Người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hay truyền tai nhau câu nói “Tháng bảy nước nhảy lên bờ” để báo hiệu mốc thời gian khi mùa lũ về. Tuy nhiên đến nay đã qua rằm tháng 7, nhưng người dân vùng ĐBSCL vẫn đang trông vời con nước…
Nhiều ghe xuồng neo đậu chờ lũ.
Làng nghề ngóng lũ
Những năm về trước, đến thời điểm khoảng đầu tháng 7 âm lịch là con nước lũ từ đầu nguồn sông Mekong bắt đầu đổ về tràn đồng ở vùng thượng nguồn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Gọi là lũ nhưng thực ra là mùa nước nổi, vì lũ ở ĐBSCL hiền hoà, mang tôm cá và phù sa về bồi đắp cho mảnh đất này chứ không phải lũ quét, lũ ống. Cuộc sống của người dân ở vùng lũ này cũng ổn định và có thu nhập khá nhờ vào mưu sinh cùng mùa lũ...
Để phục vụ và khai thác nguồn thuỷ sản trời cho từ mùa lũ, nhiều làng nghề theo đó cũng ra đời như làng lọp bắt cá linh ở cồn Cốc, thuộc xã Phước Hưng, huyện An Phú và làng lưỡi câu ở phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên của tỉnh An Giang; làng lưới Thơm Rơm ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ; làng đóng xuồng rạch Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp…
Tuy nhiên thời điểm này đi dọc tuyến biên giới đầu nguồn sông Hậu, giáp với Campuchia, ruộng đồng khô ráo, ao hồ cạn kiệt nước. Người dân ngồi “ngóng” lũ, các làng nghề cũng mong mỏi lũ về.
Chị Nguyễn Biên Cương ở xã An Phước (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) cho biết: Hơn 40 năm sống ở vùng rốn lũ nhưng chưa thấy năm nào nước lại khan hiếm như năm nay. Nước mỗi năm mỗi ít đi, thời điểm này năm trước, nước cũng lên tràn mặt ruộng đồng, người dân khai thác cá linh non kiếm khá tiền mỗi ngày.
Dạo quanh các ngôi làng thấy buồn tẻ, đìu hiu, không còn như khoảng vài năm về trước tấp nập cảnh nhà nhà làm các dụng cụ để phục vụ khai thác thuỷ sản. Làng lưỡi câu phường Mỹ Hòa hiện chỉ còn vài hộ dân vẫn còn bám trụ với nghề, số còn lại đành bỏ đi nơi khác làm ăn. Ông Nguyễn Văn Thu, phường Mỹ Hoà nhớ lại: Không nói đâu xa, chỉ vài năm trước để đáp ứng lưỡi câu cho mùa lũ ngoài 6 thành viên trong nhà làm cật lực vẫn phải thuê thêm 2 nhân công nữa, năm nay mình tôi làm lai rai lúc nhàn rỗi mà số lượng lưỡi câu vẫn còn nhiều. Nhớ lại thời trước mà thấy ham, sản xuất ra bao nhiêu là thương lái đến lấy hết bấy nhiêu...
Còn ông Nguyễn Văn Mách, ở xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang, đinh ninh rằng năm rồi nước ít, năm nay đổi mùa nước sẽ về nhiều hơn. “Từ giữa tháng 6 âm lịch gia đình đã mua sắm các ngư cụ xuồng, lưới, dớn để sẵn sàng đón lũ. Nhưng hơn 1 tháng qua ra vào trông ngóng mà có thấy nước lên ruộng đâu. Vợ chồng thằng trai cả để 2 đứa cháu ở nhà cho ông bà chăm, chúng nó lên Bình Dương đi làm công nhân rồi”… - ông Mách buồn bã nói.
Đến làng lưới Thơm Rơm ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, lượng lưới còn tồn rất nhiều ở các cửa hàng bày bán dọc tuyến Quốc lộ 91B, lâu lâu mới có một người đến hỏi mua lưới, mà không phải để mua khai thác lũ mà mua về làm dèo nuôi cá ở sông. Cơ sở sản xuất Hữu Tý của ông Lê Hữu Quý những năm trước tấp nập nhân công, có lúc lên tới vài chục người, nhưng năm nay đến thăm chỉ còn vài người làm cầm chừng. Ông Quý cho biết: “Không chỉ người dân ở vùng đầu nguồn ngóng lũ, mà chúng tôi còn hóng hơn cả họ, có lũ về chúng tôi mới bán lưới, lờ, lọp được chứ”…
Ghé thăm cơ sở đóng ghe, xuồng của anh Trần Bá Ngữ ở ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Tâm sự với chúng tôi, anh Long nhớ lại thời trước, có lúc cao điểm cả xã này xuất đi cho các tỉnh trong vùng ĐBSCL vài trăm chiếc xuồng, nhưng hiện nay số lượng này chỉ đếm trên đầu ngón tay…
Nhiều hệ luỵ
Có thể nói, năm nay lũ lại sẽ không về ĐBSCL, theo chia sẻ của người dân, không có lũ vùng đất này sẽ hứng chịu nhiều hệ luỵ, gần nhất là đời sống của người dân mưu sinh cùng với lũ bị đảo lộn hoàn toàn. Các làng nghề làm dụng cụ đánh bắt tôm, cá bắt đầu đìu hiu, nhiều lao động chuyển nghề đi nơi khác làm ăn. Địa phương cũng không dám chuyển đổi sản xuất vì không biết được con nước sẽ như thế nào. Lo lắng nhất là tình trạng sạt lở ven các con sông lớn và mặn xâm nhập.
Ông Lê Văn Kháng, ngụ ở huyện An Phú, An Giang nhìn mực nước dưới sông không lên được khỏi mé bờ cũng thốt lên: “Vậy là vùng này tiêu rồi”.
Anh Nguyễn Văn Mạnh ngụ ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú cho biết: Lũ không về, biết làm gì ra tiền đây, chúng tôi ở đây mùa kia đi làm lai rai, ai mướn gì làm đó, tập trung cho mùa lũ, năm nay nhìn nước vậy là tiêu rồi. Chắc phải dắt nhau lên Sài Gòn làm ăn, chứ ở đây hết nguồn lợi rồi”…
Trao đổi với ông Hồ Văn Mến - Tổ trưởng tổ 21, ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú được biết: “Ấp này 680 hộ dân, nhưng thanh niên đi làm ăn xa hết rồi khoảng 80%, chỉ còn lại những người già, trẻ con. Tổ này có 21 hộ nhưng nhà nào cũng có người đi thành phố. Giờ trong xóm này như xóm người già”.
Người dân vùng lũ chỉ nhìn thấy hệ luỵ trước mắt khi lũ không về là không có tôm cá, không có thu nhập, không có phù sa bồi đắp cho đồng ruộng. Nhưng các nhà khoa học và nhà nghiên cứu về ĐBSCL lại lo lắng nhiều hệ luỵ như thay đổi sản xuất, sụt lún đất, thiên tai...
Nước cạn khô, người dân ngóng lũ về.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ - miền Tây thiếu lũ sẽ thiếu đi lượng phù sa bồi đắp và giữ đất. Nước ngọt không đủ, nước mặn sẽ lấn sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến trồng trọt, sản xuất nông nghiệp và thiếu nước sinh hoạt. Lũ không về sẽ ảnh hưởng đến việc rửa phèn, rửa tạp chất trong đất, gây ra nhiều loại sâu bệnh, thiệt hại trong canh tác nông nghiệp, nhất là trồng lúa.
Các chuyên gia cho rằng, lũ không có, trong đó nguyên nhân chính là do đập thủy điện ở thượng nguồn sông MeKong ngăn dòng chảy gây ra thiếu nước, thay đổi dòng nước vùng hạ nguồn. Các chuyên gia cảnh báo nếu các đập thủy điện đầu nguồn đồng loạt xả nước, khi đó ĐBSCL sẽ hứng lũ dâng cao bất ngờ, rất khó trở tay, hậu quả sẽ khôn lường.
Theo khuyến cáo của ThS. Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL - thì về lâu dài cần khôi phục không gian của dòng sông, để nước có thể vào lại ruộng đồng, bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Lũ vào được 2 vùng này thì bên dưới sẽ bớt ngập, còn bớt đê bao khép kín để nước có thể vào vườn tược lại trữ được nước. Như vậy sang mùa khô, đồng bằng sẽ bớt khô hạn và xâm nhập mặn sâu…