“Oản tà rroằn” của Nguyễn Công Hoan / “Của để dành” của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ / “Vì tình yêu phù phiếm” của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần
“Oản tà rroằn”.
Đây là tiêu đề tập truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, do NXB Văn học vừa ấn hành. Cuốn sách tuyển chọn 26 truyện ngắn đặc sắc: “Nhân tình tôi”, “Oẳn tà rroằn”, “Thật là phúc”, “Nỗi vui sướng của thằng bé khốn nạn”, “Xin chữ cụ nghè”, “Đàn bà là giống yếu”... Truyện của Nguyễn Công Hoan thường rất ngắn. Lời văn khúc triết, giản dị. Cốt truyện được dẫn dắt một cách có nghệ thuật và kết cục thường rất đột ngột để hấp dẫn người đọc. Mỗi truyện như một màn kịch ngắn có giới thiệu, thắt nút và mở nút hấp dẫn người đọc.
Nguyễn Công Hoan là nhà văn viết sớm, viết nhiều và là người đi tiên phong của trào lưu văn học hiện thực phê phán. Văn nghiệp của ông có tới gần 20 truyện dài và hàng trăm truyện ngắn. Với một số lượng khá lớn như vậy, truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, hợp lại thành một bức tranh rộng lớn, khá đầy đủ về xã hội cũ.
“Của để dành”.
Tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, được NXB Trẻ ấn hành, chiều 31/3 vừa có buổi ra mắt, giao lưu với tác giả nhân Hội sách mùa xuân 2018.
Những câu chuyện trong “Của để dành” gắn với những vấn đề của xã hội Việt Nam thời Đổi mới và cả thập niên tiếp sau đó. Dưới con mắt của một người nữ, những truyện ngắn vẫn tập trung đối diện những băn khoăn, khắc khoải về thân phận của giới. Thực ra họ cần được giải phóng không chỉ về vai trò thiên chức mà chính về nội tâm và định kiến của chính họ về bản thân. Trong truyện ngắn, Nguyễn Thị Thu Huệ gọi ra một không khí đô thị ngột ngạt vì sự biến động về không gian lẫn sự quẫy đạp của dục vọng.
Các nhân vật phụ nữ thường có nhan sắc và ý thức mạnh về bản thân. Một mặt môi trường xã hội đổi mới tạo cơ hội cho tính nữ được giải phóng, được bộc lộ tự do hơn, nhưng mặt khác, Nguyễn Thị Thu Huệ cũng thấy khả năng hủy hoại tính nữ của môi trường ấy. Những nhát màu mạnh, những tông giọng riết róng, khiến cho các truyện trong tập “Của để dành” có dáng vẻ của một sản phẩm đa phương tiện mới mẻ.
“Vì tình yêu phù phiếm”.
Sau một số tập truyện dài như “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, “Về cô gái này”, “Cơ bản là buồn” được xuất bản và tái bản trong thời gian qua, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết “Vì tình yêu phù phiếm” (NXB Trẻ).
Với cuốn sách hơn 200 trang này, Nguyễn Ngọc Thuần lần đầu tiên ghi tên mình trong thể loại tiểu thuyết. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện về nhân vật Răng Nhọn - một nhà văn cô đơn và mẫn cảm. Trở về sau cái chết của người bố, Răng Nhọn đã phát hiện một nửa con người mình dần biến mất, đó là lúc anh bước vào phần thứ hai của cuộc đời, cũng là phần thứ hai của cuốn sách anh viết. Sự mập mờ đầy thi vị giữa các nhân vật và tình huống, cũng như văn phong đẹp đẽ giàu hình tượng khiến cho “Vì tình yêu phù phiếm” có sức lôi cuốn người đọc.