Trường chuyên luôn là chủ đề nóng gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua bởi hệ thống này đang bộc lộ nhiều bất cập. Có nên xóa bỏ mô hình trường chuyên hay đổi mới phương pháp đào tạo trường chuyên như thế nào cho phù hợp?
Về vấn đề này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với GS.TS Nhà giáo nhân dân (NGND) Nguyễn Lân Dũng, ủy viên Ðoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; Phó Chủ tịch thường trực Hội các ngành Sinh học Việt Nam.
PV: Theo thống kê của Bộ GDĐT, đến năm 2020, cả nước có 77 trường chuyên. Dù chất lượng giáo dục trường chuyên cải thiện nhưng mô hình trường chuyên vẫn có những hạn chế. Phần lớn trường chuyên đang dừng ở mức là trường chất lượng cao và trường chọn mà chưa phải trường chuyên.Giáo sư đánh giá như thế nào về tính hiệu quả trong đào tạo của trường chuyên hiện nay?
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi tham gia giảng dạy lâu năm ở bậc đại học nên chỉ theo dõi về hiệu quả trong đào tạo của các trường chuyên qua sách báo và qua các cuộc thảo luận gần đây. Ý kiến của số đông về vai trò của các trường chuyên trong việc đào tạo nhân tài là không thể phủ nhận. Những trường chuyên có nhiều thành tích cụ thể với những học sinh đạt thành tích cao trong thi cử như: Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh), Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Tôi cũng có dịp đến nói chuyện cho học sinh một vài trường chuyên ở miền Bắc và tôi thấy, ngoài việc các trường này có cơ sở vật chất khá khang trang, học sinh còn có nền nếp sinh hoạt trật tự với tinh thần hiếu học rất rõ rệt. Đó chẳng phải là các mặt đáng khuyến khích của môi trường dạy và học của các trường chuyên hay sao?
Tuy nhiên, trường chuyên cũng đang tồn tại một số hạn chế. Các trường chuyên chưa thực hiện đầy đủ, toàn diện các yêu cầu giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ GDĐT. Phương thức đào tạo học sinh theo hướng phát triển tích hợp nhiều môn tại các trường chuyên thường không được thực hiện trong khi yêu cầu ở bậc phổ thông phải là không coi nhẹ bất kỳ môn học nào, quan tâm cả giáo dục chính trị, thể chất, âm nhạc, mỹ thuật.
Mô hình trường chuyên đã được Đảng và Nhà nước khuyến khích. Ngày 24/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 959/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 với 6 giải pháp, nhằm thực hiện nhiệm vụ phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, tạo nguồn tiếp tục đào tạo thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Tuy nhiên, việc lập các trường chuyên ở bậc THCS là chưa thích hợp và cũng không có cơ sở về tài chính để mở tràn lan các trường chuyên cả ở bậc THCS.
Gần đây, một số địa phương đã đưa ra chính sách chi tiền tỷ để thu hút GS, PGS về dạy trường chuyên. Thông tin này đang thu hút quan tâm của nhiều người. Theo Giáo sư, đối với trường chuyên có cần thiết mời GS, PGS về giảng dạy?
- Giáo viên của các trường chuyên cần có chuyên sâu và sự nhiệt tình đào tạo nhân tài. Thầy giỏi thì mới hy vọng có trò giỏi. Thầy giỏi thì cần có ưu đãi cao hơn là chuyện bình thường.
Rất nhiều thầy cô giáo ở các trường chuyên nổi tiếng là những tấm gương tốt trong phương thức đào tạo học sinh giỏi. Nếu giáo viên giỏi có thu nhập cao hơn mức bình thường là không có gì lạ. Tuy nhiên để có thu nhập cao hơn không phải là chuyện dễ dàng gì đối với các trường chuyên trong thực tế hiện nay.
Thế nên tôi cho rằng, việc mời các GS, PGS về dạy tại các trường chuyên là không thực tế. Hiện nay, số GS, PGS dạy cho các trường đại học, học viện không có nhiều. Họ còn gắn với công tác nghiên cứu khoa học ở các trường đại học và học viện. Tuy nhiên để các GS góp phần vào sự nghiệp nâng cao chất lượng của các trường chuyên là chuyện có thể thực hiện được.
Bản thân tôi đã cố gắng góp phần vào sự nghiệp nâng cao chất lượng của các trường chuyên. Để giúp nâng cao chất lượng bài giảng Sinh học ở bậc phổ thông, tôi đã cộng tác với hai giáo viên ở bậc phổ thông biên soạn cuốn Khoa học về sự sống, bám sát theo chương trình ở bậc phổ thông nhưng sâu hơn nhiều. Sách dày 271 trang, in màu, được NXB Dân trí phát hành và được đông đảo giáo viên phổ thông hoan nghênh.
Tôi ước ao các Hội khoa học chuyên ngành (Toán, Lý, Hóa, Ngôn ngữ, Lịch sử, Địa lý) đều phân công các GS biên soạn các bộ sách tương tự thì nhất định góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy ở các bậc phổ thông, trước hết là ở các trường chuyên.
Hiện nay, nhiều phụ huynh đua nhau cho con vào trường chuyên, tạo ra áp lực lớn cho học sinh, kéo theo định hướng phát triển trường chuyên của nhiều địa phương là luyện thi, luyện “gà nòi”. Thậm chí đã từng có thời điểm, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ mô hình trường chuyên. Trường chuyên nên nhận thức đúng như thế nào, thưa Giáo sư?
- Trường chuyên có làm điều gì sai trái so với xã hội đâu mà lại yêu cầu bỏ trường chuyên? Trường chuyên góp phần đào tạo nhân tài, cho nên yêu cầu học sinh giỏi vào học trường chuyên là chuyện bình thường. Phụ huynh muốn con em mình vào học trường chuyên thì khuyến khích các cháu học giỏi và có tư cách đạo đức tốt. Trường chuyên đào tạo những học sinh phát triển toàn diện chứ đâu phải lò luyện thi một môn học cụ thể nào.
Vậy theo Giáo sư, trong tương lai, mô hình trường chuyên cần thay đổi như thế nào để tránh tình trạng chạy theo thành tích?
- Thành tích của các trường chuyên là rất đáng hoan nghênh chứ? Chạy theo thành tích đáng bàn là chỉ nhằm đạt kết quả của thi cử một môn nhất định mà quên mục tiêu giáo dục toàn diện, coi nhẹ việc đào tạo học sinh thành những thanh niên tốt như mong muốn của Bác Hồ.
Ngày 1/8/1947 trong thư gửi các ban thanh niên, Bác Hồ đã viết: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”. Tinh thần và lực lượng của thanh niên chính là nhờ giáo dục toàn diện mà có được.
Chúng ta cũng không thể quên lời căn dặn của Bác Hồ trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!