Tham dự Hội thảo "Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn”, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi về một trong những chủ đề đang được quan tâm nhất hiện nay.
Ngày 18/3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023 tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo "Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn".
Hội thảo có sự tham dự của: ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; TS Tạ Bích Loan - Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV3), Đài THVN; PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, cùng nhiều diễn giả khác.
Con đường báo chí đang đi luôn có sự đồng hành của AI
Đó là khẳng định của ông Lê Quốc Minh tại Hội thảo. Theo ông Minh, trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ các tòa soạn phân tích dữ liệu độc giả, sáng tạo nội dung, giảm bớt những công việc lặp lại, tốn công sức. Tuy nhiên, AI giống như con dao hai lưỡi, có thể khiến các tòa soạn cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí, thậm chí làm thay đổi cả mô hình kinh doanh đã tồn tại nhiều thập kỷ trong lĩnh vực quảng cáo digital.
Ông Lê Quốc Minh nêu một số công nghệ AI nổi bật được dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2023 như sản sinh ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng giọng nói, trợ lý ảo, sinh trắc học, học sâu…, Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo cũng gây ra nhiều vấn đề đáng quan ngại cần được giải quyết như: Ai sở hữu các bài viết do AI tạo ra? Nguy cơ của hoạt động xuất bản nội dung AI; Đối phó nội dung độc hại với báo chí sử dụng AI; AI đe dọa nguồn thu của báo chí và vấn đề đầu tư vào AI trong báo chí hiện đại.
Theo đó, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh sự đến cần thiết phải đầu tư vào AI trong báo chí. Cụ thể, trước sự bùng nổ mạnh mẽ của các công nghệ AI như ChatGPT, các cơ quan báo chí nên có cái nhìn rộng hơn, đầu tư AI không phải đơn giản chỉ là có những công cụ để viết bài, mà còn để ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, đơn cử như là để nắm bắt hành vi của người dùng. Các cơ quan báo chí cần hiểu rõ hành vi của người dùng để cá nhân hóa nội dung, đưa nội dung đến từng người đọc dựa vào sự nắm bắt về sở thích của họ.
“Trong một kỷ nguyên mà các cơ quan báo chí phải cạnh tranh về tốc độ, những tiêu đề hoặc tóm tắt do AI gợi ý có thể giúp công tác nghiên cứu và viết bài hiệu quả hơn đối với những nhà báo luôn chịu sức ép về thời gian.
Nhưng ngay cả khi số lượng các nội dung tự động hóa phức tạp tăng lên thì rõ ràng các tòa soạn không thể phụ thuộc vào mỗi AI để sản xuất ra các bài báo. Và mặc dù công việc của những nhà báo bằng xương bằng thịt chưa bị thách thức quá lớn thì các cơ quan báo chí vẫn phải thích ứng với một kỷ nguyên mới với sự hiện diện ngày càng lớn trong mọi lĩnh vực đời sống của trí tuệ nhân tạo”, ông Minh khẳng định.
Nhận diện giá trị cốt lõi của báo chí
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nêu quan điểm, sự xuất hiện của AI, điển hình như ChatGPT cho báo chí cơ hội để loại dần đi các loại lao động, kỹ năng cơ bản mà máy móc có thể làm như con người, thậm chí có thể làm tốt hơn. Thế nhưng, AI cũng cho chúng ta thấy đang phí sức, phí lực lượng như thế nào để tạo ra những sản phẩm báo chí giống nhau.
Qua đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh, chúng ta không làm ra công nghệ thì hãy ứng dụng nó, dùng nó để phục vụ cho chúng ta chứ không nên hùa theo xu hướng công nghệ mà đánh mất giá trị cốt lõi của báo chí, trở nên phụ thuộc, thậm chí bị AI kiểm soát.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) cho biết, công chúng của báo chí chính là con người. Do đó, dù công nghệ có phát triển đến đâu thì vẫn có một chỗ dựa cho báo chí là công chúng. Vì vậy, điều báo chí lựa chọn là làm sao phục vụ công chúng một cách tốt nhất. Tuy nhiên, sự bùng nổ của thông tin trên mạng xã hội hiện nay rất khó kiểm định. Cuối cùng, công chúng vẫn phải quay về giá trị cốt lõi là tính chính xác của thông tin, giá trị đạo đức và nhân bản trong thông tin. Do đó, công chúng sẽ tự cân bằng giữa việc tìm đến mạng xã hội và trở về với báo chí.
Còn bà Trần Lệ Thùy, học giả nghiên cứu báo chí (Đại học Oxford), Giám đốc Công ty sáng kiến truyền thông và phát triển MDI, cho rằng, AI như ChatGPT có thể giúp nhà báo rất nhiều trong tác nghiệp báo chí, giảm tải khối lượng công việc cho nhà báo đồng thời cũng nâng tầm khai thác thông tin của nhà báo.
Tuy nhiên hiện tại Chat GPT mới chỉ đang dừng lại ở việc đưa ra các ý tưởng viết bài hoặc viết những tin đơn giản. Đáng nói, bà Thùy đưa các dẫn chứng liên quan đến việc những thông tin, bằng chứng, đường link nguồn mà Chat GPT đưa ra vẫn cần phải được kiểm chứng, các chất liệu thực tế cũng cần tới nhà báo. Do đó, bà Thuỳ nhấn mạnh đến việc cần cảnh giác với AI.
Biến AI thành công cụ
Tại Hội thảo, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ bởi khác với con người. Hầu hết các ý kiến của các nhà báo, nhà quản lý báo chí, chuyên gia công nghệ và bản quyền số đều cho rằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí là một công cụ tốt.
“Tuy nhiên, AI không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí. Do đó, để làm chủ và sử dụng được công cụ số nói chung và các phần mềm ứng dụng AI nói riêng, mỗi nhà báo Việt Nam phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng. Bên cạnh đó cũng phải luôn học hỏi, thảo luận để có thể làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ chúng ta”, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng khẳng định.
Đặc biệt, trong bối cảnh hành lang pháp lý cho nền báo chí số của Việt Nam còn chưa theo kịp thực tiễn, những rắc rối pháp lý, sự đe doạ an ninh truyền thông, các vụ việc vi phạm bản quyền và các tranh cãi về đạo đức báo chí, trách nhiệm xã hội của báo chí khi ứng dụng báo chí tự động... là những thách thức lớn hiện nay.
Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cũng đưa ra những phân tích về việc AI hoàn toàn có thể trở thành công cụ đắc lực nhằm hỗ trợ nhà báo và toà soạn như: Trợ lý ảo của nhà báo và toà soạn; Trợ lý ảo trong sản xuất và phân phối nội dung số,…
Còn ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus.vn (TTXVN) đánh giá, việc tích hợp ChatGPT vào các toà soạn vẫn còn hơi hạn chế, đặc biệt khi chúng ta coi nó như một công cụ sáng tạo. Vai trò của ChatGPT là trở thành trợ lý của một biên tập viên AI, liên quan đến hoạt động tiền xử lý và xử lý hậu kỳ.
Còn đối với nhóm sản xuất, vai trò của ChatGPT chủ yếu liên quan đến việc lên ý tưởng và nghiên cứu, với tiềm năng thay thế Google trong tương lai. Vì bộ phận sản xuất thường chịu trách nhiệm đưa ra những ý tưởng mới, nên việc hội ý với ChatGPT cũng có thể là một ý tưởng hay.
Bên cạnh đó, AI cũng có thể được ứng dụng trong việc cá nhân hoá nội dung, phát triển thuê bao kỹ thuật số,…