Xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) có nhiều sản phẩm nổi tiếng như bưởi Phúc Trạch, đũa cau.. và được coi là thủ phủ của cây dó trầm.
Ông Đinh Công Vượng (87 tuổi, thôn 5 xã Phúc Trạch) cho biết, từ cuối thập niên 70, đầu những năm 80, làn sóng mua trầm hương của các thương lái ngoại tỉnh bắt đầu mạnh. Từ đó bà con đã phát quang cải tạo vườn tạp để trồng và ươm cây dó. Những mảnh đất hoang hóa, hay bờ bụi rậm rạp đã được thay thế bằng cây dó trầm.
Dó trầm là cây gỗ lớn, có chiều cao trung bình từ 20 - 25m, vỏ cây nhẵn có màu xám, gỗ có màu vàng nhạt, lá cây có hình bầu dục, hình trứng hoặc hình ngọn giáo. Cây có tuổi từ 4 - 5 năm sẽ bắt đầu ra hoa kết trái.
Toàn bộ thân, rễ, lá của cây dó trầm đều được sử dụng để tạo nên những sản phẩm riêng biệt như làm hương, vòng đeo tay, đồ mỹ nghệ. Trên thị trường hiện nay, gỗ cây dó trầm được ưa chuộng và có giá thành rất cao. Đặc biệt, những cây dó trầm tự nhiên còn có giá lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ông Vượng cho biết, chỉ có vùng đất xã Phúc Trạch mới có loại sâu đục thân cây dó trầm và sinh ra trầm. Không phải cây dó trầm nào cũng có thể tạo ra trầm hương, nên nhiều cây không có sâu ăn, người dân phải dùng vật sắc nhọn để đục, khoan thân cây thành các lỗ nhỏ để tạo trầm nhân tạo. Cây dó trầm phải trải qua một khoảng thời gian khá dài (từ 10 năm trở lên) mới có thể khai thác được. Cây càng lâu năm thì chất lượng trầm càng tốt. Hiện nay, mỗi kg gỗ dó trầm thành phẩm có giá dao động từ 3 - 15 triệu đồng, những cây có trầm đặc biệt lâu năm giá lên đến 30 triệu đồng/kg, thậm chí cao hơn tuỳ vào chất lượng trầm. Loại trầm được ưa chuộng và giá cao nhất là trầm được tạo nên bằng cách tự nhiên trên 30 năm tuổi.
Theo người dân xã Phúc Trạch, ngoài các vườn ươm cung cấp cây dó trầm giống, bà con còn thu mua cây dó trầm từ 4-5 năm tuổi ở các địa phương lận cận không có khả năng sinh ra trầm về trồng, để nhanh tạo trầm và rút ngắn thời gian thu hoạch.
Ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết, hiện tại trên địa bàn xã có trên 360ha trồng cây dó trầm. Nhiều hộ dân chuyển đổi từ diện tích giao khoán đất rừng sản xuất trồng keo, tràm sang trồng cây dó trầm. Cây dó trầm là một trong những loại cây kinh tế chủ lực của địa phương, nhờ có loại cây này mà tỷ lệ hộ nghèo trong địa bàn xã giảm, nhiều hộ gia đình có thu nhập khá giả từ loại cây này.