Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Đỗ Đức Hồng Hà - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: Tất cả các luật liên quan đến kiểm soát quyền lực cần tổ chức, tuyên truyền phổ biến hướng dẫn, cùng với tăng cường kiểm tra giám sát xử lý vi phạm. Trong quá trình giám sát nếu phát hiện ra những vi phạm thì cần kiến nghị ngay để có giải pháp khắc phục, và tùy theo tính chất mức độ vi phạm có thể xử lý hành chính, kỷ luật, hoặc xử lý hình sự. Xử lý nghiêm người lạm quyền, lợi dụng quyền, và
Ông Đỗ Đức Hồng Hà.
PV:Thưa ông, trong hệ thống pháp luật chúng ta đã có các cơ chế kiểm soát quyền lực như kiểm tra, thanh tra, giám sát nhưng chưa phát huy được hiệu quả như ý muốn. Theo ông nguyên nhân là do quy định của pháp luật hay ở khâu tổ chức thực hiện?
Ông Đỗ Đức Hồng Hà: Theo tôi là cả khâu quy định của luật và khâu tổ chức thực hiện. Kiểm soát quyền lực là quy định mới của Hiến pháp, để thực hiện nó có nhiều đạo Luật liên quan đến tổ chức bộ máy quy định chức năng nhiệm vụ, hoàn thiện thể chế.
Tuy nhiên dù đã có nhiều quy định nhưng pháp luật vẫn còn chồng chéo quyền, bỏ trống quyền. Việc xử lý người lạm quyền, lợi dụng quyền, không sử dụng quyền còn chưa nghiêm. Rồi tuyên truyền để mọi người hiểu đúng quyền của mình, tránh lạm quyền, lợi dụng quyền, không sử dụng quyền còn hạn chế.
Trong hệ thống hành pháp, chức năng kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên trên thực tế, trong quan hệ giữa Trung ương và địa phương, chủ trương phân cấp mạnh cho địa phương không đi liền với việc tăng cường khả năng thanh tra, kiểm soát. Còn quá trình thanh tra, kiểm tra thì chưa được thường xuyên qua đó chấn chỉnh xử lý những vi phạm.
Hay như Toà án là cơ quan tư pháp nhưng không có chức năng xem xét lại và phán quyết các văn bản của Quốc hội hoặc các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước mà chỉ có thẩm quyền xem xét và phán quyết đối với các văn bản hành chính.
Nói vậy để thấy sự kiểm soát của cơ quan tư pháp đối với cơ quan lập pháp chưa có, và kiểm soát đối với cơ quan hành pháp đã có nhưng chỉ ở phạm vi hẹp. Do đó, tất cả các luật liên quan đến kiểm soát quyền lực cần tổ chức, tuyên truyền phổ biến hướng dẫn, cùng với tăng cường kiểm tra giám sát xử lý vi phạm. Điều đó cũng phụ thuộc nhiều vào các cơ quan trong hệ thống thanh tra, giám sát.
Như giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn ĐBQH, các ĐBQH, HĐND các cấp, đại biểu HĐND các cấp và nhân dân, rồi thanh tra trong hệ thống hành pháp, cùng với các cơ quan thông tấn báo chí.
Trong quá trình giám sát mà phát hiện ra những quy định bất cập mang tính chồng chéo chưa hợp lý thì kiến nghị sửa đổi bổ sung. Còn nếu thấy những khoảng trống cần xây dựng luật mới. Trong quá trình giám sát nếu phát hiện ra những vi phạm thì cần kiến nghị ngay để có giải pháp khắc phục, và tùy theo tính chất mức độ vi phạm có thể xử lý hành chính, kỷ luật, hoặc xử lý hình sự.
Một kênh để kiểm soát quyền lực có hiệu quả chính là giám sát của Quốc hội cũng như nhân dân. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng chưa có cơ chế hữu hiệu để nhân dân giám sát, phát huy quyền làm chủ của mình, nhất là trong phòng, chống tham nhũng hay góp ý xây dựng bộ máy hành chính nhà nước. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Đây là vấn đề sắp tới sẽ được sửa đổi trong Luật phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên trước hết phải làm cho mọi người thay đổi nhận thức; thấy được tầm quan trọng của việc kiểm soát quyền lực sẽ đem lại hiệu quả cho sự phát triển của đất nước. Khi thay đổi nhận thức thì giúp cho mọi người thay đổi cách ứng xử và có hành động. Những người có chức có quyền bản thân họ sẽ không lạm quyền, lạm dụng quyền. Còn người dân sẽ tiếp tục ngăn ngừa phát hiện người khác lạm quyền, lợi dụng quyền, bỏ quyền.
Đồng thời là họ cũng sẽ là người phát hiện, khiếu nại tố cáo, hay tham gia vào quá trình xử lý, giám sát việc xử lý những người lạm quyền, lợi dụng quyền. Ngoài ra cũng cần có những kiến nghị, cơ chế chính sách, khuyến khích động viên khen thưởng người tố cáo việc lạm quyền nhằm có sự tham gia tích cực trong kiểm soát quyền lực nhà nước.
Thưa ông, phải thực sự tạo điều kiện để dân giám sát thì mới phát huy hiệu quả song để phát huy hiệu quả chúng ta cần có cơ chế nào?
- Chúng ta đã có Luật Tố cáo, Luật Báo chí, Luật MTTQ Việt Nam, Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND. Tất cả cái đó cần được truyên truyền, phổ biến sâu rộng để các chủ thể, đối tượng điều chỉnh của Luật biết được quyền lợi nghĩa vụ để họ thực hiện. Ngoài việc thực hiện, họ còn biết để giám sát người khác, và biết để phát hiện người vi phạm để kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
Đúng là chúng ta có những cơ quan chuyên trách trong thanh tra, kiểm tra nhưng nếu chỉ dựa vào các cơ quan đó là chưa đủ mà phải dựa vào nhân dân. Tai mắt chính là ở nhân dân, càng nhiều người dân giám sát thì càng tốt. Nhưng một mặt cũng phải tăng cường giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội khi hiện Quốc hội hay các Ủy ban của Quốc hội cũng đã có các chuyên đề giám sát.
Theo ông để kiểm soát quyền lực được nâng cao hiệu quả chúng ta cần có những giải pháp nào trong thời gian tới?
- Việc đầu tiên là cần hoàn thiện cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, xác định ranh giới mối liên hệ giữa cơ quan lập pháp và tư pháp, cơ quan hành pháp và tư pháp. Hoàn thiện cơ chế giám sát của Quốc hội theo hướng bổ sung, quy định rõ và tổ chức thực hiện tốt các hình thức giám sát của Quốc hội thông qua hoạt động chất vấn, hay giám sát việc ban hành các văn bản của Chính phủ, rồi thành lập các đoàn giám sát tại các địa phương, đẩy mạnh giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân, đồng thời tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Bên cạnh đó cần đổi mới và hoàn thiện các hình thức kiểm tra, giám sát trong hệ thống các cơ quan tư pháp theo hướng tăng cường vai trò xét xử giám đốc thẩm và mở rộng thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án. Bên cạnh đó cần hoàn thiện pháp luật để không chồng chéo quyền, không bỏ trống quyền, không lạm quyền, lợi dụng quyền, không sử dụng quyền. Tuyên truyền để mọi người hiểu đúng quyền của mình, tránh lạm quyền; lợi dụng quyền; không sử dụng quyền. Xử lý nghiêm người lạm quyền, lợi dụng quyền và không sử dụng quyền.
Trân trọng cảm ơn ông!