Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Phạm Quang Hiệu xung quanh đội ngũ trí thức NVNONN.
PV: Thưa Thứ trưởng, ông có thể đánh giá về đội ngũ trí thức kiều bào và những đóng góp cho Tổ quốc những năm qua?
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Theo ước tính của các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước, số lượng kiều bào có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10-12% trong cộng đồng 5,3 triệu NVNONN, tương đương khoảng 500-600 nghìn người, gồm hai bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4 của người Việt ở sở tại.
Song hành cùng sự phát triển chung của cộng đồng NVNONN, bộ phận trí thức kiều bào ngày càng phát triển, hội nhập và đạt nhiều thành công ở sở tại. Trí thức kiều bào có xu hướng không ngừng liên kết, lập hội theo địa bàn, lĩnh vực công tác. Với lợi thế được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến, có kinh nghiệm thực tiễn, làm việc trong môi trường khoa học công nghệ (KHCN) phát triển cao, đặc biệt có quan hệ sâu rộng ở nước sở tại cũng như trên thế giới, trí thức kiều bào là lực lượng lao động quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức.
Chuyên gia, trí thức NVNONN thành công trên hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn từ điện tử, sinh học, y học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, hải dương, phân bổ theo lĩnh vực khoa học tự nhiên (32%), kỹ thuật (22%), khoa học ứng dụng (17%), khoa học xã hội nhân văn (15%), y tế (14%). Xu hướng chung đội ngũ trí thức NVNONN sẽ tiếp tục tăng về số lượng, đa dạng hơn về địa bàn cư trú, hội nhập sâu hơn vào xã hội sở tại. Thế hệ trẻ với tư duy sáng tạo, là nguồn lực to lớn đóng góp cho nước sở tại và nước nhà.
Với tiềm lực của mình, trí thức kiều bào đã có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước trong suốt chiều dài lịch sử. Đặc biệt, từ sau khi Nghị quyết 36 về công tác đối với NVNONN được ban hành năm 2004 với tư duy đổi mới, sự tham gia của lực lượng trí thức NVNONN đối với các vấn đề trong nước đã có nhiều đột phá. Hiện nay, số chuyên gia, trí thức NVNONN tham gia hoạt động KHCN ở Việt Nam duy trì ở mức khoảng 300-500 lượt người/năm. Có nhiều người đang cộng tác, cố vấn, tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương. Số người quay về khởi nghiệp hoặc làm việc tại các tập đoàn, công ty tư nhân trong nước, đặc biệt là các công ty của kiều bào có xu hướng tăng mạnh, dù điều kiện trong nước chưa được bằng điều kiện ở sở tại.
Những đóng góp của trí thức kiều bào tập trung vào những vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp với nhu cầu phát triển KHCN của Việt Nam. Những dự án của trí thức kiều bào không những đóng góp cho nền KHCN trong nước mà còn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tri thức, tinh thần cho người dân địa phương.
Trong đại dịch Covid-19, trí thức kiều bào ở nhiều nước đã tích cực phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham gia công tác ngoại giao vaccine, vận động nước sở tại hỗ trợ vaccine và vật phẩm y tế cho Việt Nam. Nhiều người tích cực đẩy mạnh chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ sở tại, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách. Bác sĩ kiều bào ở nhiều nơi tình nguyện được trở về tham gia vào tuyến đầu chống dịch tại quê nhà.
Theo ông để trí thức kiều bào có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước, cần thêm những điều kiện gì?
- Chúng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách như Nghị quyết 36-NQ/TW và Kết luận 12-KL/TW năm 2021 thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước đối với nguồn lực của cộng đồng NVNONN nói chung và lực lượng trí thức nói riêng. Đặc biệt, hệ thống chính sách liên quan đến NVNONN nói chung và công tác phát huy nguồn lực trí thức kiều bào nói riêng đã và đang được hoàn thiện, đem lại nhiều kết quả tích cực trong thực tế.
Tuy vậy, công tác huy động, thu hút nguồn lực NVNONN vẫn chưa thực sự như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng lớn của đội ngũ trí thức NVNONN. Điều này do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Thực tế là, dù ngày càng được cụ thể hóa nhưng chính sách của ta chưa đủ mạnh, nhiều chế độ ưu đãi hiện nay không còn phát huy hiệu quả, chưa đủ tạo một khung chế độ đãi ngộ cụ thể, hấp dẫn về điều kiện sống, làm việc và học tập cho NVNONN và gia đình, con em họ khi về nước làm việc. Một số bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vấn đề này nên chậm xây dựng các chương trình, nội dung cũng như các cơ chế làm việc, đãi ngộ cụ thể đối với trí thức NVNONN.
Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học và môi trường học thuật chuyên nghiệp còn hạn chế; rào cản ngôn ngữ, nhận thức không tương đồng về các vấn đề, đặc biệt các vấn đề chuyên môn sâu giữa chuyên gia, trí thức NVNONN và các đồng nghiệp trong nước… cũng gây ra tâm lý e dè cho kiều bào khi hợp tác với trong nước.
Vậy theo ông làm gì để triển khai hiệu quả hơn các chính sách nhằm tăng cường thu hút đóng góp của trí thức kiều bào trong thời gian tới?
- Theo tôi có mấy điểm cần lưu tâm. Trước tiên, cần tiếp tục tăng cường thống nhất nhận thức về chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có vai trò của cộng đồng NVNONN, qua đó triển khai hiệu quả công tác thu hút, sử dụng nguồn lực NVNONN trong các lĩnh vực. Song hành với đó là việc chú trọng thu hút vận động thế hệ trí thức trẻ, đặc biệt là thế hệ thứ 2, thứ 3.
Cần hoàn thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả triển khai cơ chế, chính sách về thu hút, tuyển chọn, trọng dụng trí thức NVNONN. Theo đó, nên tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam đang cần và ưu tiên để thu hút nguồn lực này, đồng thời có các dự án trọng điểm, tránh triển khai một cách tràn lan, không hiệu quả. Có chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ một cách phù hợp đối với thành quả làm việc của chuyên gia, trí thức NVNONN. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác dân vận, mở rộng tiếp xúc và có phương cách vận động phù hợp đối với những trí thức kiều bào có uy tín, tầm ảnh hưởng ở các nước.
Về chính sách trọng dụng, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn một số nghị định của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động KHCN là NVNONN và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Cùng với đó là chính sách trọng đãi, đảm bảo những điều kiện sống ổn định và phù hợp với từng dự án, lĩnh vực ưu tiên cụ thể đối với chuyên gia, trí thức có trình độ chuyên môn cao; đồng thời nghiên cứu có các hình thức ghi nhận, vinh danh phù hợp, tương xứng với sự đóng góp của trí thức NVNONN.
Ngoài ra, cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi các thông tin, ý kiến đóng góp và tư vấn của đội ngũ chuyên gia, trí thức NVNONN cần được các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng, từ đó tạo động lực cho trí thức kiều bào tham gia đóng góp “chất xám” cho các vấn đề của đất nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
Sau hội nghị Fontainebleau năm 1946, trên chuyến tàu Dumont D’Urville khởi hành từ Toulon về Việt Nam, đi cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có 4 trí thức kiều bào là các ông: Trần Đại Nghĩa (Phạm Quang Lễ), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân và Võ Đình Quỳnh. Họ trở về theo Cụ Hồ tham gia kháng chiến. Và cho đến tận hôm nay, 77 năm sau ngày những trí thức đầu tiên trở về xây dựng quê hương, con số ấy đã lớn hơn gấp nhiều lần.