người chưa tiêm phòng.
Hàng năm, Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa (bao gồm cúm A và cúm B). Số ca mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa. Tuy nhiên, so với những năm trước, năm nay cúm mùa có xu hướng diễn biến phức tạp hơn với sự gia tăng đột biến của số ca mắc cũng như số ca bệnh nặng do nhiễm cúm B. Phần lớn bệnh cúm B nhẹ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nặng đối với các nhóm đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ em dưới 5 tuổi; trẻ có các bệnh mãn tính (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh/mắc phải, bệnh gan, bệnh thận, bệnh hen, bệnh phổi mãn, bệnh tăng áp phổi); trẻ được dùng các thuốc ức chế miễn dịch; trẻ mắc các bệnh ung thư, bệnh máu rối loạn chuyển hóa, béo phì; người cao tuổi; phụ nữ mang thai; người bị suy giảm miễn dịch...
Bác sĩ Bạch Thị Chính - Giám đốc y khoa hệ thống tiêm chủng VNVC:
Cần tiêm vaccine phòng cúm mỗi năm
Vaccine phòng cúm đã được sử dụng từ hơn 60 năm và đã có rất nhiều bằng chứng khoa học cho thấy an toàn và hiệu quả trong dự phòng bệnh cúm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc tiêm vaccine phòng cúm đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm và giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70 - 80%.
Vì chủng virus cúm thay đổi hàng năm nên cần tiêm phòng vaccine cúm mỗi năm trước khi vào mùa cúm. Ở bắc bán cầu, mùa cúm thường xảy ra từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, còn ở nam bán cầu thì mùa cúm là từ tháng 4-10. Ở miền nhiệt đới thì cúm có thể xảy ra quanh năm. Nên tiêm vaccine phòng cúm càng sớm càng tốt khi có vaccine phòng cúm mới của năm đó. Ở Việt Nam, tốt nhất nên tiêm vaccine phòng cúm vào khoảng tháng 9 và tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, vaccine phòng cúm vẫn có thể tiêm vào bất cứ lúc nào trong mùa cúm, thông thường từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Trẻ em dưới 9 tuổi nên tiêm 2 mũi khi tiêm lần đầu (mũi thứ 2 cách mũi 1 ít nhất 4 tuần). Người lớn và trẻ đã từng chủng ngừa cúm thì mỗi năm tiêm 1 mũi.