“Doanh nghiệp vẫn gặp những rào cản, vẫn phải xin các loại giấy phép to đến giấy phép con, do đó đẩy chi phí lên cao. Như vậy làm sao có thể nâng sức cạnh tranh được” - đó là tâm tư của nhiều doanh nghiệp (DN) về hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay. Một chuyên gia kinh tế nhận xét: Môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện, song vẫn còn nhiều rào cản, giấy phép con cần phải được loại bỏ.
Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều rào cản trong sản xuất kinh doanh. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Doanh nghiệp phàn nàn vì phải qua nhiều cửa, nhiều giấy phép
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm: Môi trường kinh doanh đã có những cải thiện rõ nét, thông thoáng hơn rất nhiều kể từ khi Chính phủ đưa ranhững chính sách nhằm cắt giảm điều kiện kinh doanh, loại bớt các thủ tục hành chính rườm rà… Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, vẫn còn những rào cản chưa thể loại bỏ hết được. Đơn cử là việc xử lý giấy phép con, dù đã giảm rất nhiều, đã loại bỏ được cơ số giấy phép con trong môi trường kinh doanh, song, các DN vẫn đang phải trải qua nhiều khâu, công đoạn vì các loại giấy phép, các loại thủ tục vẫn còn đó. “Câu chuyện này chúng ta nói bao nhiêu năm nay nhưng chưa khi nào hết nóng” – ông Hiếu nhấn mạnh và cho biết: “Tôi lấy ví dụ, một DN ngành hóa chất muốn nhập một lô hàng về để sản xuất trong nước, họ phải qua rất nhiều khâu, đầu tiên là xin phép Bộ Công Thương, chờ đợi và chờ đợi… Sau khi được chấp thuận rồi, hàng về tới cảng rồi, lại phải xin phép cơ quan chức năng về việc phân phối lượng hóa chất đó. Qua quá nhiều khâu, nhiều thủ tục, nhiều cửa ải, giấy phép khiến cho DN tốn rất nhiều thời gian, chi phí, rồi kể cả việc “bôi trơn” cán bộ quản lý để công việc được “thuận buồm xuôi gió”.
Việc vẫn phải đụng độ với các loại giấy phép to đến giấy phép nhỏ, qua nhiều tầng nhiều lớp để có được một quyết định nhập lô hàng này, hay phân phối lô hàng kia khiến các DN cảm thấy oải.
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, trong tháng 11/2019, cả nước có 12.265 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 139,9 nghìn tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong tháng đạt 11,4 tỉ đồng, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, cả nước còn có 3.326 DN quay trở lại hoạt động, giảm 54,1% so với tháng trước và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước…
Tính chung 11 tháng năm 2019, cả nước có 126,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,5 triệu tỉ đồng, tăng 4,5% về số DN, tăng 27,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Dưới vẫn lạnh…
Mặc dù số DN thành lập mới trong 11 tháng đầu năm tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước, song nhìn vào số DN tuyên bố ngừng hoạt động, rời thương trường cũng không phải là con số nhỏ. Theo số liệu thống kê, trong 11 tháng năm nay, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 27,8 nghìn DN, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể đã lên tới trên 38 ngàn DN, tăng đến gần 40%. Những con số nói trên cho thấy, rõ ràng số DN buộc phải rời khỏi thương trường vẫn là con số lớn, và có dấu hiệu tăng mạnh. Điều này cho thấy, vẫn còn những rào cản trong môi trường kinh doanh khiến cho các DN khó có thể phát triển ổn định. Câu chuyện về giấy phép con, giấy phép to như chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu kể ở trên là một minh chứng cho thấy rõ điều đó.
Còn có không ít DN chỉ vì vấp phải quá nhiều rào cản, điều kiện kinh doanh mà cảm thấy nản, phải rời thương trường. Có nhiều DN thắc mắc, không thể hiểu nổi nhà quản lý đưa ra những quy định, điều kiện kinh doanh đó với mục đích gì. Một DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng bày tỏ quan điểm: Họ rất ngạc nhiên không hiểu sao cùng một lĩnh vực nhưng tận hai, ba bộ quản lý. Như việc cùng là cầu trục, song nếu đặt ở công trường xây dựng thì do Bộ Xây dựng quản lý, còn nếu đặt ở sân bay lại là thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông – Vận tải (?).
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lắng nghe ý kiến của DN cho thấy, họ vẫn kêu nhiều về tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn của các điều kiện kinh doanh. Mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực cắt giảm các điều kiện kinh doanh, nhưng có đến 18% DN cho biết, họ vẫn phải chờ mất hơn một tháng mới được giải quyết các thủ tục liên quan đến sản xuất, kinh doanh và tình trạng này đang có xu hướng tăng những năm gần đây. Đó còn chưa kể, những chi phí không chính thức vẫn còn tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ sẽ đạt được như kỳ vọng nếu trên nóng, dưới cũng nóng. Nhưng nếu vẫn còn tình trạng trên nóng, dưới lạnh, chắc chắn số DN buộc phải rời thương trường sễ tiếp tục còn gia tăng.