Từ ngày 10/10, mực nước triều cường đo tại trạm Cần Thơ đã lên mức 2,2 - 2,25 m, cao hơn báo động 3 từ 0,2 - 0,25 m; tương đương với triều cường cao lịch sử xảy ra năm 2019.
Nhiều tuyến đường mặc dù đã được nâng cấp, rất ít khi bị ngập trước đây thì nay cũng “thất thủ” như đại lộ Hòa Bình, đường 30/4… Còn lại, các tuyến phố lớn đông đúc người bị ngập nặng nhất là Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Mậu Thân, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Quyền…
Đặc biệt ghi nhận ngày 11/10 tại Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ, trên đường Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều, triều cường dâng cao, nước đã tràn vào nhiều phòng khám và chữa bệnh của bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện đã phải cắt điện, ngưng hoạt động nhiều phòng để vệ sinh và đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Tình trạng ngập xảy ra ngay sáng sớm đầu tuần đã khiến cho việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trước đó, nhiều phụ huynh đưa con em đi học rất vất vả qua những chặng đường ngập sâu nước. Anh Hùng Phước (21 tuổi) dân quân phường An Cư, quận Ninh Kiều cho biết, từ sáng sớm, hàng chục xe đã bị chết máy tại đoạn ngập sâu Lý Tự Trọng.
Anh Minh Trung, trú tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều cho biết, chứng kiến nhiều đợt triều cường trong vài năm gần đây nhưng cũng hoàn toàn bất ngờ với đợt triều cường này dâng quá cao. Anh Trung cho biết, cũng như nhiều người, anh vừa chạy xe vừa nơm nớp lo bị sụp xuống hố sâu vì nước dâng cao khó xác định được đường đi.
Còn ông Trần Phát Tài, nhà ở giáp sông Hậu, cho biết nước dâng nhanh không kịp xử lý nên 2 tủ đông và tủ lạnh cùng nhiều tài sản đồ đạc đã bị ngập sâu trong nước. Xót nhất là gần 3 công(3.000m2) ao nuôi cá nước dâng ngập bờ, cá bơi ra sông Hậu gần hết…
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn TP Cần Thơ cho biết, mực nước đỉnh triều trên các sông rạch còn tiếp tục lên cao và khả năng sẽ đạt đỉnh trong ngày 12/10. Đỉnh triều cao nhất trong đợt này có khả năng lên mức 2,2-2,25m, cao hơn mức báo động 3 từ 0,2-0,25m, xấp xỉ đỉnh triều cường lịch sử năm 2019 (2,25m).
Còn theo nhận định của UBND TP Cần Thơ, đây là đợt triều cường có đỉnh triều lên mức rất cao, sẽ gây ngập lụt tại một số nơi như khu dân cư ở vùng trũng thấp, ngoài đê bao và các cồn trên sông Hậu; ngập cục bộ ở một số tuyến đường trong đô thị, nhất là quận Ninh Kiều và Bình Thủy.
Ngay trong ngày chủ nhật (9/10) UBND TP Cần Thơ đã tiến hành cuộc họp khẩn triển khai các biện pháp ứng phó với đợt triều cường. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an, Bộ Chỉ huy quân sự, Đoàn thanh niên, UBND quận Ninh Kiều, UBND quận Bình Thủy chủ động xử lý sự cố ngập lụt các tuyến giao thông, xử lý ùn tắc, hỗ trợ người dân và phương tiện lưu thông… Trẻ bậc Mầm non, học sinh, học viên học tự học tại nhà từ ngày 11 đến 13/10 để ứng phó với đợt triều cường.
Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo ngành chức năng liên chủ động khắc phục sạt lở trên các tuyến giao thông, bố trí lực lượng phân luồng giao thông tại các giao lộ và các điểm ngập sâu; đồng thời hỗ trợ, cứu hộ xe của người dân khi bị chết máy, đảm bảo an toàn tuyệt đối với người dân và phương tiện qua lại. Giao Thành đoàn bố trí lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân lưu thông an toàn qua các đoạn đường ngập. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Điện lực thành phố kiểm tra, xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn lưới điện, trạm biến áp, nhất là các điểm bị ngập.
Riêng lãnh đạo UBND quận Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng tăng cường kiểm tra các van ngăn triều để hạn chế tối đa nước từ sông Hậu theo các đường cống chảy ngược vào, kiểm tra các nắp hố ga trên các tuyến đường, vỉa hè, tránh hố sâu tại các miệng cấp thoát nước…
Ông Phùng Tiến Dũng - Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia) cho biết, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên và có khả năng đạt mức cao nhất trong ngày 11/10. Hôm nay, 12/10, biến đổi chậm. Đỉnh lũ trên sông Tiền tại trạm Tân Châu ở mức 3,7m, trên BĐ1 0,2m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc ở mức 3,3m, trên báo động 1. Tại các trạm hạ nguồn sông Cửu Long lên mức báo động 2-báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và các vùng trũng thấp, ven sông tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long, đề phòng tình trạng sạt lở bờ bao, đê bao yếu tại các vùng xảy ra ngập lụt.