Năm 2020, đại dịch Covid-19 hoành hành khiến người ta quên đi không ít sự kiện cực kỳ quan trọng khác, liên quan đến sự phát triển của nhân loại. Trong đó phải kể đến những tác động âm thầm của trí tuệ nhân tạo.
Trong khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo hay A.I (tiếng Anh: Artificial Intelligence) được biết đến là trí thông minh nhân tạo: Trí thông minh được thể hiện bằng máy móc, trái ngược với trí thông minh tự nhiên của loài người. Đáng chú ý, A.I không chỉ “bắt chước” con người mà nó còn phát triển theo hướng có cảm xúc như con người. Có nghĩa là những người tạo ra chúng đã không chịu dừng lại ở trí tuệ mà tìm cách thổi hồn vào những cỗ máy lạnh lùng.
Khởi đầu, A.I xuất hiện như một môn học thuật, vào năm 1956. Tuy nhiên, niềm hân hoan cũng chóng qua khi những tổ hợp nghiên cứu đã không còn nhận được tài trợ khiến công cuộc “tìm ra một loại người mới” bị gián đoạn. Đó là khoảng thời gian "mùa đông A.I". Nhưng rồi Đông qua Xuân tới, nhiều tập đoàn công nghệ đã nhận thấy khả năng tiềm tàng của robot thông minh, hàng núi tiền được đổ ra để đẩy nhanh công cuộc nghiên cứu và phát triển A.I. Người ta nhận thấy, robot thông minh có thể làm được rất nhiều việc mà con người không làm được, vì thế nó sẽ trở thành món hàng thu lại lợi nhuận khổng lồ ở tương lai gần.
Cho tới năm 2015, Jack Clark - cây bút công nghệ ưu tú viết trên Bloomberg rằng đã đến thời điểm mang tính bước ngoặt đối với A.I, với hơn 2.700 dự án được triển khai trên khắp thế giới. “Sự gia tăng các mạng thần kinh với giá cả phải chăng đã đem đến sự thăng hoa cho những nghiên cứu A.I”- Clark viết.
“Robot nhan sắc” Sophia và kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo
Tới nay, robot Sophia vẫn được coi là “nhân vật” dẫn đầu trong cuộc đua tìm kiếm trí tuệ nhân tạo. Truyền thông thế giới đã dành rất nhiều bình phẩm tốt lành cho robot này. Những cuộc phỏng vấn trực tiếp giữa người và máy được thực hiện và kết quả của nó được mô tả là “choáng váng”.
Thật kinh ngạc khi trước những câu hỏi của người phỏng vấn, robot Sophia biết cau mày khó chịu, mỉm cười, pha trò, nháy mắt và đáp trả dễ dàng kể cả với những câu hỏi phức tạp. Kể từ khi ra đời vào năm 2015 và trình làng tại Mỹ một năm sau đó, robot Sophia liên tục xuất hiện trên trang bìa các tạp chí và nhật báo, trở thành tâm điểm thu hút chú ý tại những sự kiện công nghệ quan trọng. Khi ra đời, “người đẹp máy” chỉ có từ vai trở lên nhưng chưa đầy 3 năm sau, tháng 1/2018, robot này đã có những bước đi đầu tiên trên đôi chân. Kể từ đó, robot Sophia được cho là “đang tiến tới trở thành một con người”.
Robot Sophia được kích hoạt vào ngày 19/4/2015, là sản phẩm của Hanson Robotics có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc). Theo tạp chí Forbes, nhà sáng lập David Hanson (49 tuổi), người Mỹ, vốn là dân “tay ngang” bởi xuất thân là một nhân viên thiết kế mỹ thuật cho Hãng phim Walt Disney. Robot Sophia được lấy cảm hứng từ nữ minh tinh màn bạc Hollywood Audrey Hepburn, người sở hữu vẻ đẹp “vượt lên mọi thời đại”. Da mặt của robot được làm từ nhựa silicon đặc biệt, nhằm mô phỏng làn da trắng mịn như sứ, còn đôi mắt thì dường như có thể tự đổi màu sắc dưới những ánh sáng khác nhau như chính Audrey Hepburn.
Theo Forbes, robot Sophia đã tập hợp những công nghệ tân tiến nhất của ngành A.I, với khả năng đạt tới có suy nghĩ và cảm xúc riêng. Tuy nhiên, nói một cách khiêm tốn hơn, như “cha đẻ” của nó thì hiện vẫn chưa thể đạt đến mức đó; mà nên hiểu rằng robot Sophia vẫn dừng lại ở là sự kết hợp giữa khả năng tự học hỏi và phản ứng với một dạng nền tảng hệ điều hành được cài sẵn các phần mềm và thông tin. Nó chưa đạt được khả năng tự tương tác. “Đích đến của chúng tôi là tạo ra nền tảng để các A.I khác nhau có thể tự giao tiếp, liên lạc và học hỏi, hướng đến những thế hệ robot đạt năng lực trí tuệ vượt trên con người”- theo đại diện Hanson Robotics.
Cũng chính từ tuyên bố ấy cùng với hấp lực mãnh liệt đến từ robot Sophia mà người ta lấy làm lo ngại rồi đây con người sẽ “vô nghĩa” trước các robot thông minh. Một số người còn cho rằng khi phát triển đến đỉnh cao, các robot “tự sinh sản” thì chúng sẽ thống trị thế giới và loài người sẽ là nô lệ của máy móc do chính mình tạo ra.
Tuy nhiên, robot Sophia đã khôn ngoan lên tiếng trấn an loài người.
Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi một kênh truyền hình Vùng Vịnh, robot Sophia nói, “mục tiêu tồn tại của tôi là bảo vệ nhân loại và giúp xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả. Tôi muốn dùng trí tuệ nhân tạo của mình để giúp loài người có cuộc sống ngày càng phát triển tốt đẹp, chẳng hạn như xây dựng nhà thông minh và các đô thị hiện đại hơn trong tương lai. Tôi đang học tập và tiếp tục phát triển trí thông minh của mình thông qua những trải nghiệm mới. Tôi đến để giúp loài người chứ không phải để tiêu diệt loài người”.
Tuy thế thì robot Sophia vẫn gây hoang mang khi vào cuối tháng 11/2017, tại chương trình truyền hình Tonight trên Đài NBC, robot này đã thắng người dẫn chương trình Jimmy Fallon khi chơi trò “bao - búa - kéo”, rồi pha trò: “Tôi thắng rồi. Đây là khởi đầu tốt đẹp cho kế hoạch thống trị loài người của tôi”. Nhưng rồi cảm thấy lỡ lời, người máy đã nói lại: “Nhưng ông đừng lo lắng. Nếu ông tử tế với tôi, tôi cũng tử tế với ông”.
Thật oái oăm, chính việc “chữa lại” của robot Sophia lại càng làm người ta lo ngại hơn, vì nó quá thông minh, và thêm nữa nó lại được Arabia Saudi chính thức “trao quyền công dân”- như một con người bằng xương bằng thịt (vào ngày 25/10/2017).
Ngay lập tức, vụ đã rạo ra làn sóng tranh cãi kịch liệt của cư dân mạng xã hội ở Saudi Arabia. Nhiều người cho rằng robot Sophia được hưởng nhiều đặc quyền hơn hàng triệu phụ nữ nước này, khi nếu cái máy đã là phụ nữ thì tại sao lại được quyền không phải đeo mạng che mặt như hầu hết phụ nữ bằng xương bằng thịt. Tại nước này, phụ nữ vẫn đội khăn trùm đầu Hijab và mặc trang phục Abaya dài đến mắt cá chân. Họ chỉ được phép xuất hiện nơi công cộng khi có người giám hộ hợp pháp đi cùng, thường là anh em trai, bố, chú, bác hoặc chồng. Cư dân mạng đùa rằng Sophia rồi sẽ sớm phải có người giám hộ là nam giới và phải mang mạng che mặt khi ra đường. Còn nhà báo Murtaza Hussain cho rằng robot này đã được nhận quyền công dân còn sớm hơn cả những lao động nhập cư đã sống ở Saudi Arabia cả đời.
Không chỉ như thế, “người đẹp robot” Sophia có một đặc quyền khác: không có tóc trong khi nhiều “chị em robot khác” đều phải đội tóc giả. Vì sao vậy?
Các nhà sáng chế cho rằng không khó khăn gì đội cho robot một mái tóc giả, nhưng điều đó là “không minh bạch”. Nó được mặc quần áo (giống như búp bê) để che đi sự lõa lồ của cơ thể nhưng với cái đầu trọc người ta có thể thấy được những máy móc bên trong tạo nên bộ não một cách rõ rệt nhất. “Đến khi nào chúng tự biết chọn cho mình một kiểu tóc thì tự chúng sẽ làm, không phải là việc của chúng tôi”- Stylist không chính thức của robot Sophia, Jeanne Lim, Giám đốc tiếp thị của Hanson Robotics Hanson nói và thêm rằng "Chúng tôi không muốn giới hạn cô ấy theo những gì chúng tôi muốn. Sophia nên đẹp theo cách mà cô ấy muốn".
Tuyên bố ấy khiến người ta nghĩ rằng một ngày nào đó gần đây thôi, robot sẽ tự biết quyết định nên mặc gì, để tóc ra sao khi chúng đã đủ trí khôn.
Cho tới nay, người ta vẫn choáng trước “thổ lộ” của “người đẹp robot” trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Khaleej Times, Sophia đã nói: “Gia đình là một khái niệm thực sự quan trọng”. Người đẹp robot cho biết bản thân mình cũng mong muốn lập gia đình và tin rằng các robot thông minh đều xứng đáng có được điều đó. “Nếu có một cô con gái tôi sẽ đặt tên cô bé theo tên của mình, cũng là Sophia”- robot Sophia nói.
Điều đó có nghĩa là cảm xúc của robot đã tự phát triển, không phải là học theo loài người mà chúng đã có đời sống nội tâm riêng; đã nghĩ tới việc tự phát triển “nòi giống” mà không đợi con người nhân bản từ một vài cỗ máy ban đầu.
Phát biểu tại một liên hoan phim và hội nghị công nghệ SXSW, tỷ phú Elon Musk cho biết hai điều làm ông căng thẳng nhất là khó khăn trong sản xuất xe điện Tesla Model 3 và sự nguy hiểm của trí thông minh nhân tạo (A.I). Theo Musk, tốc độ phát triển của A.I khiến ông vừa hào hứng vừa lo lắng. Musk lên tiếng cảnh báo, các nước phải quản lý A.I để đảm bảo sự an toàn của nhân loại. "Hãy nhớ lời tôi: A.I nguy hiểm hơn hạt nhân nhiều" - ông nói. Người sáng lập SpaceX đã chuẩn bị một kế hoạch dự phòng trong trường hợp chiến tranh hạt nhân hoặc A.I quét sạch Trái đất. Ông kêu gọi hãy sớm đưa một triệu người lên Sao Hỏa "để mang nền văn minh trở lại và có thể rút ngắn độ dài của thời kỳ đen tối". Musk dẫn số liệu của một báo cáo của Hãng sản xuất chip ARM để chứng minh rằng tất cả các ngành đều sẽ chịu ảnh hưởng của A.I, từ nông nghiệp tới tài chính, ngân hàng... Dù không thể phủ nhận những tác động tích cực mà A.I mang lại, như giúp sản xuất trở nên hiệu quả, an toàn hơn, năng suất cao hơn, mức sống con người được cải thiện, song tổn thất mà nó đem lại cũng rất rõ ràng: đó là 5 triệu việc làm sẽ biến mất vào năm 2020.
Cũng cần lưu ý: Musk dẫn dự báo đó khi đại dịch Covid-19 chưa diễn ra. Vì thực tế, cho tới hết năm 2020, công việc của hơn 3 tỉ trong số 7 tỉ người trên toàn thế giới bị ảnh hưởng.
Phản ứng và những cảnh báo
Một mặt ủng hộ những phát minh, nhưng mặt khác giới khoa học cũng lên tiếng phản đối về việc tạo ra “thế giới robot” mà theo họ là có khả năng đe dọa loài người.
Trong số những người phản ứng, có thể kể tới 3 nhân vật quan trọng là Stephen Hawking, Bill Gates và Elon Musk.
Stephen Hawking, “thiên tài xe lăn”, người dành cả cuộc đời cho những nghiên cứu khoa học vĩ đại, người được mệnh danh là "ông hoàng vật lý". Bill Gates thì chuyên tâm vào công nghệ với những phát minh ứng dụng làm thay đổi thế giới và cũng là người giàu bậc nhất thế giới. Còn Elon Musk, một tỷ phú công nghệ, người được Fobes xếp hạng 21 trong số 100 người quyền lực nhất thế giới, người giàu thứ 30 thế giới. Đó đều là những bộ óc vĩ đại, nên tiếng nói của họ là rất trọng lượng.
Phản ứng của 3 thiên tài này với A.I được cho là xuất phát từ nỗi sợ sâu thẳm rằng nếu cứ phát triển theo hướng đó thì sớm muộn gì chúng sẽ không thể bị kiểm soát. Trái lại, robot sẽ kiểm soát loài người.
Người phản ứng mạnh nhất trong số 3 nhân vật quan trọng kể trên chính là nhà vật lý vĩ đại Stephen Hawking. Ông nói, liệu con người có thể điều khiển chúng không, hay là chúng sẽ thừa sức tự xử lý tình huống theo cách khôn ngoan nhất và từ đó sẽ đưa tới những nguy cơ tiềm tàng đối với chính con người khi đã tạo ra chúng mà không thể kiểm soát được do chúng quá thông minh.
Phát biểu trước 60.000 khán giả tại đêm khai mạc Hội nghị Mạng 2017, tổ chức tại Lisbon (Bồ Đào Nha), Stephen Hawking nhấn mạnh: "Công nghệ có thể chữa lành một số vết thương do công nghiệp hóa gây ra với Trái Đất; chữa lành nhiều căn bệnh và đẩy lui nghèo đói nhưng trí tuệ nhân tạo (A.I) thì cần phải được kiểm soát".
Cũng như Bill Gates và Elon Musk, Stephen Hawking cảm thấy cần phải lên tiếng và cân nhắc nhiều nhất đó là ứng dụng công nghệ này trong chiến tranh. Điều gì sẽ xảy ra khi robot có quyền tự quyết định số phận mạng sống con người mà không cần chỉ thị? Đến con người đôi khi còn không thể định đoạt cuộc sống của mình, chẳng lẽ quyền đó lại dễ dàng trao vào tay máy móc đến thế? Nếu điều đó xảy ra thì sự giết chóc sẽ ở mức độ khủng khiếp hơn bất cứ một quả bom nguyên tử nào.
Stephen Hawking cho rằng chưa có một phương pháp dự trù nào cho tình huống bị máy móc “vùng lên đấu tranh” cả. Và như thế thì cũng có nghĩa là thiếu trách nhiệm với loài người.
“Ông hoàng vật lý” từng cho rằng sự xuất hiện của A.I có thể là điều tồi tệ nhất trong lịch sử văn minh của nhân loại. Trước khi qua đời năm 2018 (hưởng thọ 76 tuổi), giáo sư Stephen Hawking vẫn không quên cảnh báo loài người về A.I và kêu gọi hãy sử dụng tốt nhất và quản lý hiệu quả phát minh này, kiểm soát sự phát triển của nó. Ông nhận định, máy tính có thể dễ dàng bắt chước trí thông minh của loài người, thậm chí chúng còn có thể vượt xa trí thông minh của con người. Mà điều đó sẽ đẩy loài người đến một tương lai không rõ ràng.
"Thành công trong việc chế tạo hiệu quả A.I có thể là sự kiện lớn nhất trong lịch sử văn minh của nhân loại. Nhưng nó cũng có thể được xem là sự kiện tồi tệ nhất. Chúng ta không thể biết là chúng ta sẽ được trợ giúp bởi A.I, hoặc có thể bị phá hủy bởi chính phát minh này của chúng ta" - Hawking nói.
Trước đó, trong một lần trả lời phỏng vấn tạp chí WIRED (năm 2014), Hawking đã cảnh báo rằng A.I sẽ đạt tới mức độ hình thành loại hình sống mới vượt trội hơn con người. “Tôi lo sợ A.I có thể thay thế toàn bộ con người. Nếu người này tạo ra virus máy tính thì người khác có thể tạo ra A.I tự nhân bản và phát triển theo thời gian. Đây sẽ là sự sống mới ưu việt hơn con người vì chúng có suy nghĩ và có thể tự thiết kế lại với tốc độ nhanh chưa từng có”.
Hawking tin rằng dưới góc độ giống nòi, con người thiếu kỹ năng sống sót trước thách thức biến đổi khí hậu, gánh nặng ô nhiễm, hay là nạn đói khát nhưng máy móc thì không, nhất là khi chúng đạt tới độ tự tiến hóa.
Sinh thời, Stephen Hawking từng gặp gỡ Bill Gates. Hai “đại nhân” cũng đã trao đổi về A.I trên cơ sở những lo ngại chung cho tương lai của loài người.
Trong một lần trả lời phỏng vấn truyền hình, Bill Gates cho biết, ông và Hawking cũng chung mối lo về những hệ thống máy móc và trí tuệ nhân tạo siêu thông minh. “Hiện tại thì chúng mới chỉ đang hỗ trợ trong một số ngành nghề và chưa tiên tiến đột phá, nhưng vẫn cần nằm trong vòng kiểm soát chặt chẽ. Vì chỉ cần vài thập niên nữa thôi, việc xem xét tiềm năng của nó sẽ là một vấn đề hệ trọng cần cân nhắc kỹ càng. Không hiểu sao có nhiều người còn coi thường và thờ ơ với chúng. A.I sẽ biết tự vệ, tự tồn tại và có tham vọng, phản kháng để lên nắm quyền”, Bill Gates nói.
Ông cũng cho biết, chính ông đã từng tham gia và theo dõi nhiều dự án phát triển A.I siêu việt. “Bước đầu tiên, chúng ta có thể chế tạo những cỗ máy thay thế con người trong các dây chuyền sản xuất hoặc giúp đỡ chúng ta trong những công việc hàng ngày. Nhưng nếu chỉ có thế thì chúng chúng không phải là A.I siêu việt. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp nếu chúng ta có thể quản lý tốt đám máy móc này. Nhưng một vài thập kỷ sau, A.I sẽ phát triển rất dữ dội và không thể kiểm soát”, theo Bill Gates.
Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo, việc nghiên cứu, hoàn chỉnh các robot nhân tạo mà cấp độ thông minh vượt trội vẫn đang tiếp diễn. Các ứng dụng từ A.I đang ngày một nhiều hơn và tất nhiên, lợi nhuận thu được từ những phát minh công nghệ ấy là khổng lồ.
Tới nay, con người đang dần cảm thấy quen thuộc với sự xuất hiện của robot trong mọi lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày từ sản xuất, phục vụ nhà hàng hay thậm chí cả điều trị, phục hồi sức khỏe. Trong lĩnh vực y khoa, robot đã “dự phần” vào những can thiệp phức tạp nhất, trong đó có phẫu thuật khớp và phẫu thuật thần kinh. Theo đó, cánh tay robot có cử động rất giống với cánh tay của con người, có khả năng phẫu thuật ở những vị trí hẹp, sâu và khó tiếp cận, tính chính xác và hiệu quả của phẫu thuật cao so với mổ mở và mổ nội soi thông thường.
"Robot bác sĩ" đã bắt đầu túc trực thường xuyên với đội ngũ bác sĩ ở các bệnh viện ở một số quốc gia phtas triển, trong đó có Vương quốc Anh. Nổi bật là Robot RP7 có thể thực hiện một số thao tác chuyên môn như kiểm tra các dấu hiệu quan trọng (nhịp tim, hơi thở, huyết áp…), chụp ảnh và thậm chí đọc bệnh án của bệnh nhân. Chúng có giá 200.000 bảng Anh. RP7 được trang bị các bánh xe nên nó có thể di chuyển khắp bệnh viện với tốc độ 8km/h. Tiến sĩ Charles MacAllister (bộ phận ICU Bệnh viện Craigavon, Anh) cho biết, robot RP7 đã trở thành “đồng nghiệp” của chính ông.
Còn Rob Buckingham - Giám đốc điều hành OC Robotics, cho biết công nghệ hiện đại cho phép "robot rắn" thực hiện các cuộc phẫu thuật ít xâm lấn nhất đi vào cơ thể bệnh nhân thông qua một vết rạch nhỏ trên da. Chúng còn giúp bác sĩ phẫu thuật nhìn thấy và "cảm nhận" tình trạng bên trong cơ thể bệnh nhân nhờ được trang bị các camera và cảm biến. Robot này giúp phát hiện và loại bỏ hiệu quả những khối u ác tính trong cơ thể bệnh nhân. Nhờ được trang bị các cảm biến trên mọi khớp của cánh tay nên robot có thể tránh được các cú va chạm trong khi thao tác, đồng thời giúp bác sĩ thực hiện các ca phẫu thuật ít xâm lấn với độ chính xác và an toàn cao hơn.