Tấm bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) ghi: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp". Điều đó cho thấy rõ vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ trí thức càng phải được quan tâm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, đội ngũ trí thức, nhà khoa học là "vốn liếng quý báu của dân tộc".
Ngày 7/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về Đề án Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; nghe báo cáo kết quả các đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2022 và đề xuất Chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2023.
Về Đề án Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27, Bộ Chính trị thống nhất đánh giá, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết này, nhận thức chung trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, vị trí của trí thức ngày càng đầy đủ và toàn diện hơn.
Đội ngũ trí thức Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng, chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo khoa học; là lực lượng đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh công nhân - nông dân - trí thức.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế tồn tại, như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức chưa được hoàn thiện đồng bộ; Nghị quyết chậm được thể chế hoá thành cơ chế, chính sách; thiếu cơ chế, chính sách đột phá, nhất là chính sách huy động các nguồn lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành; đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung vào lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm; chưa có nhiều cơ sở khoa học, giáo dục, văn hóa, kinh tế mạnh.
Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tính chủ động trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo đối với đội ngũ trí thức còn hạn chế, bất cập... Cơ cấu còn bất hợp lý về ngành nghề, khu vực, độ tuổi; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ngang tầm khu vực và trên thế giới; các công trình sáng tạo lớn chưa nhiều.
Bộ Chính trị khẳng định xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm và năng lực trong phát triển kinh tế-xã hội là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Xác định việc tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế, huy động các nguồn lực xã hội; tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; có cơ chế, chính sách đặc biệt trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành, chính là tạo môi trường, điều kiện và động lực căn bản để phát triển và phát huy đội ngũ trí thức.
Trước đó, tại lễ kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hồi cuối tháng 3 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong lịch sử dân tộc, trí thức Việt Nam luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nước nhà cần phải kiến thiết; kiến thiết cần phải có nhân tài"; "Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc...", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ngày 6/8/2008 đã khẳng định: "Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của Dân tộc, sức mạnh của Đất nước; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững".
“Trí thức vừa là một bộ phận của nguồn nhân lực, vừa là nguồn lực khoa học, kỹ thuật, trực tiếp tham gia vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước. Nối tiếp truyền thống của Dân tộc, vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn luôn quan tâm lãnh đạo công tác vận động, tập hợp và phát triển trí thức. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo công tác vận động đội ngũ trí thức”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Khẳng định vai trò “rất tự hào” của trí thức trong công cuộc đổi mới, phát triển, song Tổng Bí thư cũng lưu ý đến “trách nhiệm rất nặng nề” của đội ngũ này. “Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục còn có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thư tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức mới đối với mọi quốc gia.
Tình hình đó đòi hỏi các tổ chức khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước ta, đặc biệt là trí thức, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cần nỗ lực phấn đấu, có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa, có hiệu quả cao hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nhanh và bền vững của Đất nước”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Nơi tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt trân trọng đội ngũ trí thức. Ngày 18/5/1963, Người đã gặp gỡ, nói chuyên và giao nhiệm vụ cho đội ngũ trí thức nước nhà. 20 năm sau sự kiện đó, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - "ngôi nhà chung" của đội ngũ trí thức Việt đã được thành lập.
TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ của cách mạng Việt Nam đã một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ kính yêu; phấn đấu liên tục và đã có nhiều cống hiến, phát huy sức mạnh đoàn kết trong liên minh công - nông - trí vì sự nghiệp của đất nước, của dân tộc và nhân dân; đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước, để Việt Nam ta có cơ đồ xán lạn, một vị thế như ngày nay.
Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ trong và ngoài nước. Nhân dấu mốc kỷ niệm 40 năm thành lập, nhìn lại chặng đường đã qua cho thấy công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nội dung cơ bản của hoạt động Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; là kênh quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong việc lấy ý kiến để quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, dân tộc.
Hoạt động khoa học - công nghệ với nội dung nổi bật là nghiên cứu ứng dụng cũng được triển khai hiệu quả. Nhiều cán bộ khoa học có năng lực, tuy đã nghỉ hưu nhưng còn sức khỏe đã tích cực tham gia nghiên cứu ở các hội. Hằng năm có hàng trăm đề tài nghiên cứu từ cấp cơ sở cho tới cấp nhà nước đã được thực hiện ở các hội và các tổ chức khoa học - công nghệ. Công tác phổ biến kiến thức khoa học - công nghệ vào cuộc sống được đẩy mạnh.
Ngoài ra, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên, nhất là các hội ngành toàn quốc đã đẩy mạnh việc quan hệ quốc tế, tiếp tục phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Liên đoàn Các tổ chức kỹ sư ASEAN và mở rộng mối quan hệ với Hiệp hội Khoa học - công nghệ Trung Quốc, Hàn Quốc…
TSKH Phan Xuân Dũng bày tỏ mong muốn mỗi trí thức sẽ làm tròn bổn phận của mình đối với đất nước, dân tộc, phát huy những phẩm chất tốt đẹp như lòng yêu nước, tính tích cực xã hội, tính nhân văn, tính đạo đức, lối sống theo truyền thống dân tộc.
P.V