Năm học mới 2024 - 2025 chỉ mới qua đi hơn một tháng, nhưng đã có biết bao chuyện xảy ra trong môi trường học đường ở nơi này, nơi kia, thu hút sự quan tâm của dư luận; đồng thời cũng khiến nhiều người lo lắng về những lỗ thủng trong văn hóa ứng xử học đường, mà nếu không kịp thời vá lại, e vết rách lớn sẽ khó lành.
Chuyện học trò đánh nhau không mới, nhưng biết bao giải pháp đã được đưa ra mà tần suất bạo lực học đường không những chẳng giảm, lại có phần gia tăng đã khiến người ta đặt câu hỏi về mục tiêu và hiệu quả của giáo dục. Sau những vụ bạo lực học đường gây chấn động dư luận ở các năm học trước, ngành giáo dục đào tạo đã tổ chức rất nhiều hội thảo, đưa ra rất nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. Các chuyên gia gắn trách nhiệm, vai trò của giáo viên chủ nhiệm, người đứng đầu các nhà trường, người đứng đầu ngành giáo dục ở các địa phương. Còn phía nhà trường luôn mong muốn có sự chung tay của gia đình, xã hội để sớm chấm dứt nạn bạo lực học đường.
Nhưng có mới chỉ là những giải pháp vĩ mô. Nhìn một cách sâu xa hơn, nếu mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui theo đúng nghĩa, hẳn những việc không vui cũng giảm đi rất nhiều. Đơn cử như khi các con tôi còn học tiểu học, cháu đi học về phụng phịu hôm nay cô mắng những bạn làm bài sai là “Trông đầu to, nhưng óc chỉ bằng quả nho”…
Rồi mỗi ngày đi học về bọn trẻ đều kể những câu chuyện trên lớp, trong đó lời cô giáo là những điều chúng nhớ nhất. Cô hay mắng cả lớp khi mất trật tự: “Ý thức của các anh, các chị không bằng… con vật”…
Không ít giáo viên chủ nhiệm có tâm lý kỳ thị nghề nghiệp của phụ huynh học sinh, phân biệt đối xử với những em có hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh sống kém may mắn hơn những bạn khác. Thành thử các em bị thiệt thòi đến 2 lần.
Ở bậc học cao hơn tâm lý của học sinh đã phát triển, dẫn tới những thay đổi trong ứng xử, hành vi. Vậy nhưng không phải giáo viên nào cũng quan tâm đúng mức. Có những vụ việc học trò thông tin với cô về việc bạn này, bạn kia đánh nhau trong nhà vệ sinh, ở nhà để xe… thì giáo viên chủ nhiệm nói phải chờ đến cuối tuần có tiết sinh hoạt lớp cô sẽ nhắc nhở sau, vì hiện cô còn bận có giờ ở những lớp khác. Vậy là học trò tự giải quyết những mâu thuẫn ấy ở bên ngoài nhà trường, trong sự cổ vũ thiếu hiểu biết của tuổi mới lớn, không ai can ngăn, chỉ lăm lăm quay clip để đưa lên mạng xã hội. Trong khi nếu giáo viên chủ nhiệm sâu sát hơn, đã kịp thời ngăn chặn một vụ đánh nhau không đáng có.
Ấy là chưa kể đang có tâm lý ngại va chạm với giáo viên chủ nhiệm, ngại va chạm với nhà trường của đại bộ phận phụ huynh nói chung. Ai cũng sợ đứng ra phản đối chủ trương của nhà trường/của Ban phụ huynh đưa ra. Họ ngại nếu phản đối việc nhà trường hay cô giáo tổ chức dạy thêm thì con mình sẽ bị trù úm, cô lập, kỳ thị ngay trong lớp học bởi chính sự thiếu cảm thông từ phía người thầy. Mà chuyện này đã và đang xảy ra trên thực tế.
Tất cả vì con - ai cũng nói thế, nên những buổi họp phụ huynh chỉ là họp hình thức, những ông bố bà mẹ đi họp cốt để đóng tiền quỹ lớp. Ý kiến góp ý của phụ huynh không được ghi nhận/tiếp thu, thế mới có chuyện sau đó họp phụ huynh trên mạng xã hội sôi nổi hơn họp ở trường.
Năm học 2024- 2025 là năm học phủ sóng thực hiện chương trình GDPT 2018 (mới) ở tất cả các cấp học. Trong khi mục tiêu chương trình mới không đặt nặng điểm số mà chú trọng năng lực, phẩm chất của người học, gắn với đổi mới toàn diện giáo dục. Từ đó định hướng những ngã rẽ cuộc đời cho học sinh từ rất sớm dựa trên năng lực, sở trường, điều kiện sống…
Việc thực học, thực nghiệp giúp cho người học có công ăn việc làm phù hợp, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Trong khi ấy, nếp giáo dục vẫn theo kiểu “bình mới rượu cũ”, vẫn còn tâm lý trọng điểm số trong đánh giá người học mà xem nhẹ việc dạy làm người.
Trước tình trạng văn hóa ứng xử học đường chuệch choạc thời gian qua - nhìn từ phía người thầy, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, hiện việc đào tạo về đạo đức cho giáo sinh chưa được chú ý nhiều trong các chương trình đào tạo. Thậm chí, ngay cả đối với giáo viên đã ra trường, ngành giáo dục cũng chỉ chú ý đến việc đào tạo kiến thức, mà không có sự rèn luyện về đạo đức phẩm chất và hành vi ứng xử của giáo viên.
Không ai khác, mỗi thầy cô giáo chính là những người dẫn dắt, định hướng; là tấm gương về tinh thần kỷ luật và nhân cách trong môi trường học đường.