Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Trục lợi trên nỗi đau

An Hà 22/12/2023 08:19

Việc mới đây Công an tỉnh Bắc Giang bắt tạm giữ 22 đối tượng giả danh bác sĩ, lừa đảo gần 75 tỷ đồng, khi mà chỉ hơn một năm đã bán trót lọt 80.000 đơn hàng thực phẩm chức năng cho hơn 20.000 người ở nhiều tỉnh thành, khiến dư luận thêm một phen “choáng váng”.

Theo Công an tỉnh Bắc Giang, 22 đối tượng đang bị tạm giữ đã giả danh y, bác sĩ để tư vấn, quảng cáo không đúng sự thật về tác dụng của thuốc chữa bệnh. Một nạn nhân cho biết đã bị một đối tượng tự giới thiệu là Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội lừa bán nấm linh chi tới 237 triệu đồng. Bệnh nhân tin tưởng mua về sử dụng, nhưng càng uống thuốc càng thấy mắt sưng to, nên đã tố giác tới cơ quan công an.

Khi công an vào cuộc đã phát hiện ra không có chuyện Giám đốc Bệnh viên Ung bướu Hà Nội lừa gạt, mà chỉ là nhân viên một công ty dược có địa chỉ tại Hà Nội, chuyên giả làm bác sĩ để lừa bán thuốc, với số tiền gấp từ 15-20 lần. Trong vòng hơn một năm, từ tháng 10/2022 đến khi bị bắt, nhóm đối tượng này đã bán thành công khoảng 80.000 đơn hàng thực phẩm chức năng giả cho hơn 20.000 người, thu được gần 75 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 12/2023, Cơ quan điều tra Công an huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) đã khởi tố bị can trong đường dây giả danh các bác sĩ bệnh viện lớn để bán thuốc giả. Vụ án này được sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi các đối tượng đã nhẫn tâm lừa người bệnh là những người già, người nghèo, thậm chí cướp đi cơ hội chữa bệnh của họ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Cầm đầu đường dây là đối tượng chuyên bán hàng đa cấp, “áp dụng kinh nghiệm” chuyển sang bán thuốc giả, chủ yếu là thuốc tiểu đường và huyết áp, do nhu cầu rất lớn. Nhóm lừa đảo này lên kịch bản hẳn hoi, giả danh bác sĩ của các bệnh viện lớn như Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, rồi chạy quảng cáo để bán thuốc qua mạng cho người bệnh.

Thật khó tưởng tượng được rằng mỗi hộp thuốc mà nhóm lừa đảo đặt sản xuất chỉ có giá 25.000 đồng, nhưng đã được bán với giá 2 triệu đồng. Đã thế, chúng còn tuyên truyền là “ưu đãi” cho người già, người có công, thương bệnh binh… với giá 700.000 - 1 triệu đồng/sản phẩm.

Từ tháng 5/2022 đến tháng 10/2023, nhóm lừa đảo đã bán được 12.817 đơn hàng cho hơn 8.000 bị hại ở 63/63 tỉnh, thành trên cả nước, thu về hơn 30 tỷ đồng. Thật đáng sợ khi đường dây này có tới 24 đối tượng giả danh bác sĩ, tiến sĩ, trưởng khoa... kể cả tự xưng là Thiếu tướng - Phó Giám đốc bệnh viện.

Lâu nay, tình trạng giả danh bác sĩ, bệnh viện để lừa đảo bán thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, nhất là bệnh mãn tính, bệnh nan y khiến xã hội rất bất an. Lợi dụng mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo ra sức quảng cáo sản phẩm phục vụ sức khỏe theo kiểu “một tấc lên trời”. Trong lĩnh vực Y học cổ truyền, các đối tượng còn “nhử mồi” bằng cách tự nhận là đông y gia truyền nhiều đời. Không ít đối tượng lên mạng khoe khoang chữa dứt điểm tiểu đường trong vòng 1 tháng.

Bán thuốc giả, cùng với cái gọi là thực phẩm chức năng đang làm thị trường sức khỏe vàng thau lẫn lộn, đen trắng không rõ ràng. Rất nhiều sản phẩm được dán nhãn thực phẩm chức năng mà người mua không thể truy xuất nguồn gốc. Từ việc quảng cáo loại thực phẩm chức năng giúp trẻ lớn nhanh như thổi, đến giúp trẻ chậm tiếp thu vụt thành “thần đồng” với vài triệu đồng. Lại có cả loại sữa dưới dạng thực phẩm chức năng giúp các cụ 80 “hồi xuân” trở về tuổi 40.

Đối tượng bị lừa nhiều nhất là các bậc phụ huynh lo cho con và người cao tuổi có bệnh nền, sức khỏe đã suy yếu.

Các đối tượng lừa đảo trong lĩnh vực sức khỏe từ chỗ dẫn dụ đến thao túng tinh thần để trục lợi. Đó cũng chính là hành vi trục lợi trên nỗi đau bệnh tật của người khác.

Do lợi nhuận cực cao nên cho dù nhiều nhóm lừa đảo dạng này đã bị bắt, nhưng chúng vẫn không biết sợ. Trên mạng xã hội vẫn nhan nhản những quảng cáo bủa vây nạn nhân. Vì thế, việc triệt phá những băng nhóm lừa đảo bán thuốc chữa bệnh rởm, thực phẩm chức năng rởm càng phải được đẩy mạnh. Cùng đó, người dân cần hết sức cảnh giác trước những dụ dỗ đường mật, cần nâng cao nhận thức để tránh cảnh “tiền mất tật mang”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trục lợi trên nỗi đau