Đấy là khi tôi nhớ đến hương thơm khói mỏng bảng lảng quanh các ban thờ nhà chùa mỗi ngày đầu năm lại được theo bố mẹ đi lễ. Và sang ngày mùng 2 Tết về quê ngoại, lại theo các bác, các dì lên chùa làng. Trong lạnh, trong gió hút mùa xuân qua ô cửa những gian chính điện, đèn không bật hết nên vẫn chỗ sáng chỗ tối, trong hương nhang thoảng đưa, những ban thờ đầy hoa quả, bánh kẹo và hàng chục tấm chiếu rải khắp nền chùa như khiến không gian co lại, thêm ấm hơn.
Trước mắt tôi đây, những pho tượng dàn hàng ngang theo các ban thờ hai bên, từ hai ông Hộ pháp lừng lững, tiếp nối sang một bên là Thánh tăng, một bên là Đức Ông. Sau này đến những chùa lớn hơn, vòng ra ngoài hành lang còn có tượng 18 vị La Hán, rồi những ban thờ Thổ công, những Kim Đồng Ngọc Nữ, một số vị quan của đất này xưa. Rồi những tượng trong nhà thờ tổ, những tượng bên nhà thờ Mẫu, trùng điệp những tượng nhỏ sặc sỡ theo các khối giả núi cao, hang động, suối xa…
Những pho tượng đủ mọi kích cỡ gợi nhiều tưởng tượng về các câu chuyện cổ, những thế giới của tiên, phật, thiên đường, địa ngục. Lại thêm lời căn dặn quá đỗi nghiêm ngắn của mẹ tôi là vào chùa phải đi thật khẽ, không được chạy nhảy, đùa cợt, nói to, ồn ào, không là các ông phạt cho đấy!
Vì thế, đi lại qua các gian thờ, những hành lang, vòng từ lối này sang lối nọ, nhìn qua vai, qua tay, qua những mũ mão, nếp áo các vị, lại thấy tầng tầng, lớp lớp những bóng tượng, bóng người khác như một nơi đông đúc, đang chuyển động, hay chỉ có ngồi không thôi, mà như vẫn đang nghĩ điều gì đấy, đang... sắp làm một việc gì.
Tôi chỉ lo trong những việc đó, các vị sẽ không quên cái việc quở phạt mình chẳng hạn! Và không phải thế thì mình có thể thả lỏng suy nghĩ ra mà tin rằng có vị đang nghĩ chuyện thưởng, phạt ai đó trong đời, các vị đang đi mây về gió để đến khắp thế gian, có vị đang tu luyện ở những nơi núi sâu rừng thẳm… Nghĩ đến, đã thấy lung linh những điều kỳ thú mà những tượng, những người trước mắt, đang và sẽ là như thế.
Tôi không ở làng quê, hay cũng như nhiều trẻ con trên phố phường, ít dịp theo bà, theo mẹ lên chùa những ngày rằm, mùng 1, mà thường sẽ được đi vào dịp Tết. Vì thế với tôi, nhà chùa gắn với mùa xuân, một ngày xuân thâm nghiêm và lành lạnh. Nước dưới ao chùa nhìn cứ leo lẻo, lạnh cả mắt mà tôi hay tưởng tượng nhỡ ngã xuống thì tất cả áo len, quần bò dày cộp của mình đây sẽ ngấm sũng nước, có mà chết lạnh.
Ngày xưa ngôi chùa quê có gian thờ Đức Ông nằm quay hẳn ra “sườn chùa”, trông thẳng ra mặt ao, nối từ gian thờ chính sang, qua một cửa tò vò nhỏ hẹp.
Từ bậc thềm trước cửa Đức Ông là bước xuống trước ao, bước ra vườn và sân sau chùa, đôi thân cau, mấy bụi ngâu, nhài, ven ao hàng râm bụt, những khóm cỏ mọc theo lối gạch rêu…, cả một vùng tiểu cảnh tự nhiên mà tôi đừng xem, vừa ngần ngại, vừa hứng thú.
Ai đó nói năm xưa, tôi được bán khoán vào cửa Đức Ông, chắc do yếu đuối, ốm đau, vì thế tôi như là con nuôi của ngài. Khuôn mặt đỏ tía, cặp lông mày dày và bộ râu, ria đen nhánh hơi vểnh lên của ngài cùng đôi mắt xếch khiến tôi cảm thấy tượng như có gì… đời hơn, thực hơn nhiều những pho tượng khác trong chùa. Ngài có một chốn riêng thanh nhã.
Thấp thoáng bóng người trên con đường mùa xuân, chúng tôi dạo trên những lối đi của làng từ ngõ nhà lên ngõ chùa, từ ngõ chùa men con đường tắt bên đền thờ Đức Vua, qua chiếc cầu cong bắc sang con ngòi nhỏ, qua sân kho hợp tác, bước ra đường làng gặp một cổng chùa nữa và nhìn chếch về phía trước là đình làng.
Luôn như ảnh hình gì đó trong đầu khi chúng tôi đi qua những nơi thờ tự, bởi những khuôn mặt đuôi mắt dài hơi cụp xuống, bàn tay các ngón thon cong cong, những hình rồng, nét mây và cả con sư tử lông bờm xoáy ốc mà ông Hộ pháp ngồi lên… vẫn còn chưa tan hết, đã gặp những đường nét nhắc lại.
Là cây cột trụ trên nóc có con nghê, con phượng; những mặt rồng mũi to, mắt tròn oai vệ; những hình voi, ngựa đắp nổi đủ yên cương, ngai với những dây tua đắp nổi uốn lượn. Nhớ những câu chuyện quân ta đánh giặc, vua, tướng cưỡi voi, cưỡi ngựa xung trận, tôi đều tin rằng các linh vật này hẳn sẽ có ai đó cưỡi để đi làm những việc to lớn, quan trọng. Thế nên, bóng những tướng, những quan giáp trụ ngời ngời cứ phảng phất đường làng. Là con đường trong đầu tôi đang nghĩ đến, chứ không hẳn con đường rải đá ven sông mà những người lớn trong nhà vừa bước đi vừa cười nói.
Những câu chuyện tết năm nay, những ký ức tết năm ngoái, năm kia, năm xưa chợt nhắc, những lời gọi nhắc con trẻ đi dẹp vào bên đường, đừng chạy lăng xăng kẻo va phải xe đạp đi qua, những lời chào, hỏi thăm tết một hai ông bà cụ hay ai đó quen biết trên đường làng. Tiếng nói chào đi theo đường làng, theo các ngõ xóm. Nói đến đây thì hẳn ai cũng có thể mỉm cười nghĩ đến quê mình, làng mình, họ hàng nhà mình, ở nông thôn thì “dây dợ họ mạc” nối với nhau dài lắm, dày lắm. Các chi họ mọc ra cành nhánh mấy đời đã đông đúc lên không kể hết. Mà xưa thì nhiều khi các nhà chỉ phân bố, ăn ở trong làng thôi, có thể đời nào, ai đó làm dâu, làm rể những làng xóm lân cận hay quanh trong vùng thì cự ly vẫn lấy làm gần.
Và ngày Tết thì có thể không đi thăm nom đến là lắm nhà họ hàng như thế, nhưng anh chị em ruột thịt, một số anh chị em họ là con của bà cô, ông bác… thì thường mọi người đều đến chúc tết cho đủ mặt. Chưa kể những hôm hóa vàng ở nhà nào đó, nhất là ở nhà thờ tổ của họ, của chi họ thì người ra người vào tấp nập, hàn huyên xôn xao, miên man.
Cho nên về quê dịp Tết là đi, hết nhà này sang nhà khác, đông đúc, sôi nổi. Mà gần như nhà nào cũng chỉ chực bày mâm ra mời. Thật là chả mấy khi, cả năm anh em, con cháu, dâu rể mới được dịp họp mặt như thế này. Giờ tôi vẫn nghe những người bạn ở tuổi thanh niên, trung niên của mình kể vui những cuộc về quê ăn tết “tít thò lò”. Nhất là những ông con rể, có khi “bị lôi” hết nhà này sang nhà khác. Dù thế nào về quê về quán cũng phải đi thăm nom, chúc tụng, mừng tuổi các cụ, các ông, các bà chứ!
Nghĩ thế mà cũng lấy làm tiêng tiếc cho đời sống con người ta trong thời buổi mà lúc nào cũng vồi vội, cũng bận việc gì đó đương lo, đương nghĩ, ngay cả trong ngày Tết. Quê vợ miền Trung, quê chồng miền núi, ở thành thị nên từ 27, 28 tháng chạp đã phải lo sắp sửa mọi thứ “phi” về một bên trước để khoảng mùng 1 hay mùng 2, có khi sáng ngày 30 đã tấp tểnh khăn gói về quê bên kia. Mỗi năm lại xoay vòng hai nhà. Không xa xôi cách trở vùng miền thì ngay tỉnh này tỉnh kia cũng qua lại khá là “vất”. Rồi cũng đã sớm lo trước mấy ngày sau Tết trở về nhịp làm ăn, học hành, đã vội nhăn trán trong mấy ngày lẽ ra phải thật thong dong.
Thế nên ngoài ăn tết ở nhà bố mẹ đẻ, thì cái việc đi cho khắp lượt, đi đại diện một số nhà cũng không dễ lo cho hết được trong tháng ngày tất bật sự vụ này. Lo xoắn lên cho những ngày tết, đêm giao thừa còn cập rập dọn dẹp. Rồi thoắt một cái, ngẩng mặt lên đã thấy hoa đào vừa phai, lịch đã bóc sang ngày mùng 6.
Bên thềm xuân, cứ nghĩ lan man về những dáng người đứng, ngồi, bay lên trong miền vần vũ lấp lánh, những biểu tượng của từ bi, an nhiên và bao dung tha thứ, chở che, thần thông biến ảo cứu khổ cõi đời. Nghĩ về tháng năm xa tấp nập gia đình trên những đường làng đầu năm thân thuộc để nôn nao những điều đã mai một.
Và thoáng lên trước mặt, những hình ảnh gợi nên câu hỏi cho những đường xa bận rộn sự người. Thấp thoáng những bóng người xen kẽ, pha trộn, những biểu tượng thiêng, những bùi ngùi ngày qua, những bâng khuâng thực tại.
Mùa đang về đằng xa kia, có gì như hồi sinh, có gì như dự cảm…